Nỗi lo lạm phát dịu đi, chứng khoán Mỹ và thế giới cùng lập kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/6), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. Thị trường chứng khoán thế giới cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/6), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. Thị trường chứng khoán thế giới cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt một thoả thuận lưỡng đảng về gói đầu tư hạ tầng là những một nhân tố chính mang đưa giá cổ phiếu ở Phố Wall đi lên trong hai phiên giao dịch cuối của tuần. Theo thoả thuận mà ông Biden có được, gói đầu tư hạ tầng sẽ có trị giá 1,2 tỷ USD, được tiêu trong 8 năm. Trong đó, vốn mới là 579 tỷ USD và phần còn lại là vốn gia hạn từ các đạo luật hiện có.
Phiên này, S&P 500 còn nhận được cú huých mạnh từ cổ phiếu hãng thời trang thể thao Nike và cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) thấp hơn dự báo của giới phân tích cũng giúp nhà đầu tư giảm bớt mối lo về sự thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,71%, đạt 34.438,58 điểm. S&P 500 tăng 0,34%, đạt 4.280,7 USD – mức cao chưa từng thấy. Nasdaq giảm 0,06%, tuột khỏi mức chốt kỷ lục thiết lập trong phiên ngày thứ Năm.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 2,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2. Dow Jones tăng 3,4% trong tuần, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ giữa tháng 3. Nasdaq tăng 2,4%.
Sắc xanh cũng phủ khắp các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu, dù mức tăng không lớn. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,13% phiên ngày thứ Sáu và tăng 1% trong cả tuần. Trong tuần này, chứng khoán châu Âu đã trải qua sự giằng co mạnh do lo ngại lạm phát tăng có thể dẫn tới việc tăng lãi suất.
Chỉ số FTSE 100 của chứng khoán Anh chốt phiên tăng 0,37%; DAX của Đức tăng 0,12%.
Chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới cũng đạt mức kỷ lục khi đóng cửa ở 721,91 điểm.
Về tình hình lạm phát ở Mỹ, chỉ số PCE – một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 3,4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra, nhưng thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích.
“Các số liệu kinh tế công bố ngày hôm nay khá trái ngược, nhưng quan trọng nhất là số liệu lạm phát phù hợp hoặc thấp hơn một chút so với kỳ vọng”, chuyên gia Paul Hickey của Bespoke Investment Group LLC nhận định trong một báo cáo.
Các nhà phân tích đưa ra quan điểm thiếu nhất quán về lạm phát.
“Dữ liệu lạm phát công bố ngày hôm nay là một lá phiếu niềm tin nữa đối với nhận định rằng lạm phát chỉ là tạm thời”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận xét.
Trái lại, chiến lược gia trưởng Michael Harnett của Bank of America lại cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ ở mức cao trong 2-4 năm tới, và chỉ trong trưởng hợp thị trường sụp đổ thì mới có chuyện các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ trong 6 tháng tới”, ông Harnett nói.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng khoảng 1% trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 0,66%.
Các biện pháp kích cầu bằng tiền tệ và tài khoá trên toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 đã và đang đẩy giá tài sản tăng cao, cho dù sự phục hồi kinh tế còn thiếu sự đồng đều giữa các khu vực – theo ông Eddie Cheng, trường bộ phận quản lý danh mục quốc tế thuộc Wells Fargo Asset Management, phát biểu.
“Giá trái phiếu tăng, giá cổ phiếu tăng, giá hàng hoá cơ bản tăng. Đây là thị trường bị chi phối bởi lượng thanh khoản lớn”, ông Cheng nói.
Chiến lược gia cấp cao Sebastian Galy của Nordea Asset Management thì nói rằng kế hoạch đầu tư hạ tầng của Mỹ “có thể đủ lớn cho nền kinh tế mà không khiến tăng trưởng trở nên quá nóng một cách không cần thiết”. Ông Galy nói thêm rằng nếu kế hoạch được thông qua, “kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể cải thiện”.
Cổ phiếu Nike tăng 15,5%, đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi hãng đưa ra dự báo doanh thu cả năm tài khoá vượt dự báo của giới phân tích.
Cổ phiếu công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard Branson tăng gần 40% sau khi công ty nhận được sự phê chuẩn của nhà chức trách Mỹ để đưa người bay vào vũ trụ.
Cổ phiếu hai nhà băng Bank of America và Wells Fargo tăng tương ứng 1,9% và 2,7%, sau khi Fed tuyên bố các ngân hàng lớn đã vượt qua bài kiểm tra về sức ép tài chính (stress test) và sẽ không còn phải chịu những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 về mua lại cổ phiếu và trả cổ tức.