Từ 2,3 nghìn tỷ USD, gói hạ tầng của ông Biden bị rút xuống còn 1 nghìn tỷ USD
Dù quy mô của gói hạ tầng bị cắt giảm, thoả thuận vừa đạt được vẫn là một cột mốc lớn đối với ông Biden...
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt thoả thuận về một gói đầu tư hạ tầng trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD để nâng cấp những hệ thống như cầu đường và mạng băng thông rộng trong 8 năm tới đây. Tuy nhiên gói chi tiêu này nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của ông chủ Nhà Trắng.
Hồi tháng 3, ông Biden công bố gói hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, và đến tháng 4, ông công bố thêm một gói an sinh xã hội trị giá 1,8 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, thoả thuận giữa ông Biden với một nhóm nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà tại Thượng viện ngày 25/6 chỉ là một kế hoạch hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, gói an sinh xã hội không được đề cập đến trong thoả thuận này.
Dù quy mô của gói hạ tầng bị cắt giảm, thoả thuận vừa đạt được vẫn là một cột mốc lớn đối với ông Biden – người đã quyết tâm vận dụng kinh nghiệm nhiều thập kỷ là một thượng nghị sỹ đến từ bang Delaware để thương lượng với phe Cộng hoà và vượt qua sự phân cực vốn dĩ đã trở thành “căn bệnh kinh niên” trong nền chính trị Mỹ.
“Chúng tôi đã có những sự nhượng bộ lớn từ cả hai phía”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/6 khi công bố về thoả thuận đạt được.
Với sự ủng hộ của phe Cộng hoà, gói hạ tầng 1 nghìn tỷ USD của ông Biden gần như đã nắm chắc cơ hội được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Đối với phần còn lại của chương trình nghị sự kinh tế, Đảng Dân chủ và Nhà Trắng hy vọng sẽ sử dụng được đa số mong manh trong Quốc hội để thông qua.
Ông Biden xem gói hạ tầng là chìa khoá để giải quyết tình trạng thiếu đầu tư đối với hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Mỹ trong suốt nhiều năm. Ông nói rằng kế hoạch sẽ tạo cho Mỹ một vị thế tốt hơn để cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21.
“Họ (Trung Quốc) đang đầu tư rất mạnh. Chúng ta phải hành động và hành động nhanh”, ông Biden nói.
Một gói đầu tư hạ tầng lớn vốn là mục tiêu của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà, thậm chí từ thời Tổng thống Donald Trump, nhưng lại bị lảng tránh. Ông Biden nói rằng ông đã phải rất linh hoạt trong quá trình đàm phán và không thể đưa ra thêm yêu cầu nào khác.
“Tôi đã hứa với họ là tôi sẽ làm đúng những gì họ đề xuất. Và họ cũng hứa với tôi. Những gì đạt được là đủ tốt đối với tôi rồi”, ông Biden phát biểu.
Trước khi đề xuất gói hạ tầng và gói an sinh xã hội, ông Biden đã có gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng cho biết thoả thuận hạ tầng bao gồm 579 tỷ USD vốn đầu tư mới. Nếu cộng thêm với việc gia hạn ngân sách hiện tại dành cho hạ tầng, giá trị của kế hoạch sẽ đạt 973 tỷ USD trong 5 năm tới và 1,2 nghìn tỷ USD trong 8 năm tới.
Trong phần chi mới, sẽ có 109 tỷ USD cho cầu đường, 66 tỷ USD cho đường sắt, và 49 tỷ USD cho giao thông công cộng. Các công trình như cảng biển, sân bay, trạm xạc xe điện… cũng được cấp vốn đầu tư mới.
Mâu thuẫn lớn nhất liên quan đến gói hạ tầng của ông Biden là làm thế nào để có nguồn thu và không làm tăng thâm hụt ngân sách. Thoả thuận đạt được dự kiến sẽ dùng tiền chưa dùng hết từ những gói kích cầu trước, nâng cấp khả năng của Sở Thuế vụ liên bang (IRS) trong việc thực thi pháp luật về thuế; và bán bớt dự trữ dầu lửa chiến lược.
Phe Cộng hoà đề xuất tăng thuế xăng dầu liên bang và phí đối với người sử dụng ô tô điện nhằm có thêm ngân sách để chi trả cho kế hoạch. Tuy nhiên, Nhà Trắng bác bỏ ý tưởng này vì lo ngại vi phạm lời hứa của ông Biden về không tăng thuế đối với người Mỹ có thu nhập dưới 400.000 USD/năm.