Nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán Mỹ đỏ rực, giá dầu “bốc hơi” 2%
Dow Jones mất hơn 760 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9, trong bối cảnh những tia hy vọng về một cuộc hồi phục cuối năm của thị trường đang bị “vùi dập”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/12), sau khi số liệu thống kê mới cho thấy doanh thu bán lẻ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 11, làm dấy lên mối lo rằng những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Dưới áp lực của lãi suất tăng và đồng USD lên giá, dầu thô cũng mất giá hơn 2% sau mấy phiên tăng mạnh liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 764,13 điểm, tương đương giảm 2,25%, còn 33.202,22 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 9, trong bối cảnh những tia hy vọng về một cuộc hồi phục cuối năm của thị trường đang bị “vùi dập”.
Chỉ số S&P 500 mất 2,49% điểm số, còn 3.895,75 điểm, nâng tổng mức giảm từ đầu tháng tới nay lên 4,5%.
Chỉ số Nasdaq sụt 3,23%, còn 10.810,53 điểm. Năm 2022 là một năm “thảm hại” đối với cổ phiếu công nghệ, thể hiện qua mức giảm gàn 31% của Nasdaq từ đầu năm tới nay.
Bán tháo diễn ra trên diện rộng, với chỉ 14 cổ phiếu trong S&P 500 chốt phiên trong trạng thái tăng. Hầu hết các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều giảm mạnh, với Apple và Alphabet cùng giảm hơn 4%; trong khi Amazon và Microsoft sụt hơn 3%. Cổ phiếu Netflixt giảm 8,6% sau khi có thông tin nói rằng công ty truyền nội dung trực tuyến này đang đề nghị hoàn tiền cho khách hàng quảng cáo vì không đạt mục tiêu về lượng người xem.
Số liệu bán lẻ gây thất vọng là một dấu hiệu cho thấy rằng lạm phát cao đang gây ra tổn thất cho người tiêu dùng Mỹ. Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này giảm 0,6% trong tháng 11. Mức giảm này lớn hơn dự báo giảm mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Nhà đầu tư ở Phố Wall bắt đầu bán tháo cổ phiếu vào hôm thứ Tư tuần này, sau khi Fed có động thái tăng lãi suất mới nhất của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 3. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và nói rằng lãi suất sẽ đạt cực đại ở mức 5,1%, một con số cao hơn so với đưa ra trong lần dự báo trước. Sau đợt tăng 0,5 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư, lãi suất quỹ liên bang của Fed tăng lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.
“Phản ứng của thị trường chứng khoán cho thấy nhà đầu tư đang tính tới một cuộc suy thoái kinh tế, cho rằng sẽ không có chuyện nền kinh tế hạ cánh mềm. Cuộc tranh luận giữa Fed và thị trường vẫn đang diễn ra, với ưu thế nghiêng về phía thị trường, mà thị trường thì tin rằng sự giảm tốc của nền kinh tế không phải là vấn đề tạm thời và Fed có thể sẽ buộc phải thay đổi lập trường chính sách tiền tệ trước năm 2024”, chiến lược gia trưởng toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu thô Brent giao sau ở London giảm 1,69 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 81,01 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York giảm 1,77 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 75,51 USD/thùng.
“Giá dầu chịu áp lực giảm mạnh trong phiên này, vì sự cứng rắn mà Fed thể hiện hôm thứ Tư làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, kéo đồng USD tăng giá, và đẩy giá hàng hoá cơ bản sụt giảm”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets phát biểu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm với mức tăng gần 0,8%, đạt 104,6 điểm.
Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cùng tăng lãi suất vào ngày thứ Năm, với bước nhảy được cả hai áp dụng là 0,5 điểm phần trăm.
Sức ép giảm giá dầu phiên này còn đến từ dữ liệu gây lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục “hụt hơi” trong tháng 11 khi sản lượng của các nhà máy suy giảm và doanh thu bán lẻ tiếp tục đi xuống, với mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng. Trung Quốc gần đây đã nới Zero Covid nhưng được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu nới lỏng vì số ca nhiễm có thể tăng mạnh.
“Số liệu gây thất vọng về bán lẻ và ngành sản xuất của Trung Quốc đã khiến giá dầu mất đi một phần lực hỗ trợ có được gần đây từ kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại”, các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định trong một báo cáo.
Dầu còn giảm giá do đường ông dẫn dầu Keystone nối giữa Canada và Mỹ hoạt động trở lại sau 1 tuần phải đóng cửa để khắc phục sự cố rò rỉ.