07:00 05/06/2023

Nông dân ở Ea Tóh: Thoát nạn “được mùa rớt giá”

Chương Phượng

Đến xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắck, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến những khu vườn của nông dân nơi đây. Ngỡ ngàng là bởi gọi là vườn cà phê, nhưng nhìn như vườn tạp, chỉ trên một mảnh vườn 1-2 ha, nông dân trồng xen kẽ đủ loại cây: cà phê, tiêu, mắc ca, sầu riêng...

Ông Đỗ Văn Ánh kiểm tra sự phát triển của cây cà phê
Ông Đỗ Văn Ánh kiểm tra sự phát triển của cây cà phê

Ông Nguyễn Lực, Trưởng ban kiểm soát của Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Ea Tóh, cho biết trước đây nông dân ở địa phương luôn phải quay cuồng với nạn “trồng- chặt”, “được mùa rớt giá”. Một thời cà phê được coi là cây làm giàu, từng cho lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha.

TRỒNG ĐA CANH CHO THU NHẬP BỀN VỮNG

Những năm 2011-2015, giá bán cà phê rơi tự do, khiến nông dân trồng cà phê thua lỗ. Giai đoạn 2013-2016, giá hồ tiêu tăng cao ngất ngưởng, có thời điểm lên đến 180-200 nghìn đồng/kg, mỗi ha hồ tiêu cho lợi nhuận 300-400 triệu đồng. Vào những năm ấy, nông dân ồ ạt chặt bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu. Thế nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, từ năm 2016 giá hồ tiêu liên tục “lao dốc” cho đến năm 2019 đã xuống đến đáy chỉ còn 35.000 đồng/kg.

Nông dân trồng hồ tiêu thua lỗ, họ lại theo nhau chặt bỏ hồ tiêu, chuyển sang trồng cây mắc ca. Từ năm 2022 đến nay, giá sầu riêng tăng cao ngất ngưởng, nông dân ở nhiều nơi phá bỏ vườn cà phê, tiêu để trồng sầu riêng. Trồng cây gì cũng chỉ được 3-5 năm lại rớt giá, trong khi những cây đã chặt đi thì lại có lúc giá tăng trở lại.

Ông Nguyễn Lực dưới tán cây mắc ca.
Ông Nguyễn Lực dưới tán cây mắc ca.

Không thể cứ luẩn quẩn cảnh “trồng – chặt”, nông dân ở xã Ea Tóh đã liên kết với nhau, cùng tìm giải pháp làm giàu bền vững. Hợp tác xã nông nghiệp bền vững Ea Tóh ra đời từ đó. Ông Lực cho biết, Hợp tác xã nông nghiệp Ea Tóh hiện có 49 hộ xã viên, tổng diện đất canh tác 115 ha. Đối phó với biến động thị trường, Hợp tác xã đưa ra hai giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là trồng đa canh, trong vườn của từng hộ dân trồng đủ các loại cây: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng.

Vườn của gia đình ông Lực có 1,7 ha, khi trồng xen, thì số lượng cây cà phê giảm đi so với trước đây, nhưng nếu tính mật độ tổng của các loại cây, thì lại dầy hơn. “Việc trồng xen canh, liệu cây này có gây hại cho cây kia?”, tôi hỏi. Ông Lực giảng giải: trồng xen canh rất lợi, các cây to như cây sầu riêng, cây mắc ca sẽ che bóng cây cà phê, vì cây cà phê đòi hỏi phải che nắng và tránh gió thì mới phát triển tốt và cho năng suất cao.

Trước đây, nông dân Tây Nguyên thường trồng cây muồng đen che cho cây cà phê. “Tuy nhiên, không thể trồng cây muồng đen sát với cây cà phê, bởi rễ cây muồng sẽ hút hết chất dinh dưỡng, khiến cây cà phê còi cọc. Cây muồng đen thường trồng làm bờ rào xung quanh diện tích đất vườn, hoặc cứ trồng 50 hàng cây cà phê thì mới có một hàng cây muồng.

Nay không trồng cây muồng đen nữa, mà trồng cây mắc ca. Trồng cây sầu riêng cách cây cà phê từ 1-1,5 m vừa che được bóng mà không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê”, ông Lực nhấn mạnh.

Trước đây chỉ độc canh cây cà phê, mỗi năm vườn của ông Lực cho thu hoạch 3-4 tấn cà phê, nhưng nay chỉ còn thu hoạch 2-2,5 tấn cà phê. Mỗi ha, ông trồng xen 70 cây mắc ca, mỗi cây cho sản lượng 1-1,5 tạ hạt/năm, bán với giá 100-120 nghìn đồng/kg. Nhờ trồng xen nhiều loại cây, nên vườn cho thu hoạch quanh năm: tháng 6 đến tháng 8 thu hoạch mắc ca; tháng 9 thu hoạch sầu riêng, sang tháng 11 thu hoạch cà phê, tháng giêng thu hoạch hạt tiêu… “Từ khi trồng xen canh, vườn nhà tôi mỗi năm đều thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng, sau khi đã trừ đi mọi chi phí”, ông Lực cho biết.

Về giải pháp thứ hai, ông Nguyễn Lực cho biết tất cả các hộ xã viên trong hợp tác xã đều chuyển hướng sang sản xuất cà phê chất lượng cao. Hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, được công ty bao tiêu thu mua sản phẩm. Sản lượng cà phê chất lượng cao chiếm 70-85% trong tổng sản lượng cà phê của hợp tác xã (tùy theo từng năm).

Cà phê chất lượng cao là phải sản xuất theo quy chuẩn Global Gap hoặc theo quy trình hữu cơ, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, phân vô cơ chỉ dùng hàm lượng ít và chủ yếu là lân, kali để tăng năng suất quả. Khi cây cà phê có sâu bệnh, không được sử dụng hóa chất, mà phải sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Trong vườn thường sử dụng bẫy côn trùng. Cây cà phê thường hay bị rệp sáp gây hại, chỉ dùng nước xịt cho con rệp rơi xuống đất và chết.

“Bây giờ, các xã viên trong hợp tác xã thu hoạch cà phê khi quả chín 100%, rửa sạch, đem ủ lên men khoảng 5 ngày sẽ rất thơm, sau đó mới đem ra phơi. Nếu như cà phê thông thường chỉ được thương lái thu mua với giá 40-50 nghìn đồng/kg, thì cà phê chất lượng cao do nông dân của Hợp tác xã nông nghiệp bền vững Ea Tóh được Công ty 2-9 thu mua với giá chênh cao hơn 25.000 đồng/kg trở lên. Cụ thể, hiện tại giá bán hạt cà phê là 85 nghìn đồng/kg”, ông Lực chia sẻ.

ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ THỰC HÀNH CHÍNH XÁC

Đến thăm vườn của ông Đỗ Văn Ánh ở thôn Tân Phú, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, ở đây cũng trồng xen canh nhiều loại cây. Tại vườn của ông Ánh, chúng tôi được chiêm ngưỡng công nghệ tưới tự động đo SAP-FLOW (công nghệ đo dòng nhựa cây), do dự án V-SCOPE triển khai. Hệ thống thiết bị này cho phép tự động tính toán lượng nước chính xác cây trồng sử dụng trong nhiều thời điểm khác nhau, từ đó tính toán và tự động điều chỉnh lượng nước tưới.

Chủ hộ Đỗ Văn Ánh chia sẻ, nếu trước kia vườn cây tưới nước theo cảm quan, cứ thấy đất khô là tưới, thì nay việc tưới tiêu được triển khai hợp lý hơn, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sử dụng ít phân bón hơn và giúp nông dân tránh rủi ro về mặt thu nhập khi giá cả cà phê biến động.

“Nhờ tưới qua công nghệ nhỏ giọt đã giúp tiết kiệm được phân bón. Trước đây, 1 kg chỉ có thể rải quanh cho 3-5 gốc, thì nay hòa phân vào nước tưới tiết kiệm, 1 kg phân có thể bón được cho 100 cây. Bón phân qua nước tưới, phân hòa tan trong nước, tưới thẳng xuống gốc, nên chỉ cần lượng phân bón nhỏ cũng cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây”, ông Ánh cho biết.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nông dân ở Ea Tóh: Thoát nạn “được mùa rớt giá” - Ảnh 1