Nông dân xuất sắc sản xuất gạo hữu cơ
Nông dân Nguyễn Thanh Tuấn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) được mệnh danh là “người trồng lúa lớn nhất cả nước”. Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Linh do ông Tuấn làm Giám đốc cũng là doanh nghiệp đi đầu về sản xuất gạo hữu cơ an toàn tại tỉnh Kiên Giang…
Nhân dịp kỷ miệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024), trong hai ngày 13-14/10/2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Tự hào Nông dân Việt Nam”, trong đó trọng tâm là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”. Với những thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Tuấn xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” tại lễ tôn vinh.
ĐẤT HOANG KHÔNG PHỤ CÔNG NGƯỜI
Theo hồ sơ nông dân xuất sắc năm 2024 do Hội Nông dân Việt Nam công bố, tỷ phú trồng lúa hữu cơ Nguyễn Thanh Tuấn hiện trồng hơn 500ha lúa, doanh thu 29 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Tuấn còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, dịch vụ máy cày, máy cắt, mang lại lợi nhuận bổ sung gần 2,2 tỷ đồng. Doanh nhân này đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao động mùa vụ với mức thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Nông dân Nguyễn Thanh Tuấn sinh năm 1975, trú tại đầu kênh 15 giao cắt với kênh T5, xã Kiên Bình - nơi giáp ba huyện Giang Thành - Kiên Lương - Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang. Đất này ban đầu rất phèn lợ, khó canh tác, được Nhà nước giao khoán cho ông Nguyễn Thanh Sơn (cha củaTuấn) với diện tích khoảng 700 ha vào năm 1999. Thuở đó, do đất không thể canh tác được, nên hầu hết nông dân trong ấp không ai muốn nhận đất để trồng trọt, mà thường chọn nghề dùng ghe thuyền đi buôn bán. Hồi đó, thấy ông Sơn nhận nhiều đất canh tác, bà con ai cũng bảo ông gàn dở, đất ấy thì trồng được cây gì.
“Lúc tôi sinh ra, là đứa trẻ từng phải theo cha ngâm mình dưới nước ruộng để thử độ phèn, ngày đêm lặn lội ngoài đồng đến lở loét tay chân. Các cánh đồng Lung Lớn ở xã Kiên Bình, một thời khét tiếng phèn lợ, cây lúa còi cọc, dân cư thưa thớt đìu hiu. Nhiều người phải tha hương. Vùng đất lúc ấy um tùm cỏ năn, cỏ lác không khác gì cánh đồng hoang bỏ phế”, ông Tuấn kể lại.
"Có những lúc, tôi tưởng không thể bước tiếp. Bỏ đất hoang thì còn cuộc sống gia đình và nhiều người làm thuê nữa, nên tôi rút kinh nghiệm xương máu, chuyển làm lúa hữu cơ ST24, ST25 để đổi hướng.
Nhờ máy móc có đủ, tôi tiết kiệm được chi phí nhân công. Trước đây, phải thuê hơn 130 nhân công để phục vụ trồng lúa, thì nay chỉ còn phải thuê 20 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Để đất nghỉ ngơi, giữ độ dinh dưỡng và ít sâu bệnh, tôi chỉ làm hai vụ lúa trong năm và nhờ vậy có lợi nhuận hơn 14 tỷ đồng/năm”.
Theo ông Tuấn, nhận đất xong, hai cha con phải lao vào “mần dữ lắm” để cải tạo đất trồng tràm. Đất phèn chỉ có mỗi cây tràm là sống được, nhưng trồng tràm vẫn èo uột. Cha con Tuấn chuyển sang trồng mía, nhưng trồng mía cũng èo uột, trữ đường thấp, nên cuộc sống rất khó khăn. Trong 5 năm trồng mía (2000-2005), bữa ăn nhà Tuấn vẫn phải tính từng ngày. Đất vẫn cứ hoang hóa, bạc màu vì phèn chua nên trồng cây gì thay cây mía là câu hỏi lớn của cha con ông lúc bấy giờ. Giải quyết bài toán khó này, đầu tiên phải khắc phục phèn trong đất. “Ba tôi và các chú hồi xưa dùng len, cuốc đào bới từng gốc tràm gốc mía, nhổ cỏ năn cỏ lác mà lở tay lở chân. Muỗi, đỉa, rắn rết nhiều vô kể nhưng ba tôi vẫn quyết làm, đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức mới có được 500 ha đất bằng phẳng như hôm nay”, ông Tuấn tâm sự.
Cha con Tuấn trằn trọc nhiều đêm khuya, rồi liều mình mướn máy móc vào làm bằng phẳng 700 ha đất để phân loại đất trồng lúa, trồng cây ăn trái. Đặc biệt, hai cha con tính toán đến việc đào hệ thống mương nước dọc ngang như những “mạch máu” để tiện quản lý nước và đưa phù sa vào đồng, tháo chua rửa phèn. Ngoài ra, anh để nước ngập ruộng và sử dụng thêm vôi bột và phân lân để làm giảm độ phèn mà trồng lúa. Sau đó, gia đình Tuấn cắt lại 200 ha đất trả Nhà nước, còn khoảng 500 ha đất vẫn giữ để canh tác. Ban đầu cha con Tuấn trồng thử cây lúa trên diện tích khoảng 20 ha, còn 480 ha vẫn trồng mía và các loại cây ăn trái khác, mục đích để “nghiên cứu” xem trồng cây nào thì phù hợp với đồng đất ấy.
Năm 2006, Tuấn thử nghiệm trồng nhiều loại giống lúa khác nhau như OM5451, OM18, Đài Thơm 8... chỉ đạt 2-3 tấn lúa tươi/ha. Tiền bán lúa không đủ bù chi phí. Ông chuyển sang trồng lúa nếp từ năm 2014, thế rồi vẫn ngậm đắng thất bại vì hồi đó bán giá chỉ 3.000 đồng/kg nếp, “lỗ thấu xương”...
Trong suốt hơn 15 năm ấy, gia đình vẫn tập trung vào rửa phèn, khử mặn. Đằng đẵng gần hai thập kỷ, đồng đất của gia đình đã ngọt dần. Năm 2017, ông quyết định đầu tư vào quy trình trồng lúa hữu cơ, với mong muốn đạt giá bán cao, sẽ cho lợi nhuận cao. Ông trồng giống lúa đặc sản ST24, ST25 được ca ngợi là thơm ngon, bán được giá 7.000 - 8.000 đồng/kg lúa tươi. Nhưng do lúa gạo hữu cơ nên đầu ra lúc đó chưa thuận, vẫn lỗ vì chi phí sản xuất lớn gồm trả tiền thuê đất 700 triệu đồng/năm, tiền nhân công 6 - 8 triệu đồng/người và nhiều chi phí sản xuất khác. Trong 3 năm trước dịch Covid-19, ông Tuấn phải ra ngân hàng vay thế chấp đất khoảng 650 triệu đồng để trang trải...
Sau nhiều đêm suy nghĩ đến mất ngủ, ông Tuấn quyết định đầu tư vào cơ giới hóa, chi tiền tỷ để mua 2 máy gặt đập liên hợp; 4 chiếc máy cày, 4 máy cấy, 2 máy bay không người lái (drone) xịt thuốc, rải phân, sạ lúa. Ông trồng lúa theo kiểu cuốn chiếu, cứ nửa tháng thì gieo sạ trên khoảng đất 20 ha, để quanh năm lúc nào cũng có lúa thu hoạch.
ĐI ĐẦU SẢN XUẤT LÚA GẠO HỮU CƠ
Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Linh là một trong những doanh nghiệp đi đầu về sản xuất gạo hữu cơ an toàn tại tỉnh Kiên Giang. Hiện, doanh nghiệp sản xuất lúa 2 vụ trên diện tích 500 ha, trong đó lúa hữu cơ (Organic) chiếm khoảng 80%, chủ yếu là giống chất lượng cao như ST24 và ST25... Vụ hè thu 2024, anh Tuấn thu hoạch đạt năng suất khoảng 7-8,5 tấn/ha.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, doanh nghiệp Tuấn Linh cung cấp nguồn nguyên liệu thô cho Công ty Đại Nam Ong Biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu đóng gói và cung ứng gạo hữu cơ ở các thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ trồng lúa, anh Nguyễn Thanh Tuấn còn kinh doanh vật tư và dịch vụ máy cày, máy cắt với lợi nhuận gần 2,2 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng lúa hữu cơ của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Linh do ông Nguyễn Thanh Tuấn làm giám đốc đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao đồng mùa vụ với mức thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn đã vinh dự được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen năm 2022 vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022”. Nếu ai đến Kiên Bình hôm nay, nhìn những đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, những ngôi nhà mái Thái tường xanh, ngói đỏ khang trang, kiên cố, đi trên những con đường phẳng phiu được nhựa hóa, bê tông hóa sẽ khó có thể hình dung trước đây nơi này lầy lội gồ ghề, cây lúa không thể sống được...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam