07:00 18/01/2022

Nóng kỷ lục trên 50 độ, đại gia dầu mỏ Kuwait đối mặt tương lai "khó sống”

Hoài Thu

Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại Kuwait - một trong những quốc gia nóng nhất hành tinh - được dự báo sẽ tăng cao tới mức “khó sống” với con người và động vật hoang dã trong vài thập kỷ tới…

Người dân tránh nắng trên bãi biển Shuwaikh ở thành phố Kuwait, Kuwait - Ảnh: Bloomberg
Người dân tránh nắng trên bãi biển Shuwaikh ở thành phố Kuwait, Kuwait - Ảnh: Bloomberg

Vào mùa hè tại Kuwait, thủ đô của quốc gia vùng Vịnh Kuawait, việc bắt xe buýt ở nhà ga Maliya là trải nghiệm “không thể chịu đựng được”. Khoảng 2/3 xe buýt của thành phố đi qua điểm trung chuyển này và lịch trình thay đổi liên tục.

Khói từ dòng xe cộ qua lại đây tràn ngập trong không khí. Bên dưới các mái che nhỏ chen chúc người đứng trú nắng. Trong khi đó, hàng chục người khác phải đứng bên ngoài, một số dùng ô để che chắn.

Theo Bloomberg, tình trạng nóng lên toàn cầu đang đẩy nền nhiệt tăng lên kỷ lục trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tại Kuwait, một trong những quốc gia nóng nhất hành tinh, đang dần trở thành một nơi khó sống do nhiệt độ quá cao. Năm 2016, nhiệt độ tại nước này có thời điểm chạm ngưỡng 54 độ C, mức cao nhất từng ghi nhận trên trái đất trong 76 năm trước đó. Năm ngoái, lần đầu tiên mức nhiệt tại nước này lên tới 50 độ C vào tháng 6, sớm hơn nhiều tuần so với cao điểm nắng nóng hàng năm.

QUỐC GIA GIÀU CÓ - NƠI KHÓ SỐNG VỚI CẢ NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT

Theo Cơ quan Môi trường Công cộng Kuwait, trong khoảng từ năm 2071-2100, nhiều địa phương của Kuawait có thể ghi nhận mức nhiệt tăng tới 4,5 độ C so với mức bình quân trong lịch sử và điều này khiến con người không thể sinh sống được nhiều khu vực rộng lớn của quốc gia vùng Vịnh này.

Động vật hoang dã cũng khó sống được tại đây. Vào các tháng hè nắng nóng gay gắt, chim chóc chết hàng loạt trên các mái nhà ở Kuwait do không thể tìm được bóng râm hay nước uống. Các cơ sở thú y cũng quá tải với nhiều con mèo được đưa tới bởi những người tìm thấy chúng đang hấp hối do kiệt sức vì nóng và mất nước. Ngay cả những con cáo hoang dã cũng đang rời bỏ sa mạc do nơi trú ẩn này không còn những mảng xanh sau cơn mưa, trong khi ở thành phố, chúng bị xem là động vật gây hại.

“Đây là lý do tại sao chúng ta ngày càng ít thấy động vật hoang dã ở Kuwait. Bởi vì hầu hết chúng không sống được qua các mùa”, Tamara Qabazard, một bác sĩ thú y tại Kuawait, cho biết. “Năm ngoái, chúng tôi đã có 3-4 ngày vào cuối tháng 7 thời tiết vô cùng ẩm và nóng bức, không có gió, thậm chí khó có thể đi bộ ngoài trời. Rất nhiều động vật bắt đầu gặp vấn đề về hô hấp”.

Chim bồ câu trú nắng dưới bóng cây bên bờ biển ở thành phố Kuwait ngày 2/7/2021 - Ảnh: AFP
Chim bồ câu trú nắng dưới bóng cây bên bờ biển ở thành phố Kuwait ngày 2/7/2021 - Ảnh: AFP

Không giống các quốc gia như Bangladesh hay Brazil – những nước phải vật lộn để cân bằng các thách thức về môi trường với dân số đông đúc và tình trạng nghèo đói lan rộng, Kuawait là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Là nơi có quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ ba thế giới và dân số chỉ hơn 4,5 triệu người, Kuwait không thiếu nguồn lực cắt giảm khí thải nhà kính và thích ứng với tình trạng trái đất nóng lên, mà thiếu hành động từ giới chính trị.

Trong khi đó, các nước láng giềng của Kuwait, dù cũng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, đã cam kết có hành động mạnh mẽ hơn để chóng biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, tại hội nghị COP26 của Liên hợp quốc diễn ra ở Anh, Saudi Arabia tuyên bố đặt mục tiêu đạt trạng thái khí thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Còn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đặt mục tiêu đạt được trạng thái này vào năm 2050. Dù đều là các nước sản xuất nhiên liệu hóa thành hàng đầu thế giới, cả hai cho biết đang tích cực hành động để đa dạng hóa nền kinh tế và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Hai hội nghị COP27 và COP28 dự kiến được tổ chức tại Ai Cập và UAE, khi mà các chính phủ ở Trung Đông thừa nhận rằng họ cũng có thể chịu thiệt hại do nhiệt độ và mực nước biển tăng lên.

Ngược lại, ở COP26, Kuwait cam kết giảm 7,4% khí thải nhà kính vào năm 2035 – thấp hơn nhiều so với mức giảm 45% để đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất dưới mức 1 độ C vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Quỹ đầu tư quốc gia 700 tỷ USD của nước này đã đầu tư vào nhiều dự án với mục đích chống lại rủi ro từ dầu mỏ. Tuy nhiên, quỹ này khẳng định lợi nhuận vẫn là mục tiêu ưu tiên của mình trên hành trình chuyển đổi sang đầu tư bền vững.

“So với phần còn lại của Trung Đông, Kuwait đang tụt hậu khá xa về hành động chống biến đổi khí hậu”, Manal Shehabi, một học giả chuyên nghiên cứu về vùng Vịnh tại Đại học Oxford, nhận xét. “Ở một khu vực vẫn chưa hành động đủ nhiều để chống lại thảm họa nóng lên toàn cầu, cam kết về khí hậu của Kuawait thậm chí còn kém hơn nhiều”.

Trên thực tế, dù cam kết đưa ra “chiến lược carbon thấp quốc gia” vào giữa thế kỷ này, Kuwait chưa có hành động cụ thể và cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này sẽ hành động trong thực tế.

NƠI GIÁ XĂNG RẺ HƠN COCA-COLA

Jassim Al-Awadhi, 32 tuổi, một trong những người thuộc thế hệ trẻ tại Kuwait đang ngày càng lo lắng về tương lai của đất nước. Cựu nhân viên ngân hàng này đã bỏ việc để theo đuổi dự án thay đổi thái độ của người dân với giao thông công cộng. Theo các chuyên gia, đây có thể là nhân tố quan trọng để giải quyết các quan ngại về tình trạng nóng lên của Kuwait.

Mục tiêu của Al-Awadhi là thúc đẩy mở rộng mạng lưới giao thông công cộng tại Kuawait bởi hiện tại hệ thống này chỉ có xe buýt và chủ yếu được sử dụng bởi người lao động nhập cư với thu nhập thấp - những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng cái nóng.

Jassim Al-Awadi tại một nhà chờ xe buýt vào ngày 9/1/2022 - Ảnh: Bloomberg
Jassim Al-Awadi tại một nhà chờ xe buýt vào ngày 9/1/2022 - Ảnh: Bloomberg

Đây là một cuộc đấu tranh đầy thử thách. Dù Kuwait có lượng khí thải carbon dioxide trên đầu người cao nhất thế giới, ý tưởng bỏ ô tô cá nhân là điều hoàn toàn xa lạ với cư dân ở quốc gia mà giá xăng rẻ hơn Coca-Cola và hạ tầng tại các thành phố được thiết kế chủ yếu dành cho ô tô.

Theo kết quả một cuộc khảo sát toàn diện ở Kuwait của Trường Kinh tế London (Anh), nhiều người lớn tuổi tại đây tỏ ra nghi ngờ về tính cấp thiết của việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng. Trong đó, một số người thậm chí cho rằng đây là âm mưu làm lũng loạn nền kinh tế vùng Vịnh.

Trong một cuộc tham vấn cộng đồng, tất cả những người trên 50 tuổi đều phản đối kế hoạch xây dựng một mạng lưới tàu điện ngầm giống như mạng lưới đang hoạt động ở Riyadh (Saudi Arabia) và Dubai (UAE). Trong khi đó, khu vực tư nhân ở Kuwait xem biến đổi khí hậu là vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của chính phủ.

“Khi tôi nói rằng các công ty cần phải làm gì đó, họ nói rằng đây không phải việc của họ”, Al-Awadhi kể lại. “Họ khiến tôi thấy rằng chỉ mình tôi cảm thấy có vấn đề với hệ thống giao thông”.

 

"Bế tắc chính trị ở Kuwait càng khiến tình hình thêm khó khăn. Đây là một quốc gia rất giàu có, với dân số nhỏ, lẽ ra tình hình đã phải tốt hơn".

Samia Alduaij, chuyên gia cố vấn về môi trường

Điều này một phần bởi hầu hết người Kuwait và giới giàu được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng của thời tiết nóng bức. Nhà cửa, trung tâm mua sắm và ô tô đều có điều hòa nhiệt độ, còn những người có điều kiện thường dành mùa hè sống ở châu Âu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào hệ thống làm mát cũng làm gia tăng mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch và việc này dẫn quay trở lại khiến nhiệt độ tăng lên cao chưa từng thấy.

Tình thế trở nên tồi tệ hơn nhiều với những người không thể tránh được cái nóng, chủ yếu là người lao động từ các quốc gia đang phát triển. Dù chính phủ Kuwait có quy định cấm làm việc ngoài trời vào những buổi chiều nóng cao điểm, người lao động nhập cư vẫn phải làm việc vất vả dưới thời tiết nắng nóng.

Một nghiên cứu của Science Direct vào năm ngoái cho thấy vào những ngày nóng cực điểm, số lượng người tử vong tăng gấp đôi, và mức tử vong tăng gấp 3 ở người nhập cư.

Một công nhân trú nắng dưới tán cây ở thành phố Kuwait, Kuwait - Ảnh: AFP
Một công nhân trú nắng dưới tán cây ở thành phố Kuwait, Kuwait - Ảnh: AFP

Với ông Saleh Khaled Al-Misbah, sinh năm 1959, tình hình bây giờ thay đổi quá nhiều so với trước đây. Ông còn nhớ khi còn nhỏ, các căn nhà ở Kuwait hiếm khi được lắp điều hòa không khí nhưng vẫn luôn râm mát, kể cả trong những tháng hè nóng nhất. Khi đó, ông vẫn thường vui chơi ngoài trời và thậm chí ngủ trên mái nhà vào mùa hè. Nhưng giờ đây, thời tiết quá nóng bức. Trẻ em dành phần lớn thời gian của năm ở trong nhà, nơi chúng được bảo vệ khỏi cái nóng cháy da thịt và bầu không khí độc hại. Do đó, nhiều trẻ em bị thiếu vitamin D – có được khi con người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời – và mắc các bệnh về đường hô hấp.

BẾ TẮC CHÍNH TRỊ

Theo Fitch Rates, nền nhiệt tăng lên vào những năm 2040 và 2050 sẽ gây ra tác động tiêu cực tới mức độ tín nhiệm của Kuwait. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro ngày càng lớn, mâu thuẫn giữa quốc hội và chính phủ do gia đình trị vì bổ nhiệm khiến cho các nỗ lực thúc đẩy cải cách, trong đó có cải cách liên quan tới khí hậu, gặp không ít khó khăn.

“Bế tắc chính trị ở Kuwait càng khiến tình hình thêm khó khăn”, Samia Alduaij, chuyên gia cố vấn về môi trường người Kuwaiti làm việc cho Trung tâm Khoa học Môi trường, Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản của Anh và UNDP, cho biết. “Đây là một quốc gia rất giàu có, với dân số nhỏ, lẽ ra tình hình đã phải tốt hơn”.

Ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên đường Abdul Aziz bin Abdul Rahman Al Saud ở thành phố Kuwait vào ngày 8/1/2022 - Ảnh: Bloomberg
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên đường Abdul Aziz bin Abdul Rahman Al Saud ở thành phố Kuwait vào ngày 8/1/2022 - Ảnh: Bloomberg

Đến nay, kế hoạch đưa năng lượng tái tạo chiếm 15% điện năng tiêu thụ tại Kuwait vào năm 2030 từ mức tối đa 1% hiện nay không có nhiều tiến triển. Ở nước này, nguồn dầu mỏ dồi dào tới mức được đốt cháy để tạo ra điện năng, cũng như cấp nhiên liệu cho khoảng 2 triệu ô tô trên đường phố.

Điều này góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Một số nhà máy điện đã chuyển sang sử dụng khí gas - một loại nhiên liệu hóa thạch khác tương đối sạch hơn nhưng có thể làm rò rỉ khí mê-tan - một loại khí nhà kính mạnh.

Tại Kuwait, nhà nước trợ giá phần lớn chi phí điện và nước cho người dân. Do đó, đây là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ điện nước bình quân đầu người cao nhất thế giới. Và chỉ cần đề cập tới việc cắt giảm các khoản trợ giá này cũng có thể gây ảnh hưởng tới chính trị.

“Rõ ràng, việc trợ giá này gây ra lãng phí vô cùng lớn. Khi điện năng được làm từ nhiên liệu hóa thành và được trợ giá, các công nghệ năng lượng mặt trời khó có thể cạnh tranh về giá”, Tarek Sultan, Phó Chủ tịch Agility Public Warehousing Co, cho biết.

Bên cạnh đó, giới khoa học cho rằng kể cả khi thế giới cắt giảm được lượng khí thải nhà kính đủ nhanh và tránh được thảm họa nóng lên toàn cầu, các quốc gia vẫn phải học cách thích nghi với các hiện tượng khí hậu cực đoan. Trong khi đó, các kế hoạch khí hậu của Kuwait vẫn còn cách xa ngưỡng “đủ” để giữ cho quốc gia này tiếp tục là nơi có thể sống được.

Theo Nadim Farajalla, Giám đốc chương trình về biến đổi khí hậu và môi trường tại Đại học Beirut, nếu bắt đầu từ bây giờ, Kuwait phải làm rất nhiều điều trong các thập kỷ tới, bao gồm bảo vệ chống lại tình trạng nước biển dâng lên, làm cho các thành phố xanh hơn và các tòa nhà sử dụng ít năng lượng hơn. Nước này cũng cần tập trung làm cho mạng lưới giao thông thái ít khí CO2 hơn.