08:20 28/11/2015

Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, ai có thể thoát án tử?

Nguyễn Lê

Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines, nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô thì có thoát án tử hay không?

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.<br>
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.<br>
Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, có thoát án tử? Đây là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, chiều 27/11.

Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với quy định mới.

Đó là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Vậy thì Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines - người đã bị kết án tử hình - nếu nộp lại 3/4 tài sản được xác định đã tham ô thì có thoát án tử hay không?

Tại câu trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết theo báo cáo thì hàng năm chỉ thu được 10 đến 30% và cao nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng. Và quy định nói trên nhằm tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng  gây ra.

Nhưng, bộ luật không có hồi tố, tất cả đều tính từ ngày bộ luật có hiệu lực, còn vụ án đã xảy ra trước khi bộ luật có hiệu lực, thì không được áp dụng.

Liên quan đến đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp, đề cập đến việc Thủ tướng chỉ trả lời một trong nhiều vấn đề được đại biểu chất vấn trực tiếp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, trước khi trả lời chất vấn Thủ tướng có bài phát biểu đã bao hàm tất cả nội dung liên quan đến các câu hỏi. Và sau đó Thủ tướng đã nhấn mạnh câu trả lời về biển Đông rất rõ ràng.

Sau khi Thủ tướng đã ngừng lời, dù còn thời gian nhưng nếu quay lại tiếp tục chất vấn các vị bộ trưởng thì sẽ loãng, lần đầu tiên đổi mới chất vấn nên chắc chắn cần rút kinh nghiệm, ông Phúc nói.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc hoãn thông qua hai dự án luật liên quan đến luật thuế, trong đó có nội dung điều chỉnh thuế ôtô, ông Phúc cho biết luật thông qua thì phải bảo chất lượng. Qua thảo luận thì thấy cần có thời gian hoàn thiện thêm, nên Quốc hội quyết định lùi để cho ý kiến tiếp và thông qua vào kỳ họp sau.

Thông tin về kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, đây là một trong những kỳ họp dài nhất của nhiệm kỳ này với khối lượng công việc hết sức đồ sộ.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết. Việc thông qua các luật, bộ luật này đã cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án, trình xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Tại kỳ họp này, có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.