19:32 24/02/2018

Nữ tỷ phú bị mất 245 tỷ tại Eximbank là vợ của “Vua tôm” Việt

Bạch Dương

Bà Chu Thị Bình là vợ của "vua tôm" Việt - ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú

Bà Chu Thị Bình và chồng Lê Văn Quang
Bà Chu Thị Bình và chồng Lê Văn Quang

Khách hàng tố bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank, mã chứng khoán EIB) - sự việc gây rúng động giới tài chính gần đây, chính là bà Chu Thị Bình.

Cụ thể, ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc EximBank chi nhánh Tp.HCM, được cho là đã chiếm đoạt khoản tiền hơn 245 tỷ đồng từ tài khoản khách hàng Chu Thị Bình. Từ cuối tháng 2/2017, nghi ngờ mình bị lừa, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã không còn. Trong khi đó, cũng khoản tháng 2/2017, ông Lê Nguyễn Hưng xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Theo tìm hiểu, bà Chu Thị Bình là người có tiếng tăm trong giới doanh nhân Việt. Cụ thể, bà Bình sinh ngày 26/7/1964, quê tại Thái Bình. Hiện bà Bình đang là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC).

Bà chính là vợ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú - người được mệnh danh là "vua Tôm" của Việt Nam.

Ngoài ra, bà Bình còn đang giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thuỷ sản Minh Quý.

Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty.

Cùng với việc kinh doanh trở lại thời hoàng kim, giá cổ phiếu chốt phiên 23/2 lên tới 101.600 tỷ đồng, tài sản trên sàn chứng khoán của bà đạt 1.770 tỷ đồng.

Chồng bà là ông Lê Văn Quang cũng đang sở hữu 15,9 triệu cổ phiếu MPC, giá trị tương ứng 1.621 tỷ đồng. Con gái bà Bình là Lê Thị Dịu Minh cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu MPC tương ứng 320,5 tỷ đồng.

Có thể nói đây là gia đình giàu có, quyền lực trong giới thuỷ sản Việt Nam. Riêng bà Bình và ông Quang luôn có mặt trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt.

Khi thị trường chứng khoán mới sơ khai, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của ngành tôm những năm 2006, bà Bình là nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán năm 2006 với khối tài sản khi đó là 1.145 tỷ đồng.

Tuy nhiên các năm sau đó, giá trị tài sản của bà giảm dần, xuống 926 tỷ đồng vào năm 2007 và đến năm 2011 chỉ còn 255 tỷ đồng.

Đến năm 2014, nhiều thông tin tích cực đến với Minh Phú đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh và tài sản của bà Bình tăng vọt lên 1.835 tỷ đồng, trở thành người giàu thứ 8 trên bảng xếp hạng người giàu.

Cuối tháng 3/2015, Minh Phú chính thức hủy niêm yết trên sàn HOSE. Nguyên nhân được công bố là doanh nghiệp muốn bắt tay với các đối tác nước ngoài nhằm đưa thương hiệu tôm Minh Phú vươn tầm ra thế giới, trong khi các đơn vị niêm yết đang bị giới hạn bởi quy định nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.

Giá cổ phiếu MPC lúc rời sàn được đẩy tới mức 122.000 đồng. Rời sàn ở đỉnh cao hoàng kim MPC khiến giới đầu tư không khỏi tiếc nuối.

Tuy nhiên, sau khi rời sàn chứng khoán, Minh Phú đã chìm trong thua lỗ nhiều tháng trong năm 2015, do những biến động về giá nguyên liệu tôm và sự cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác. Năm 2016, dù có lãi trở lại, song so với mức lãi nghìn tỷ khi còn niêm yết, đây vẫn là thời kỳ tối tăm của "vua tôm" một thời.

Tháng 10/2017, tập đoàn này đã đưa cổ phiếu niêm yết trở lại. Hiện nay, bà Bình trong top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán. Cùng với việc đưa cổ phiếu trở lại thị trường, tình hình kinh doanh tập đoàn cũng thăng hoa theo với lợi nhuận cả năm 2017 đạt 714 tỷ đồng, tăng 772% so với năm 2016, chính thức chấm dứt 2 năm suy thoái. 

Tại thời điểm 31/12/2017, Minh Phú có tổng tài sản gần 9.500 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 6.500 tỷ. Khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỷ đồng cùng với việc dùng đòn bẩy tài chính quá lớn của Minh Phú cũng là một lo lắng với các cổ đông tập đoàn. Đặc biệt, việc tăng vốn, nới room ngoại của Minh phú vẫn bỏ ngỏ sau những tuyên bố đầy tham vọng của "vua tôm".

Trong một diễn biến liên quan, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu đã giảm gần 2,5% trong những phiên gần đây. Chốt phiên 23/2, EIB chỉ có giá 15.800 đồng, vốn hoá "bốc hơi" gần 500 tỷ so với phiên trước đó.