10:28 28/04/2021

Nước Anh sau Brexit (kỳ 1): Nỗi đau chỉ mới bắt đầu?

Diên Vỹ

Trái với kỳ vọng, Brexit không chỉ đe dọa nền tảng của kinh đô tài chính London mà còn là “thảm họa” với những nhà xuất khẩu Anh quốc...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Khi công bố thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/12, Thủ tướng Boris Johnson kỳ vọng đó sẽ là con đường đưa nước Anh thịnh vượng và năng động hơn; vừa duy trì quan hệ chặt chẽ với thị trường 450 triệu dân trong khối, vừa tự do tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hơn 100 ngày đã qua kể từ khi Anh chính thức ly khai EU sau một tiến trình được gọi là Brexit. Trái với kỳ vọng, Brexit không chỉ đe dọa nền tảng của kinh đô tài chính London mà còn là “thảm họa” với những nhà xuất khẩu Anh quốc.

CHẢY MÁU TÀI SẢN

Nghiên cứu mới nhất của New Financial chỉ ra rằng khoảng 440 công ty tài chính, ngân hàng ở Anh với tổng tài sản ước tính 1,4 nghìn tỷ USD đang cân nhắc chuyển hoạt động sang các trung tâm tài chính châu Âu khác sau Brexit.

Cụ thể, các nhà băng đã hoặc đang chuyển hơn 900 tỷ bảng Anh (1,2 nghìn tỷ USD) tài sản từ Anh sang EU. Con số này tương đương 10% tổng giá trị tài sản hệ thống ngân hàng trên toàn nước Anh. Nhiều công ty bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản… cũng đang trong quá trình dịch chuyển với dòng chảy tài sản ước tính hơn 100 tỷ bảng Anh (138 tỷ USD).

Dublin (Ireland) là điểm đến ưa thích nhất của dòng tài sản chảy khỏi Anh. Thống kê cho thấy 135 trong số 440 tổ chức, ngân hàng và doanh nghiệp rời khỏi Anh chọn địa điểm dừng chân mới là Dublin. Các địa điểm được ưa chuộng tiếp theo trong danh sách là Paris, Luxembourg, Frankfurt và Amsterdam.

 

Xu hướng tái phân bổ dòng tài sản trên toàn EU đang khiến nước Anh thụt lùi tới 2 thập kỷ. Môi trường tài chính mất dần sức hấp dẫn hậu Brexit có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới cũng như làm giảm vai trò, tầm ảnh hưởng của London trên thị trường tài chính châu Âu và toàn cầu.

Đồng thời với đó là xu hướng dịch chuyển việc làm, dự kiến khoảng 7.400 việc làm mới đã được tạo ra ở các trung tâm tài chính khác của EU.

Một nghiên cứu khác về xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu cho thấy London hiện chỉ đứng sau New York (Mỹ) trên bảng xếp hạng thế giới và bỏ xa các trung tâm tài chính châu Âu khác. Nhưng Frankfurt đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với mức tăng liền 7 bậc, từ vị trí thứ 16 năm 2020 lên thứ 9 vào năm 2021.

New Financial nhận định xu hướng tái phân bổ dòng tài sản trên toàn EU đang khiến nước Anh thụt lùi tới 2 thập kỷ. Môi trường tài chính mất dần sức hấp dẫn hậu Brexit có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới cũng như làm giảm vai trò, tầm ảnh hưởng của London trên thị trường tài chính châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong dài hạn, Brexit cũng tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các công ty muốn tiếp cận thị trường EU từ chối đặt trụ sở tại Anh.

Tệ hơn, các chuyên gia New Financial cho biết dự báo này dựa trên kịch bản lạc quan nhất về tác động của Brexit với thị trường tài chính Anh. Trong những kịch bản xấu hơn, hệ lụy tiêu cực còn mạnh mẽ và kéo dài hơn nữa.

Dịch vụ tài chính chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Anh, đóng góp tới 7% GDP (132 tỷ bảng Anh) trong năm 2019. Tư cách thành viên EU cho phép London đóng vai trò như một “kinh đô tài chính” với phần còn lại của lục địa châu Âu. Khoảng 40% xuất khẩu dịch vụ tài chính của Anh có đích đến là EU.

Giờ đây, khi Anh rời khối EU, lợi thế đó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc Amsterdam vượt mặt London trở thành sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu hồi tháng 1 qua là dấu hiệu rõ ràng nhất về hệ quả từ xu hướng chảy máu tài sản khỏi Anh. Dù rằng, trong tương lai gần, London được dự báo vẫn sẽ là trung tâm tài chính hàng đầu châu Âu.

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU KÊU CỨU

“Chúng tôi đang kêu gọi cả Anh và EU quay lại bàn đàm phán, đưa ra những giải pháp giảm bớt rào cản thương mại cũng như tạo cơ hội vực dậy các nhà xuất khẩu” - Giám đốc Phòng Thương mại Anh Hannah Essex cho biết trong một tuyên bố hồi giữa tháng 4.

“Những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối diện không phải vấn đề mới, mà nó là vấn đề mang tính cấu trúc. Nếu không sớm đưa ra giải pháp, nó có thể dẫn đến sự suy yếu không thể phục hồi trong lĩnh vực xuất khẩu của Anh”.

Chính phủ Anh cho đến nay chưa công bố bất kỳ đánh giá hay dự báo nào về tác động kinh tế - thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trên hơn 1.000 doanh nghiệp Anh do nhóm vận động hành lang London First và EY thực hiện hồi cuối tháng 2 cho thấy hơn 75% thừa nhận có sự gián đoạn hoạt động sau giai đoạn chuyển tiếp ly khai EU.

 

Sự chậm trễ kéo dài trong quá trình thông quan do thủ tục hải quan phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao gây ra rủi ro lớn hơn cho hàng xuất khẩu vào EU, buộc một số doanh nghiệp cân nhắc rời bỏ thị trường.

Chỉ tính trong tháng 1/2021, tháng đầu tiên sau khi nhà lãnh đạo Anh công bố thỏa thuận Brexit mà ông nhấn mạnh là “tuyệt vời”, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Anh sang EU đã suy giảm 41% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu thực phẩm và đồ uống giảm 76%. Các lô hàng cá hồi giảm 98%, thịt bò giảm 92% và thức ăn chăn nuôi giảm 80%. Xuất khẩu rượu whisky cũng giảm mạnh 63%.

Xuất khẩu phục hồi trở lại vào tháng 2, nhưng vẫn suy yếu 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở châu Âu. Nếu so sánh với tháng 2/2019, mức giảm lên tới 22%.

Sự chậm trễ kéo dài trong quá trình thông quan do thủ tục hải quan phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao gây ra rủi ro lớn hơn cho hàng xuất khẩu vào EU, buộc một số doanh nghiệp cân nhắc rời bỏ thị trường.

Khảo sát do Phòng Thương mại Anh thực hiện trên 2.900 doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy 41% báo cáo doanh số giảm trong quý 1/2021, chủ yếu do tác động của Brexit.

Một thống kê độc lập khác hồi tháng 3 cho biết có khoảng 23% trong 132 nhà xuất khẩu thuộc Liên đoàn doanh nghiệp nhỏ Anh quốc đã tạm ngưng xuất hàng sang EU.

Ông Suren Thiru, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Phòng Thương mại Anh quốc nhận định thủ tục hải quan (cơ chế thuế thiếu rõ ràng, nhầm lẫn về quy định mới..) là thách thức lớn nhất với các nhà xuất khẩu Anh muốn đưa hàng hóa vào EU lúc này.

Ủy ban Thương mại và Kinh doanh Vương quốc Anh, đứng đầu là Chủ tịch Virgin Peter Norris, đang xem xét đệ trình các khuyến nghị mới lên chính phủ nhằm cải thiện quy trình, thủ tục xuất khẩu. “Chúng tôi sẽ đánh giá chi tiết tác động của thỏa thuận Brexit, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ - đối tượng đang chịu hệ lụy lớn nhất từ lằn ranh đỏ mới ở biên giới đất nước… Đây là thời điểm gạt ý thức hệ sang một bên để tìm ra một con đường thực dụng hơn, có lợi hơn”.