17:21 19/07/2011

Nước Mỹ được khuyên nên bỏ trần nợ công

An Huy

Hãng định mức tín nhiệm Moody’s vừa khuyến nghị nước Mỹ nên tháo bỏ mức giới hạn đối với nợ chính phủ

Mỹ vẫn đang trong thế bế tắc chính trị xung quanh vấn đề nâng trần nợ quốc gia.
Mỹ vẫn đang trong thế bế tắc chính trị xung quanh vấn đề nâng trần nợ quốc gia.
Hãng định mức tín nhiệm Moody’s vừa khuyến nghị nước Mỹ nên tháo bỏ mức giới hạn đối với nợ chính phủ để tránh những bất ổn mà mức trần này có thể gây ra trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đây có thể được xem là một giải pháp trong bối cảnh các nhà làm luật Mỹ vẫn đang trong thế bế tắc chính trị xung quanh vấn đề nâng trần nợ quốc gia.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Moody’s cho hay, Mỹ là một trong số ít các quốc gia mà quốc hội đặt trần nợ công. Trần này thường tạo ra “bất ổn có tính chu kỳ” về khả năng chi trả nợ của chính phủ.

“Chúng tôi sẽ hạ đánh giá rủi ro nếu Chính phủ Mỹ thay đổi cơ chế quản lý nợ để giảm thiểu bất ổn đó”, báo cáo ra ngày 18/7 của Moody’s khuyến nghị.

Tuần trước, Moody’s đã lên tiếng cảnh báo sẽ hạ điểm tín nhiệm của Mỹ từ mức AAA hiện nay nếu Chính phủ Mỹ mất thanh khoản, làm gia tăng áp lực đối với hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ tiến tới một thỏa thuận về nâng trần nợ. Một hãng định mức tín nhiệm lớn khác là S&P cũng đã có động thái tương tự.

Moody’s cho biết, họ luôn xem khả năng vỡ nợ công của Mỹ là thấp, vì Quốc hội nước này trong nhiều thập kỷ qua thường tăng trần nợ công mà không tranh cãi gì nhiều. Tuy nhiên, bất đồng hiện nay giữa Hạ viện và chính quyền tổng thống Obama về trần nợ đã gây ra mức độ bất ổn cao và buộc Moody’s phải tăng đánh giá rủi ro.

Nhiều ý kiến đã cảnh báo, thị trường tài chính toàn cầu sẽ rung chuyển mạnh, kinh tế Mỹ có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nếu nước này không thể tăng trần nợ trước ngày 2/8.

Đi sâu thêm vào cuộc tranh cãi nảy lửa về nợ của nước Mỹ, Moody’s khuyến nghị Washington nên xem xét những cách thức khác để hạn chế nợ, thay vì áp một mức trần.

Moody’s đã lấy Chile, quốc gia được xem là có tình hình tài khóa ổn nhất ở khu vực Mỹ Latin như một ví dụ. Theo Moody’s, Chile hạn chế thâm hụt ngân sách bằng các quy tắc tài khóa mà không cần tới một trần kỹ thuật, và cách này rất hiệu quả.

Một ví dụ khác được đưa ra là Hiệp ước Maastricht của châu Âu, trong đó quy định tỷ lệ nợ công so với GDP không được vượt quá 60%. Tuy nhiên, Moody’s cũng thừa nhận rằng, quy định như vậy thường bị các chính phủ phá vỡ.

Theo hãng định mức tín nhiệm này, việc đặt trần nợ đã không có hiệu quả trong việc hạn chế nợ công, vì các nhà làm luật thường xuyên nâng trần này lên, và trần nợ cũng không liên quan gì tới mức chi tiêu công mà Quốc hội thông qua.