Nước Pháp và đòn thù của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
Pháp là nước châu Âu duy nhất tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS ở Syria
Pháp, quốc gia hứng chịu hai cuộc tấn công khủng bố đẫm máu trong năm nay, có thể đang phải trả giá cho vai trò tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các tổ chức phiến quân Hồi giáo - hãng tin Bloomberg nhận định.
Lực lượng đặc biệt của Pháp đã truy lùng phiến quân Hồi giáo ở sa mạc Sahara từ năm 2013. Pháp cũng là quốc gia đầu tiên gia nhập chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq vào năm ngoái.
Pháp còn là nước châu Âu duy nhất tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS ở Syria.
“Vụ khủng bố này có liên quan tới sự can thiệp của nước Pháp ở Syria và Iraq”, ông Louis Caprrioli, cựu Giám đốc cơ quan chống khủng bố Pháp DTS, hiện là cố vấn công ty tư vấn an ninh Groupe GEOS có trụ sở ở Paris, nói.
Tháng 1/2013, Pháp đưa quân tới Mali để ngăn không cho nước này rơi vào tay một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda có thành trì ở Sahel - vành đai phía Nam của Sahara. Cuộc can thiệp này đến nay đã chuyển thành một chiến dịch bao trùm cả Niger và Chad nhằm ngăn không cho các nhóm phiến quân Hồi giáo từ phía Nam Libya gây bất ổn trong khu vực.
Lực lượng của Pháp cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ, quốc gia thường xuyên điều máy bay không người lái tớ Sahel từ một căn cứ chung ở Niger.
Tháng 9/2014, Pháp bắt đầu tham gia các cuộc không kích của Mỹ nhằm triệt hạ IS ở Iraq, trước bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác.
Một năm sau, Pháp mở rộng các cuộc không kích của mình sang Syria và đã ném bom vào một trại đào tạo cùng một số cơ sở dầu mỏ của IS.
Pháp có 9 máy bay chiến đấu Rafale đặt tại Abu Dhabi và đã điều 6 chiến đấu cơ Mirage 2000 tới Jorrdan. Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp dự kiến trong tuần này sẽ lên đường để thực hiện chuyến làm nhiệm vụ thứ hai ở Trung Đông.
“Những hoạt động gần đây của Pháp khiến họ trở thành một mục tiêu hàng đầu. Họ không phải là “diễn viên chính” trong cuộc không kích, nhưng việc tiếp cận nước Pháp lại dễ hơn là Mỹ”, ông Thomas M. Sanderson, Giám đốc Dự án Những nguy cơ xuyên quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Paris nói.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Odaxa thực hiện được công bố kết quả hôm 7/9, 61% người Pháp được hỏi nói họ ủng hộ triển khai bộ binh tới Syria.
“Nước Pháp có thể sẽ tăng cường tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq ở vào thời điểm mà chiến trường ở Syria đang trở nên đông đúc và phức tạp”, công ty phân tích rủi ro Stratfor nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng.
Danh tính của 8 kẻ tấn công khủng bố thiệt mạng ở Paris đêm 13/11 còn chưa được xác định rõ ràng.
Nhưng có 571 công dân Pháp đang tham gia vào các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, chưa kể 141 tên khác đã thiệt mạng ở quốc gia Trung Đông này - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói hôm 12/11.
Ngoài ra, 370 công dân Pháp trở thành chiến binh thánh chiến Hồi giáo đã bị bắt khi về nước, và lực lượng an ninh nội địa Pháp đang theo dõi 11.000 kẻ tình nghi khác.
Đây không phải là lần đầu tiên sự can thiệp của Pháp ở nước ngoài bị cho là dẫn tới tấn công khủng bố trong nước.
Năm 1995, các phần tử Hồi giáo cực đoan người Algeria đã tiến hành 8 vụ nổ bom ở Paris khiến 8 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương nhằm “trừng phạt” nước Pháp đã ủng hộ cho Chính phủ Algeria trong cuộc nội chiến ở quốc gia châu Phi này.
Đầu thập niên 1960, những người châu Âu định cư ở Algeria muốn Algeria tiếp tục là một phần của nước Pháp đã thực hiện những cuộc tấn công ở Pháp, bao gồm nỗ lực ám sát Tổng thống Charles de Gaulle.