16:00 14/09/2023

Ô tô điện Trung Quốc tràn ngập thị trường, châu Âu mở điều tra chống trợ cấp

Bình Minh

Chủ tịch EC nói rằng châu Âu cởi mở với cạnh tranh nhưng “không phải là nơi dành cho một cuộc đua xuống đáy”…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở một cuộc điều tra về hỗ trợ nhà nước mà Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện của nước này, trong bối cảnh ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu tràn ngập thị trường châu Âu làm dấy lên lo ngại về tương lai của các nhà sản xuất ô tô trong khu vực.

Theo tin từ hãng tin CNN, phát biểu trước Quốc hội châu Âu ngày 13/9, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng châu Âu cởi mở với cạnh tranh nhưng “không phải là nơi dành cho một cuộc đua xuống đáy”.

“Thị trường toàn cầu giờ đây đang ngập trong ô tô điện giá rẻ và mức giá của chúng được giữ ở mức thấp phi lý nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi xin được công bố rằng uỷ ban sẽ mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc”, bà von der Leyen nói.

Châu Âu hiện áp thuế nhập khẩu 10% đối với ô tô từ Trung Quốc, so với mức thuế 27,5% ở Mỹ. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã tận dụng mức thuế thấp này để giành một thị phần lớn và ngày càng tăng trên thị trường ô tô điện châu Âu.

Các hãng xe Trung Quốc đã xuất khẩu gần 350.000 ô tô điện sang 9 nước châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều hơn con số của cả năm 2022 - theo số liệu từ Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA). Trong 5 năm qua, nhập khẩu ô tô Trung Quốc của châu Âu đã tăng gấp 4 lần.

Theo một ước tính của ngân hàng UBS, đến năm 2030, thị phần của ô tô Trung Quốc trên thị trường toàn cầu có thể tăng gần gấp đôi lên mức 33% từ mức 17% hiện nay. Trong đó, các hãng xe châu Âu sẽ chịu mất mát thị phần nhiều nhất vào tay các hãng xe Trung Quốc.

Cuộc điều tra của EC có thể dẫn tới việc áp thuế lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuyên bố của bà von der Leyen đã khiến giá cổ phiếu của các hãng xe điện Trung Quốc lớn nhất niêm yết trên thị trường Hồng Kông sụt giảm. Cổ phiếu BYD chốt phiên ngày 13/9 với mức giảm 2,8%; Xpeng giảm 2,5% và Nio giảm 0,9%.

BYD, công ty có sự hậu thuẫn của tỷ phú Mỹ Warren Buffett và là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất của Trung Quốc, đặt mục tiêu tăng gấp đôi số đối tác phân phối ở châu Âu trong năm nay lên 200. Công ty cũng có kế hoạch tăng doanh số ở thị trường nước ngoài lên 250.000 xe trong năm nay, so với mức 55.916 xe đạt được trong năm ngoái.

Ngành công nghiệp ô tô châu Âu tạo công ăn việc làm cho khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 7% tổng số việc làm tại châu lục này – theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA). Ở Đức, các thương hiệu ô tô như Volkswagen, Audi, BMW và Mercedes được coi là nằm ở trái tim của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã lên tiếng hoan nghênh cuộc điều tra nhằm vào ô tô điện Trung Quốc mà Chủ tịch EC vừa công bố. “Đây là một cuộc cạnh tranh không bình đẳng, chứ không phải là chuyện chúng tôi không muốn những chiếc xe tốt giá rẻ không vào được thị trường châu Âu”, ông Habeck nói.

Lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô Đức và Pháp gần đây đều đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy ngày càng lớn từ ô tô điện Trung Quốc - những chiếc xe có giá rẻ hơn khoảng 30% so với ô tô điện do các hãng của châu Âu hay Mỹ sản xuất, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Jato Dynamics.

CEO Oliver Zipse của hãng BMW đã cảnh báo rằng lệnh cấm của EU đối với ô tô chạy xăng dầu mới từ năm 2035 trở đi cộng thêm sự cạnh tranh ngày càng lớn của ô tô điện Trung Quốc có thể sẽ đẩy các hãng xe châu Âu vào tình trạng không thể tiếp tục sản xuất xe dành cho thị trường đại chúng. CEO Luca de Meo của hãng Renault thì nói rằng các đối thủ Trung Quốc “đang đi trước chúng ta cả một thế hệ”.

Tổng giám đốc Sigrid de Vries của ACEA hoan nghênh tuyên bố của von der Leyen ngày 13/9, gọi đây là một “dấu hiệu tích cực rằng EC đã nhận thấy tình trạng mất cân đối ngày càng lớn mà ngành công nghiệp của chúng tôi đang phải đối mặt, và đưa ra đánh giá cấp bách về sự bóp méo cạnh tranh trong ngành này”.

“Thương mại tự do và bình đẳng là điều tối quan trọng đối với sự thành công của ngành công nghiệp ô tô ở châu Âu, và cũng là nền tảng cho sự thành công của các hãng xe châu Âu trên toàn cầu… Tuy nhiên, nguyên tắc ‘tự do và bình đẳng’ đó đòi hỏi phải có một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà sản xuất, với các quy định có đi có lại về thương mại và gia nhập thị trường”, bà de Vries nhấn mạnh.