17:05 16/03/2010

Ổn định tiền đồng nên được ưu tiên

Hoài Thu

Chỉ trong hai tháng đầu năm, lạm phát đã tăng gần một nửa so với kế hoạch 7% của cả năm

Trong vòng chưa đầy ba tháng vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá hai lần theo hướng giảm giá tiền đồng.
Trong vòng chưa đầy ba tháng vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá hai lần theo hướng giảm giá tiền đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong hai tháng đầu năm đã tăng đến 3,35% so với cuối năm ngoái. Chỉ trong hai tháng đầu năm, lạm phát đã tăng gần một nửa so với kế hoạch 7% của cả năm.

Nguyên nhân của việc chỉ số giá tăng cao trong thời gian qua là gì? Liệu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát được tốc độ tăng  lạm phát ở mức đề ra không? Bài viết cũng thử đưa ra một số giải pháp cho việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Số liệu trong bài được sử dụng từ nguồn của Tổng cục Thống kê, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Nhà nước.

Hệ quả và tâm lý

Trong tháng 2/2010, tỷ lệ lạm phát so với tháng trước đó là 1,96%, thấp hơn so với mức trung bình trong tháng 2 kể từ năm 2004 trở lại đây.

Một số quan điểm về phía Chính phủ cho rằng lạm phát đang trong tầm kiểm soát và Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để giữ lạm phát ở mức 7% như kế hoạch đề ra. Quan điểm của người viết cho rằng tỷ lệ lạm phát tuy tương đối thấp so với các năm trước đó, nhưng chưa phải là dấu hiệu lạc quan, vì những lý do dưới đây.

Ổn định tiền đồng nên được ưu tiên - Ảnh 1
Tốc độ tăng CPI theo năm và theo tháng.

Thứ nhất, mặc dù tỷ lệ lạm phát tháng 2 so với tháng trước đó không phải ở mức cao nếu so tương đối với các năm trước, tuy nhiên, tốc độ tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm so với cuối năm trước đó khá cao, ở mức 3,35%. Tốc độ tăng CPI tháng 2 theo năm lên tới 8,46%, và xu hướng tăng lạm phát theo năm chưa có dấu hiệu dừng lại khi tỷ lệ tăng CPI tháng 3 trong năm nay so với tháng trước đó được dự báo tăng cao hợn nhiều so với mức -0,17% vào năm ngoái.

Thứ hai, nhìn vào nguyên nhân của tăng CPI mạnh trong hai tháng đầu năm, theo người viết, không chỉ nằm ở yếu tố thời vụ và sự tăng giá của các hàng hóa cơ bản trên thế giới, mà còn là hệ quả tất yếu của chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ và chính sách tỷ giá đã được cảnh báo từ đầu năm ngoái.

Về chính sách tiền tệ, mặc dầu Ngân hàng Nhà nước đã giảm được tăng trưởng tín dụng vào cuối năm ngoái, nhưng sự tăng trưởng tín dụng từ tháng 3 cho đến tháng 11/2009 là một nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tăng cao vào đầu năm nay. Trong thời gian đề cập ở trên, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi tháng ở mức 3,1%.

Mặc dầu, tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh vào tháng 12/2009, nhưng cả năm tăng trưởng tín dụng ở mức 37,7%, và tốc độ tăng trưởng cung tiền ở mức 26,6% trong năm qua cao so với tốc độ tăng trưởng GDP thực chỉ ở mức 5,32%.

Xét theo khung thời gian dài hơn về mối quan hệ giữa cung tiền và tốc độ tăng trưởng thực GDP trong thời gian gần đây, cho thấy CPI liên tục tăng ở mức cao không có gì là ngạc nhiên. Trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của cung tiền danh nghĩa ở mức 30,9%, trong khi tăng trưởng tín dụng bình quân ở mức 34,3%.

Nhìn vào đồ thị của hai chuỗi số liệu về tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng CPI, cho thấy sự gia tăng của tốc độ tăng CPI theo sau tăng trưởng của tín dụng, và mối quan hệ này có độ trễ từ 7-8 tháng (xem đồ thị bên dưới).

Ổn định tiền đồng nên được ưu tiên - Ảnh 2
Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và CPI.

Về chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách là khá cao do Chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế vào năm ngoái nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Quy mô lớn của gói kích cầu trị giá gần 7 tỷ Đô la đã được các nhà kinh tế cảnh báo về nguy cơ gây lạm phát từ đầu năm. Trong năm ngoái, thâm hụt ngân sách lên tới 6,9% GDP, là mức cao so với mức chấp nhận thông thường ở mức 5% GDP ở Việt Nam. Tăng chi tiêu Chính phủ khiến cho cầu về hàng hóa tăng, thúc đẩy giá tăng, đồng thời thâm hụt ngân sách liên tục sẽ gây áp lực cho in tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu của Chính phủ.

Cũng không thể không đề cập đến chính sách điều chỉnh tỷ giá khi nói đến yếu tố nguyên nhân tăng giá trong hai tháng vừa qua. Trong vòng chưa đầy ba tháng vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá hai lần theo hướng giảm giá tiền đồng.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý của doanh nghiệp cũng như người dân cũng là nguyên nhân quan trọng giải thích lạm phát lần này. Mối lo ngại về tình trạng tăng giá cả hàng hoá, tác động đẩy giá nhiều mặt hàng đứng ở mức cao.

Các yếu tố gây áp lực lạm phát

Tại thời điểm này, chỉ số lạm phát tháng 3/2010 chưa được công bố tuy nhiên, nhiều những yếu tố cho thấy tốc độ tăng theo tháng của CPI của tháng 3 sẽ ở mức tương đối cao so với những năm trước, khi tháng 2 và đầu tháng 3 chứng kiến sự điều chỉnh của một số mặt hàng thiết yếu như giá xăng được điều chỉnh tăng thêm từ 550-590 đồng/lít bắt đầu từ ngày 21/2/2010 và giá điện được điều chỉnh tăng trung bình là 6,8%.

Và việc điều chỉnh tỷ giá vào ngày 11/2 cũng sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến chỉ số giá cả trong tháng 3, do độ trễ của cơ chế tác động. Giá cả đầu vào tăng thì giá cả đầu ra tăng là chuyện bình thường, chưa kể đến nhiều mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.
 
Theo người viết, trong khoảng thời gian từ thời điểm này đến cuối năm, nguy cơ lạm phát có thể nằm ở những yếu tố sau.

Thứ nhất, nguy cơ lạm phát đến từ giá cả hàng hóa thế giới tăng. Trước sự phục hồi của nền kinh tế thế giới thì nhiều khả năng giá dầu và giá lương thực sẽ tăng cao, tạo lạm phát chi phí đẩy. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá dầu thế giới năm nay sẽ tăng 22,6% so với năm ngoái. Việc giá dầu tăng tất yếu sẽ kéo theo sự điều chỉnh của giá xăng trong nước, gây tác động làm tăng chi phí của doanh nghiệp, kết quả là giá cả hàng hóa tăng.

Thứ hai, nguy cơ lạm phát đến từ khả năng điều chỉnh tỷ giá theo hướng tiền đồng yếu đi, do áp lực từ việc thâm hụt thương mại đang tiếp tục gia tăng.

Thứ ba, nguy cơ lạm phát đến từ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng. Mặc dầu trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tuy nhiên với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay, sẽ có những áp lực tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Thứ tư, nguy cơ lạm phát đến chính sách tài khóa mở rộng hướng vào mục tiêu tăng trưởng. Mục tiêu của Quốc hội đưa ra trong năm nay là chấp nhận ngân sách thâm hụt ở mức 6,2% GDP, chỉ thấp hơn mức thâm hụt năm ngoái là 0,7%. Thêm vào đó, khả năng dễ dàng tiếp cận tín dụng mềm của các tổng công ty lớn Nhà nước làm ăn không hiệu quả là nguy cơ gây lạm phát tiềm ẩn không chỉ trong ngắn hạn mà trong cả trung và dài hạn.

Một vài đề xuất kiểm soát lạm phát

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao khả năng kiểm soát cung tiền và tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước cần giảm thiểu việc áp dụng các biện pháp hành chính đối với việc kiểm soát cung tiền và tín dụng.

Kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2009 cho thấy mặc dầu Ngân hàng Nhà nước đã đưa rất nhiều những cảnh báo và mệnh lệnh hành chính nhằm ngăn chặn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên vẫn không cản trở tăng trưởng tín dụng lên mức 37,7% từ mức mục tiêu ban đầu là 25%.

Cụ thể, về chính sách lãi suất, theo người viết, bỏ trần lãi suất huy động hoặc nâng trần lãi suất huy động là việc cần làm để hút thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Hiện tại, việc quy định trần lãi suất tiền gửi ở mức 10,5% đang gây khó khăn cho ngân hàng trong việc huy động vốn Mặc dầu, các ngân hàng cũng áp dụng trả lãi suất tăng thêm khoảng 1-2% so với mức lãi suất trần qui định đối với khách hàng VIP nhưng mức lãi suất này vẫn chưa đủ hấp dẫn để tăng lượng tiền gửi. Trong ba tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi âm hoặc gần với không.

Ổn định tiền đồng nên được ưu tiên - Ảnh 3
Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi.

Theo người viết, lãi suất tiền gửi nên được điều chỉnh tăng, để khuyến khích người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và lãi suất cho vay cao, dẫn tới giảm tăng trưởng tín dụng và từ đó cải thiện được chỉ số tổng tín dụng trên tổng tiền gửi.

Thêm vào đó, việc kiểm soát tín dụng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng là điều cần bàn khi lãi suất cho vay ở mức cao nhằm tránh sự lựa chọn bất lợi. Hiện tại, mức lãi suất mà ngân hàng thông thường áp dụng đối với cho vay sản xuất kinh doanh ở mức 16-17% vô hình dung đã loại bỏ những dự án ít rủi ro có suất sinh lời dưới mức 16-17%. Thay vào đó, chỉ những dự án có suất sinh lời cao mới có thể chấp nhận mức lãi suất này. Trong kinh tế thị trường, những dự án có suất sinh lời cao thường đi kèm với rủi ro cao.

Thứ hai, về chính sách điều chỉnh tỷ giá, theo người viết, trong trường hợp phải điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước nên tránh gây sốc cho thị trường ở mức thấp nhất, không để việc điều chỉnh rơi vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
 
Thứ ba, về chính sách tài khóa. Ngoài việc kiểm soát chi tiêu công hiệu quả, Chính phủ nên có cơ chế kiểm soát đầu tư của các tập đoàn Nhà nước và tạo sự công bằng trong việc tiếp cận tín dụng đối với khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường công tác thông tin dự báo, cũng như tính hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ và lựa chọn các công cụ của chính sách tiền tệ. Mục tiêu của chính sách tiền tệ trong trung hạn nên hướng tới kiểm soát lạm phát hơn so với việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm nay, tỷ lệ lạm phát sẽ phụ thuộc vào sự hy sinh cho tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu. Mặc dầu, Việt Nam đang trên đà hồi phục sau thời kỳ suy thoái, nhưng quan điểm của người viết cho rằng việc giữ ổn định tiền đồng trong năm nay cần đặt lên hàng đầu. Có lẽ, cảnh báo của IMF không thừa khi cho rằng “Việt Nam cần giám sát tình hình lạm phát chặt chẽ, đặc biệt khi giá hàng hóa tiếp tục tăng ở mức cao trong năm 2010”.