12:51 05/06/2021

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không vận tải hàng hóa

Tuệ Mỹ

Hãng bay chuyên vận tải hàng hoá IPP Air Cargo với đầu tư 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD), dự kiến cất cánh từ năm sau...

Người đại diện pháp luật của công ty IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Người đại diện pháp luật của công ty IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.

Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

IPP Air Cargo là một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), vừa được lập tháng 3 năm nay, trụ sở tại quận 1, TP HCM. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hoá hàng không.

Thông tin từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần IPP Air Cargo có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập đều liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bao gồm Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh, ông Wiliam Hiếu Nguyễn (con trai ông Johnathan Hạnh Nguyễn) và bà Lê Hồng Thủy Tiên.

Chủ tịch IPPG,  ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng giữ vai trò này tại IPP Air Cargo. Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật của công ty này là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Chủ tịch IPPG cũng là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Trước đây, ông từng làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương. Đây có thể là bước đi hợp lý của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không nội địa, cũng như quốc tế ngày càng tăng cao. Hiện tại, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá.

IPPG cho biết đã phát triển “hệ sinh thái” lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Tập đoàn cho biết chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng. IPPG đồng thời là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng hóa giai đoạn 2015 - 2019 đạt trung bình hơn 10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng hóa quốc tế đạt 12%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng hàng hóa đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong đó hàng hóa quốc tế đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2018.

Đáng chú ý, khi sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng đều mỗi năm thì thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ đạt gần 20%. Hơn 80% thị phần còn lại vẫn nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.