Ống tiêm LDS và cách tối ưu dư lượng vaccine
Từng hứng chịu chỉ trích từ giới truyền thông địa phương do không dự trữ đủ vaccine ngừa Covid-19, chính phủ Hàn Quốc đã xem xét các phương án để có thể tăng nguồn cung dự trữ. Một trong những cách đó là cải tiến ống tiêm LDS...
Ống tiêm “có không gian chết thấp” (Low Dead Space - LDS) là loại ống tiêm được cải tiến có thiết kế khiến lượng vaccine còn dư trong ống tiêm giảm xuống mức tối thiểu và từ đó có thể dùng được nhiều vaccine hơn cho nhiều người, so với lúc dùng ống tiêm thông thường.
Tại Hàn Quốc, Poonglim trở thành nhà sản xuất đi đầu với ống tiêm LDS. Theo các nhân viên y tế Hàn Quốc, các ông tiêm này rất dễ sử dụng. Ống tiêm LDS cũng có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất thuốc vì hầu hết các hợp đồng đều dựa trên số lượng liều được chiết xuất từ mỗi lọ.
Hành động nhanh chóng của chính phủ đối với ống tiêm LDS đã được Tổng thống Moon Jae-in ca ngợi là một câu chuyện thành công trong thời dịch. Sản lượng hàng năm của Poonglim đã tăng hơn 7 lần trong vòng chưa đầy 4 tháng lên 360 triệu và công ty đã trở thành một trong những nhà sản xuất ống tiêm LDS lớn nhất thế giới. Sau đó, Seoul cũng khuyến nghị sử dụng ống tiêm LDS cho tất cả các loại vaccine Covid-19 chứ không riêng gì vaccine của Pfizer.
Cụ thể, với ống tiêm LDS, một lọ vaccine Pfizer/BioNTesch có thể tiêm cho 7 người so với 6 người trước đây, trong khi một lọ vaccine AstraZeneca có thể tiêm cho 12 người thay vì chỉ 10 người. Tuy nhiên, ngành y tế khẳng định việc tăng liều chiết của mỗi lọ vaccine không mang tính bắt buộc do điều này có thể tạo sức ép cho các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, quyết định sử dụng ống tiêm LDS của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc đã gây tranh cãi trong giới chuyên gia. Ông Eom Joong-sik, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Gil thuộc Đại học Gachon, đã cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình chiết vaccine. Phản bác điều này, Giáo sư Ki Mo-ran tại Trung tâm Ung thư quốc gia, cho rằng tại các trung tâm y tế lớn đều có nhân viên chuyên trách, đảm bảo việc chiết vaccine được thực hiện an toàn.
Tương tự tại Malaysia, trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng Covid-19, ngành y tế nước này đã sử dụng 12 triệu ống tiêm LDS để tối ưu lượng vaccine. “Trong giai đoạn này, vaccine có giá trị cao và đắt tiền nên việc sử dụng bơm tiêm phù hợp là rất quan trọng để đảm bảo không bị lãng phí, thất thoát. Và ống tiêm LDS với ít không gian chết, sẽ tiết kiệm được 0.08ml vaccine cho mỗi lọ,” các chuyên gia y tế Malaysia cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, nếu thực tế mỗi lọ vaccine có thể cung cấp 7 liều tiêm thay vì 6 liều như ghi trên nhãn, thì nhiều quốc gia có thể có nguồn vaccine lớn hơn 40% so với dự đoán. Tuy nhiên, số liều tiêm thừa từ các lọ có thể không nhất quán.
Gần đây, ngành y tế Quảng Nam của Việt Nam cũng đã có cách làm sáng tạo khi tiết kiệm được đến… 3.000 liều vaccine so với lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ, giúp mở rộng đối tượng được tiêm. Để có được kết quả như vậy, ngành Y tế Quảng Nam đã sử dụng bơm tiêm 1cc để tiêm cho những đối tượng ưu tiên trước, còn lại dư lượng thuốc trong lọ thì chuyển qua tiêm cho những đối tượng cán bộ y tế. Nhờ đó, với 1 lọ vaccine, Bộ Y tế giao tiêm cho 10 đối tượng, thì sở y tế Quảng Nam tiêm được tới 12 - 13 đối tượng.
Theo các chuyên gia, có một thực tế trong ngành sản xuất vaccine của các hãng dược là họ sẽ đổ thêm vaccine vào lọ, để giúp nhân viên y tế lấy đủ số lượng liều và lượng chính xác vaccine cho mỗi liều. Hiện tượng này gọi là dư lượng (overfill) - lượng vaccine còn sót lại trong lọ mà không thể rút ra được. Vaccine bị giữ lại trong không gian chết của lọ; cũng như bị thất thoát ra ngoài trong quá trình điều chỉnh liều nếu bị đẩy ra ngoài không khí.
Việc thể tích vaccine trong lọ vượt quá thể tích ghi trên nhãn mỗi lọ từ lâu đã được các cơ quan quản lý biết tới. Dư lượng cho một lọ 10 liều có thể dao động từ 16% đến 24%, tức là trong mỗi lọ 10 liều 0.5ml (lọ chuẩn của Oxford-Astrazeneca vaccine) có thể có từ 5,8 đến 6,2mL. Nói cách khác, trong mỗi lọ vaccine 10 liều thực ra có thêm 2 liều... miễn phí. Để tận dụng được 2 liều này, cần có ống tiêm LDS.
Ống tiêm LDS giảm thiểu liều vaccine lãng phí, bằng cách thiết kế để giảm khoảng cách giữa kim và pít-tông khi pít- tông được đẩy hoàn toàn vào. Ống tiêm LDS có thể làm giảm đáng kể lượng vaccine còn lại trong kim, tăng hiệu quả của vaccine lên 20%. Những ống tiêm không gian chết thấp này không phổ biến về mặt y tế như ống tiêm tiêu chuẩn. Chúng được sử dụng chủ yếu cho các phương pháp điều trị khả năng sinh sản hoặc ung thư.
Khi đột nhiên phải đối phó với tiêm chủng diện rộng, ngay cả Becton Dickinson, nhà sản xuất kim tiêm và ống tiêm lớn nhất thế giới, có hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ để mua ống tiêm, đã thừa nhận rằng "năng lực sản xuất ống tiêm LDS bị hạn chế". Để tối đa hóa việc sử dụng vaccine và tránh lãng phí, ống tiêm LDS đã trở thành một trong những hàng hóa có nhu cầu cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới.
Với ống tiêm LDS, mục tiêu tiêm vaccine là 120 triệu người có thể đạt được bằng cách sử dụng liều ban đầu được phân bổ cho 100 triệu người. Do đó, ngay từ cuối năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra hướng dẫn: "Trước tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hiện tại, FDA khuyến nghị các đơn vị y tế có thể dùng liều tiêm thừa còn sót lại trong mỗi lọ vaccine. Tuy nhiên, vì các lọ không chứa chất bảo quản, điều quan trọng cần lưu ý là không được gộp lượng vaccine lẻ từ các lọ khác nhau để đủ một liều".
FDA cho biết đã tham vấn hãng dược Pfizer trước khi đưa ra thông báo. "Chúng tôi không bao giờ muốn lãng phí, dù là thuốc hay vaccine," Anna Legreid Dopp, giám đốc cấp cao về hướng dẫn lâm sàng và cải tiến chất lượng của Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Mỹ, nói. "Sẽ thật hữu ích nếu đây là một cơ hội để nhiều người có thể tiếp cận vaccine Covid-19 hơn, nhất là ở những nước đang phát triển đang thiếu kinh phí để nhập vaccine".