17:24 04/03/2015

Ông Tony Blair: “Cải cách nào cũng sẽ gặp phải chống đối"

Yến Thanh

Cựu thủ tướng Anh chuyển thông điệp thú vị về cải cách doanh nghiệp nhà nước tới các lãnh đạo bộ ngành Việt Nam

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Đăng đàn tại Hội thảo về Phát biểu tại Hội thảo "Vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội sáng nay (4/3), cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã được tiến hành liên tục trong 20 năm qua và mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm đáng kể, khối này vẫn giữ vai trò quá lớn trong nền kinh tế, chẳng hạn như đang chi phối và đóng góp 85% sản lượng điện, 90% dịch vụ viễn thông, 70% xuất khẩu gạo... của quốc gia.

Hiện tại, tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài của các tập đoàn lớn rất thấp, thậm chí có tập đoàn cổ phần hóa nhưng mới có 5% bán ra ngoài.

“Như vậy cổ phần hóa không có gì thay đổi, nhân sự không thay đổi, quản trị doanh nghiệp cũng không, dù chúng ta mong muốn cổ phần hóa giúp quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn”, ông Vinh nhận xét.

Trước những thông tin này, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ sự chia sẻ và cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Cựu thủ tướng Tony Blair (OTB) đã đưa ra các kiến nghị về việc nên duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước trong từng lĩnh vực vì theo ông, “đây là những vấn đề rất lớn và cần xác định lại vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện kinh tế mới”.

Kể lại câu chuyện từng phải đứng cả đêm để điều trần trước Quốc hội Anh về kế hoạch cổ phần hóa Công ty Viễn thông Anh, ông Tony Blair cho rằng bất cứ động thái cải cách nào cũng đều vấp phải sự chống đối. Vấn đề là phải chọn được các dự án điển hình và thiết thực để nhân rộng.

“Trên thế giới, điểm chung là chống đối nhưng phải chỉ ra được cho họ kết quả, mô hình tốt. Cải cách mà không có chống đối thì là kém. Sự chống đối là đương nhiên và quá trình cải cách cần phải vượt qua”, ông nhấn mạnh, và ví von rằng “giờ mà đòi quốc hữu hóa công ty viễn thông Anh cũng sẽ có chống đối”.

Hiện tại, OTB đã đặt văn phòng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiến hành các nghiên cứu và đưa ra các ý kiến tư vấn. Từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2015, OTB tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề, đi sâu vào mảng chính là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bên cạnh đó là hợp tác xây dựng khung khổ pháp lý, triển khai thí điểm mẫu mô hình PPP nhằm cải cách đầu tư công, huy động nguồn lực khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng và hợp tác trong việc nâng cao thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia sự thay đổi với Việt Nam, một đất nước đã có rất nhiều tiến bộ. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thay đổi đó như thế nào để tạo ra sự thịnh vượng trong những năm tới và cải cách doanh nghiệp nhà nước chính là một phần để tạo ra những thay đổi đó”, ông Tony Blair nhấn mạnh.

Cựu thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam là thành viên của WTO và đang đàm phán các hiệp định mới, do đó các doanh nghiệp đang có những cơ hội mới.

“Trong 20-30 năm vừa qua, trên toàn thế giới quá trình tư nhân hóa diễn ra, tất nhiên không phải mọi quá trình tư nhân hóa đều tốt nhưng nhìn chung chúng ta thấy tư nhân hóa tốt cho nền kinh tế. Tôi đang làm việc với 20 nước trên thế giới, như vậy điểm tôi muốn nói là chúng ta có thể học được các bài học khác nhau”, ông nói.

“Chúng ta phải lùi lại để nhìn một bức tranh lớn hơn, trong 30 năm qua, các nước cởi mở hơn, sở hữu nhà nước ít hơn thì đều làm tốt hơn. Do đó, vấn đề thực sự ở đây là làm thế nào cho hiệu quả chứ ko phải có làm hay không”, ông nói thêm.

Nhận xét về những phát biểu của ông Tony Blair, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng ông “rất ấn tượng nhất với quan điểm cải cách không có chống đối thì không phải cải cách”, để thấy rằng trong quá trình đổi mới của chúng ta thì không thể không gặp những cái không đồng thuận.

“Việc phản biện ấy làm cho chúng ta tốt hơn, nên không có gì phải ngại khi đưa ra những quan điểm mới, đây là tất yếu, nếu cứ suôn sẻ, đưa ra cái gì ai cũng gật thì không có gì đổi mới cả”, ông Vinh nói.