18:07 22/04/2019

“Ông trùm” ngành xây dựng báo lợi nhuận quý 1 sụt 35%

Bạch Huệ

Doanh thu lao dốc, lợi nhuận giảm mạnh... doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Coteccons đang phải đối mặt những thách thức cả về nội tại doanh nghiệp lẫn yếu tố khách quan

Coteccons phải đối mặt với những thách thức lớn từ nội tại doanh nghiệp cho đến yếu tố khách quan thị trường mang lại.
Coteccons phải đối mặt với những thách thức lớn từ nội tại doanh nghiệp cho đến yếu tố khách quan thị trường mang lại.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019. Theo đó, doanh thu trong quý 1/2019 của công ty đạt 4.349 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý 2/2016.

Doanh thu tài chính, thu nhập khác, lợi nhuận khác, phần lãi trong doanh nghiệp kinh doanh liên kết đều lần lượt giảm so với cùng kỳ.

Dù tiết giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính….nhưng lợi nhuận sau thuế của Coteccons vẫn giảm tới 35% xuống 188 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận một quý thấp nhất kể từ quý 3/2015.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu CTD cũng giảm xuống 2.364 đồng trong khi cùng kỳ vẫn ở mức 3.529 đồng.

Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của Coteccons giảm 10,5% xuống 15.061 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả khoảng 6.860 tỷ đồng chủ yếu là khoản phải trả cho người bán ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn.

Tài sản của công ty cũng tập trung ở khoản mục tiền và tương đương tiền đạt 596 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn giảm nhẹ xuống 3.873 tỷ đồng.

Đặc biệt, Coteccons có khoản phải thu rất lên tới 6.481 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt là 948 tỷ đồng. Coteccons mới trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 183 tỷ.

Coteccons cũng có khoản đầu tư 290 tỷ tương ứng với 14,87% vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, 35% vốn Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC, 36% vốn Công ty Cổ phần Thương mại Quảng Trọng và 31% vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Hiteccons.

Trên thị trường, cổ phiếu CTD giảm giá khá mạnh thời gian gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, CTD còn 119.500 đồng/cổ phiếu, vốn hoá giảm xuống còn 9.388 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay CTD đã giảm 24% thị giá. 

CTD có xu hướng giảm giá từ 2019 nhưng chỉ thực sự lao dốc mạnh kể từ sau Đại hội cổ đông của doanh nghiệp, khi những nghi ngại về bất đồng quan điểm nhóm cổ đông lớn liên quan tới hoạt động sáp nhập doanh nghiệp.

Trước đó, phiên 9/4 và 10/4, CTD giảm sàn do Kustocem - cổ đông lớn nhất của Coteccons phản đối việc sáp nhập với Ricons. Kustochem cho rằng, đề xuất sáp nhập với Ricons sẽ không mang lại những gì mà Coteccons chưa có, như khả năng về kỹ thuật hay hoạt động. Kustocem tin rằng các cổ đông của Coteccons sẽ hưởng lợi khi ban quản lý tập trung các nguồn lực vào việc phát triển các nền tảng thay vì đi theo con đường M&A.

"Sử dụng cổ phiếu của Coteccons để trả cho thương vụ M&A này thực sự là không hợp lý cho đến khi tình hình tài chính của Coteccons được cải thiện và giá cổ phiếu chạm tới mức xứng đáng", phía Kustochem nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Kustocem cũng yêu cầu hội đồng quản trị và ban quản lý phải tạm ngưng mọi công việc có liên quan tới đề xuất sáp nhập với Ricons và tập trung vào việc lèo lái công ty trở về con đường thành công.

Ngoài ra, việc một loạt dự án Coteccon phải tạm dừng thi công cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Coteccons là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng trong nhiều năm liền bởi quy mô lớn và những giá trị mà doanh nghiệp này mang lại. CTD từng là cổ phiếu có thị giá thuộc top cao nhất sàn chứng khoán. Coteccons đang phải đối mặt những thách thức cả về nội tại doanh nghiệp lẫn yếu tố khách quan về thị trường địa ốc bão hoà.