10:36 20/06/2021

Ông Vũ Tiến Lộc: Báo chí chính thống cần khơi dậy niềm tin của xã hội vào các nhà kinh doanh

Vũ Khuê

Vai trò của báo chí chính thống rất quan trọng, đó là định hướng thông tin cho người đọc. Chúng ta có thể đọc thông tin ở mọi nơi, mọi kênh trên mạng xã hội nhưng neo giữ được suy nghĩ của bạn đọc vẫn là báo chí chính thống. Sự tin cậy của người đọc ở thông tin chuẩn xác, có độ tin cậy cao...

Ông Vũ Tiến Lộc.
Ông Vũ Tiến Lộc.

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xung quanh chủ đề: vai trò phản biện của báo chí chính thống trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân. 

Giữa vô vàn nguồn thông tin mà người đọc tiếp cận được như từ các trang mạng xã hội, báo chí... ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí chính thống hiện nay?

Thời buổi của công nghệ thông tin, công nghệ số nên thông tin có quá nhiều, giống như “biển cả” thông tin. Tuy nhiên, trong đó có thông tin chính thức và không chính thức, khiến người đọc khó phân định, tin cậy.

 
Trong bối cảnh 4.0, báo chí cũng cần khẳng định vai trò của mình trong nền truyền thông số. Tính nhanh nhạy, kịp thời cần có của hệ thống báo điện tử chính thống. Thông tin chính thống là đầu vào không thể thiếu được của bất kỳ công dân nào.

Song mạng xã hội đưa thông tin nhanh, còn báo chí chính thống lại quá chậm khiến người đọc tiếp nhận hoang mang. Do đó, trong bối cảnh 4.0, báo chí cũng cần khẳng định vai trò của mình trong nền truyền thông số. Tính nhanh nhạy, kịp thời cần có của hệ thống báo điện tử chính thống. Thông tin chính thống là đầu vào không thể thiếu được của bất kỳ công dân nào.

Báo chí cần đi vào cung cấp thông tin một cách chuẩn mực, có kiểm chứng. Tất nhiên báo chí không thể chạy theo mạng xã hội mà phải định hướng xã hội, định hướng lại thông tin từ mạng xã hội. Do đó, sự nhanh nhạy, chính xác, kịp thời của báo chí chính thống rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, giúp định hướng giá trị xã hội.

Với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, theo ông, thời gian qua, báo chí đã đóng góp thế nào?

Có thể khẳng định báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Ở mỗi loại hình, báo chí đều bám sát vào đặc điểm, tình hình thực tiễn của đất nước để thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế.

Ví dụ điển hình như trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các cơ quan truyền thông đã tích cực đi sâu vào đời sống xã hội, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, các mô hình kinh tế hiệu quả, những cách làm mới đột phá, năng động, hiệu quả.

Bên cạnh việc tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, các cơ quan báo chí còn có những bài điều tra, phản ánh những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống sản xuất và sinh hoạt. Nhiều vụ việc được các báo, đài vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như tình trạng ô nhiễm môi trường...

Sau mỗi vụ việc báo nêu, các đơn vị liên quan đã chỉ đạo nắm bắt tình hình, đồng thời có những giải pháp đẩy lùi tiêu cực, kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Nhiều quan điểm cho rằng vai trò song hành của báo chí với công cuộc phát triển kinh tế rất quan trọng, đặc biệt trước những thách thức lớn đang đặt ra. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Rất nhiều thách thức hiện nay đặt ra cho phát triển kinh tế là chúng ta vừa phải phát triển kinh tế - xã hội vừa phải giữ vững quốc phòng - an ninh; thách thức giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; thách thức giữa phát triển đô thị nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao...

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian xử lý, giảm chi phí thực hiện; tinh giản bộ máy biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chất lượng dịch vụ công; lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo thành công của cải cách hành chính...

Do vậy, để thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này rất cần các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền sâu rộng về công cuộc phát triển.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần kịp thời nêu gương, cổ vũ những phong trào, những mô hình mới, những tấm gương người tốt, việc tốt. Tuyên truyền nâng cao và lan toả hình ảnh, tiềm năng văn hóa, đất đai, khoáng sản, nguồn lực... tạo sự đoàn kết, đồng thuận để thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.

Hy vọng rằng sự trưởng thành, lớn mạnh nhanh chóng của các cơ quan báo chí sẽ góp phần đắc lực hơn trong công tác tuyên truyền cho công cuộc xây dựng, phát triển nước nhà.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn còn phức tạp, báo chí cần thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Truyền thông để tạo niềm tin vào các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như các biện pháp điều hành của chính phủ, góp phần khơi dậy những yếu tố tích cực trong xã hội.

Ông có cho rằng sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19?

Sau sự chống đỡ với Covid -19 năm ngoái và năm nay, nhiều doanh nghiệp hiện rất khó khăn, số phận của họ trên thương trường rất mong manh, tồn tại hay không tồn tại đang đặt ra trong bối cảnh Covid như hiện nay. Nên việc “chê” doanh nhân cần hết sức thận trọng.

 
Giờ là lúc doanh nhân cần được động viên, khích lệ tạo sinh kế cho người lao động. Bảo vệ doanh nhân cũng là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế cho người dân. Doanh nhân cần được chia sẻ, sự đùm bọc của cả xã hội.

Đặc biệt với những thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu kiểm soát có thể giết chết một doanh nghiệp, thậm chí giết cả tinh thần kinh doanh của dân tộc. Giờ là lúc doanh nhân cần được động viên, khích lệ tạo sinh kế cho người lao động. Bảo vệ doanh nhân cũng là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế cho người dân. Doanh nhân cần được chia sẻ, sự đùm bọc của cả xã hội.

Trong bối cảnh này cần có cách nhìn nhân hậu hơn, bao dung hơn, thông cảm hơn với doanh nhân. Bởi đằng sau doanh nhân là hàng ngàn, hàng vạn người lao động, là sức mạnh kinh tế của đất nước. Vì vậy, tôi cho rằng báo chí chính thống cần khơi dậy niềm tin của xã hội vào các nhà kinh doanh, khơi dậy tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Khi đó, báo chí là kênh thông tin quan trọng để lan toả những mô hình kinh doanh tốt, kinh nghiệm quản trị hay. Đưa những thông tin chính xác về thị trường, đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường trong, ngoài nước và với chính phủ.

Theo ông, đến nay còn tâm lý doanh nghiệp sợ báo chí không?

Quan hệ báo chí với doanh nghiệp luôn có hai mặt. Đó là báo chí chính thống, chân chính bao giờ và lúc nào cũng là bạn của doanh nghiệp, còn báo chí không chân chính luôn làm doanh nghiệp dè chừng.

Báo chí đưa thông tin không chính xác do được cung cấp thông tin không đúng nhưng không kiểm chứng, trong khi người đưa ra thông tin đó không có tâm, thì thực sự khi đó báo chí là tai họa cho doanh nghiệp.

 
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, trước một bầu thông tin rất lớn từ báo chí chính thống, các mạng xã hội... nhưng tiếng nói từ báo chí chính thức lúc nào cũng quan trọng, đưa những thông tin một cách có trách nhiệm. Và đó chính là những thông tin tham khảo, định hướng quan trọng của doanh nghiệp.

Báo chí chính là diễn đàn của doanh nghiệp, qua báo chí, môi trường kinh doanh của nền kinh tế được phản ánh, là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính phủ. Báo chí cũng là kênh để các doanh nghiệp kết nối với nhau, quảng bá hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Thậm chí báo chí là người thầy cho doanh nghiệp.

Không phải những lúc vui báo chí mới chia sẻ cùng doanh nghiệp mà ngay cả khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, báo chí cũng vẫn đồng hành, giống như bầu khí quyển của doanh nghiệp.

Báo chí cũng cần có vai trò phản biện, dũng cảm nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, có tính chất xây dựng. Điều này cũng nói lên trách nhiệm xã hội, chính trị của báo chí là vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp ngại báo chí nhiều nhưng báo chí lại là người bạn đồng hành, khi có vấn đề gì doanh nghiệp cũng tìm đến báo chí đầu tiên để kêu than, giãi bày. Báo chí là một trong những luồng thông tin đầu tiên doanh nghiệp tiếp cận.

Mỗi doanh nhân buổi sáng bao giờ cũng đọc báo, nghe đài. Cuối giờ cũng lên mạng, đọc báo, xem thông tin trong ngày thế nào, doanh nghiệp mình có xuất hiện trên truyền thông không...

Nếu thông tin tích cực sẽ cổ vũ thúc đẩy doanh nghiệp. Nếu tiêu cực sẽ đẩy doanh nghiệp sụp đổ. Báo chí như tấm gương phản ánh gương mặt của doanh nghiệp, thực trạng của doanh nghiệp. Nếu thông tin báo chí tích cực thì họ có niềm tin với doanh nghiệp đó. Ngược lại, doanh nghiệp bị tránh xa.

Việc lên án những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính là điều cần thiết phải làm với báo chí chính thống nhưng việc cổ vũ động viên, đặc biệt xây dựng hình tượng doanh nhân nói chung rất quan trọng hiện nay. Vai trò của những doanh nhân trong xây dựng đất nước vẫn cần được đề cao. Không vì chỉ một hiện tượng xấu trong doanh nhân mà cái nhìn của xã hội thiếu thiện cảm với cộng đồng doanh nhân.