OPEC: Thế giới đã thoát cảnh thừa đầu
Theo báo cáo mới nhất từ OPEC, tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu gần như đã không còn
Tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu gần như đã không còn, số liệu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) công bố ngày 14/5 cho thấy. Đây là kết quả của nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu do OPEC dẫn đầu và việc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu gia tăng.
Theo hãng tin Reuters, báo cáo của OPEC nói rằng các thành viên của khối này và đối tác ngoài khối thậm chí còn cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức thỏa thuận. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu không tham gia thỏa thuận hạn chế sản lượng, chẳng hạn các công ty dầu đá phiến của Mỹ, đã bắt đầu đối mặt với sự hạn chế sản lượng tương lai.
Saudi Arabia, nước "anh cả" của OPEC, cho biết đã giảm sản lượng tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận hạn chế sản lượng bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2017.
Báo cáo của OPEC cho biết lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm trong tháng 3, chỉ còn cao hơn 9 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm. Hồi tháng 1/2017, tồn kho dầu tại các nước OECD cao hơn 340 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm.
"Thị trường dầu lửa trong tháng 4 được nâng đỡ bởi căng thẳng địa chính trị (ở Trung Đông), tồn kho xăng dầu giảm, và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu mạnh", báo cáo của OPEC có đoạn viết.
Thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC, Nga và một số nước khác đã giúp giá dầu thế giới tăng khoảng 40% kể từ khi có hiệu lực. Mục tiêu của thỏa thuận này là đưa lượng tồn kho dầu toàn cầu về mức trung bình 5 năm.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi báo cáo của OPEC được công bố, giá dầu Brent tại London có lúc đạt 78,28 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Bản báo cáo tăng nhẹ dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2018, lên mức 98,85 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,65 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ của năm ngoái. Cơ sở của dự báo này là tăng trưởng kinh tế mạnh lên tại các nền kinh tế mới nổi và phát triển trong quý 1.
OPEC cũng dự báo các nước sản xuất dầu ngoài khối sẽ khai thác 59,62 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, nhiều hơn 1,72 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trong đó, Mỹ sẽ chiếm khoảng 89% phần sản lượng gia tăng này.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ gần đây khai thác 10,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, đang tiến sát mức sản lượng cao nhất thế giới 11 triệu thùng/ngày của Nga, và cao hơn nhiều so với mức 9,9 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.
Trong tháng 4, OPEC khai thác 31,93 triệu thùng dầu mỗi ngày, thấp hơn 800.000 thùng/ngày so với mức mà OPEC nói là thế giới cần từ khối này trong năm nay.
OPEC phát tín hiệu rằng khối này và các nước đồng minh sẵn sàng hành động nếu "các diễn biến địa chính trị" gây ảnh hưởng bất lợi đến nguồn cung dầu. Tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào, nhưng sẽ không hành động một mình.
"OPEC luôn sẵn sàng hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường dầu, cùng với các nước sản xuất dầu khác là đối tác của khối", báo cáo của OPEC viết.
Vào tháng 6, OPEC và đối tác sẽ nhóm họp để xác định có cần điều chỉnh mức hạn chế sản lượng. Thỏa thuận giữa OPEC với Nga và một số quốc gia khác hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,8 triệu thùng dầu/ngày cho tới hết năm nay.