09:43 15/03/2017

PCI 2016 và "hiện tượng Quảng Ninh"

Nguyên Vũ

Theo bảng xếp hạng, Quảng Ninh đứng thứ hai với 65,60 điểm, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay và ở trong nhóm điều hành rất tốt

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành trao đổi kinh nghiệm tại cà phê doanh nhân sau lễ công bố PCI 2016.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành trao đổi kinh nghiệm tại cà phê doanh nhân sau lễ công bố PCI 2016.
Trình bày kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sáng 14/3, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đã nhấn mạnh "hiện tượng Quảng Ninh".

Theo bảng xếp hạng, Quảng Ninh đứng thứ hai với 65,60 điểm, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay và ở trong nhóm điều hành rất tốt.

Từ 2015 trở về 2010, vị trí trong bảng xếp hạng PCI của Quảng Ninh lần lượt là 3 - 5- 4- 20 - 12 - 7.

Có nhiều ý tưởng cải cách, được thực hiện một cách chắc chắn, hiệu quả - ông Đậu Anh Tuấn nhận xét về Quảng Ninh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trong lễ công bố báo cáo cũng như cà phê doanh nhân buổi chiều đều nhắc đến Quảng Ninh như một trong số các "ngôi sao cải cách".

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh rằng: đích đến của PCI không phải là thứ bậc trong bảng xếp hạng. Đích đến của PCI là những dư địa cải cách được chỉ ra, những phương pháp cải cách cần được tiến hành và những bài học thực tiến tốt cần được chia sẻ và lan tỏa.

Thực tiễn tốt từ Quảng Ninh, ngay sau đó đã được Chủ tịch VCCI nhắc đến, chính là trung tâm hành chính công IPA, là xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI).

Đó cũng là những vấn đề được Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Tổ trưởng tổ công tác PCI Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ trong buổi cà phê doanh nhân chiều cùng ngày.

Quảng Ninh có tiềm năng thế mạnh rất lớn nhưng lãnh đạo tỉnh chưa hài lòng với sự phát triển hiện tại và các cấp lãnh đạo Trung ương cũng cho rằng sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, vậy từ đâu và vì sao, ông Thành vào đề.

Theo ông Thành, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến chất lượng điều hành kinh tế của địa phương. Vì thế, để tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư, Quảng Ninh đã sớm nhận ra rằng nếu chỉ tập trung vào khai thác những lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, tài nguyên khoáng sản sẽ là không đủ và không bền vững, mà còn cần phải dựa trên những “yếu tố mềm” với phương pháp, cách đi, cách làm riêng và sáng tạo.

Và, điều có thể làm được ngay, không cần chờ đợi, cũng không mất tiền chính là có một cơ quan chuyên trách một đầu mối tiếp xúc hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư theo một chu trình khép kín.

Trước đây để hoàn thành toàn bộ các thủ tục nhà đầu tư phải mất quá nhiều thời gian - có khi đến 250 ngày, từ trăn trở phải rút ngắn tối đa thời gian và chi phí, Quảng Ninh đã quyết định thành lập mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA)  trực thuộc UBND tỉnh, ông Thành chia sẻ.

Với mô hình này thì từ khi manh nha ý định đầu tư doanh nghiệp đã tiếp cận với lãnh đạo tỉnh, quy trình được thay đổi theo hướng từ trên xuống thay vì từ dưới lên dễ làm doanh nghiệp nản lòng như trước đây, vẫn theo thông tin từ Phó chủ tịch Quảng Ninh.

Tìm hiểu thêm từ các tài liệu liên quan đến PCI của Quảng Ninh thi được biết tổ chức của IPA gồm 30 người phần lớn được tuyển dụng mới và được đào tạo ở nước ngoài, tuổi đời còn rất trẻ với tuổi trung bình là 30. Đặc biệt đa số nhân sự ở đây chưa qua môi trường quản lý nhà nước để tránh cách tư duy lối mòn, khuôn cứng theo cách nhìn cũ, tạo luồng khí mới mẻ trong phong cách làm việc.

IPA chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng ban là một phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm,

Với mô hình này, khi đến tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đầu tư, nhà đầu tư, thay vì phải đi đến nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau để tìm hiểu đầu tư thì giờ đây chỉ cần liên hệ hay đến làm việc với một cơ quan duy nhất của tỉnh là IPA. IPA có trách nhiệm triển khai nhanh nhất sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ tối ưu nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng càng được cải thiện, 5 năm 2012 - 2016 vốn đầu tư và các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh tăng với con số ngoạn mục, đã huy động trên 190.000 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Vốn FDI giai đoạn này đạt 2,58 tỷ USD, tương đương trên 43% giai đoạn 25 năm 1986 - 2011.

Không chỉ IPA mà DDCI của Quảng Ninh cũng được coi là tiên phong với cách tiến hành bài bản, chuyên nghiệp nhất.

DDCI ra đời đáp ứng yêu cầu tự thân của Quảng Ninh trong trăn trở và nỗ lực tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, duy trì và cải thiện sức cạnh tranh cũng như vị trí trên bảng xếp hạng toàn quốc, lãnh đạo Quảng Ninh thông tin.

Việc so sánh chất lượng điều hành kinh tế của các đơn vị thông qua việc so với đơn vị đứng đầu của từng chỉ số thành phần sẽ đặt mọi đơn vị sở, ngành và chính quyền từng địa phương luôn trong tâm thế nhìn về phía trước. Kết quả có hiệu ứng rất tốt, tới đây Quảng Ninh sẽ tiếp  tục thổi lửa cạnh tranh xuống đến cấp phường, xã, những người gần dân, gần doanh nghiệp nhất, Phó chủ tịch Quảng Ninh cho biết thêm.