10:40 31/12/2008

“Petro Vietnam hợp tác với SCIC không phải vì thiếu vốn”

Từ Nguyên

SCIC và Petro Vietnam vừa thống nhất sẽ đồng sở hữu ít nhất 51% vốn trong các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí

SCIC sẽ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp thành viên của Petro Vietnam chưa niêm yết để đầu tư dài hạn hoặc đầu tư linh hoạt.
SCIC sẽ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp thành viên của Petro Vietnam chưa niêm yết để đầu tư dài hạn hoặc đầu tư linh hoạt.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa thống nhất sẽ đồng sở hữu ít nhất 51% vốn trong các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí.

Cái bắt tay này được đánh giá là khá “nổi đình nổi đám” trong rất nhiều sự hợp tác khác giữa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua.

Cũng chính vì thế mà bản thỏa thuận hợp tác toàn diện vừa được hai bên ký ngày 30/12 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh cũng như các chuyên gia kinh tế, trong đó có cả ý kiến bày tỏ quan ngại về việc, nếu như SCIC nhảy vào lĩnh vực dầu khí thì sẽ khiến cơ hội đầu tư vào dầu khí của các doanh nghiệp khác ít đi rất nhiều.

Xung quanh sự hợp tác này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam.

Ông Thăng cho biết:

- Mục tiêu của sự hợp tác là nhằm tối đa hoá các lợi thế kinh doanh của mỗi bên trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm.
 
Cụ thể, SCIC sẽ mua lại các cổ phần tại các dự án thuộc lĩnh vực lọc hóa dầu, tìm kiếm thăm dò khai thác, chuẩn bị xây dựng, đang xây dựng, chuẩn bị hoàn thành và đã hoàn thành mà Petro Vietnam đang nắm khối lượng cổ phần chi phối, tạo điều kiện để Petro Vietnam dùng phần vốn này đầu tư vào các dự án khác, trên nguyên tắc thỏa thuận, hai bên cùng có lợi và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

SCIC sẽ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp thành viên của Petro Vietnam chưa niêm yết để đầu tư dài hạn hoặc đầu tư linh hoạt. Đồng thời sẽ cùng Petro Vietnam tham gia đầu tư vào các dự án đã triển khai nhưng chưa thu xếp được vốn và các dự án mới; góp vốn thành lập mới các công ty cổ phần để đầu tư, xây dựng và khai thác các nhà máy, các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí.

Bên cạnh đó, Petro Vietnam sẽ hợp tác đầu tư với SCIC trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại nước ngoài và tìm kiếm, giới thiệu các đối tác chiến lược cho Petro Vietnam.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thực hiện việc đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp thành viên khi thực hiện cổ phần hóa và thành lập mới các công ty của nhau, phối hợp với nhau trong việc hợp tác để thực hiện các dự án khác trong tương lai.

Cũng theo thỏa thuận, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và các bộ quản lý ngành, hai bên sẽ phối hợp cùng nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc tham gia các dự án đầu tư gồm: các dự án thuộc lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, nghiên cứu; các dự án thuộc lĩnh vực khai thác, vận chuyển; các dự án thuộc lĩnh vực lọc hóa dầu: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Long Sơn, Nhà máy Đạm Cà Mau; các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, tự động hóa, xây lắp dầu khí ...

Nhưng rõ ràng, SCIC không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, mà chỉ có thế mạnh về vốn. Vậy có thể hiểu là Petro Vietnam đang thiếu vốn, thưa ông?

Thực tế thì doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn và cần vốn, nhưng không phải vì Petro Vietnam thiếu vốn nên mới mời SCIC cùng tham gia các dự án. Đây là sự hợp tác toàn diện, trên cơ sở hai bên sẽ cùng tham gia các dự án của nhau.

Hơn nữa, từ trước đến nay thì các dự án trong lĩnh vực dầu khí đều có kết quả rất tốt, do đó, khi SCIC muốn đầu tư vào dầu khí nên đã chọn và tin tưởng Petro Vietnam bởi chúng tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí.

Và theo quan điểm của chúng tôi thì, nếu có các dự án tốt thì không nên chỉ một doanh nghiệp làm mà nên mời các doanh nghiệp khác cùng tham gia để đạt kết quả cao hơn.

Nhưng nếu "siêu tổng công ty" SCIC mà "nhảy" vào dầu khí thì liệu có làm mất cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này của các doanh nghiệp khác?

Tôi xin khẳng định, nếu đơn vị nào muốn đầu tư vào dầu khí thì chúng tôi luôn mở ra rất nhiều cơ hội, chứ không riêng gì SCIC.

Tuy nhiên, cũng phải tùy từng dự án. Đối với những dự án lớn, cần nhiều vốn thì rõ ràng các doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia, mà họ chỉ có thể tham gia những dự án nhỏ, ít vốn.

Nhưng ngược lại, những dự án lớn, nhiều vốn thì lại phù hợp với năng lực tài chính của SCIC. Còn những dự án nhỏ thì tôi tin chắc là có mời thì SCIC cũng không tham gia.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý, năng lực tài chính của SCIC là rất lớn, nhưng không có nghĩa là vô hạn, mà cũng chỉ có chừng mực nhất định thôi. Vốn của SCIC là tập hợp lại từ nhiều nguồn, bao gồm vốn điều lệ nhà nước cấp và tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Do đó, nếu tổng hợp lại thì vốn của SCIC là rất lớn, nhưng thực ra nó vẫn đang nằm tại các doanh nghiệp. Vốn đó chủ yếu vẫn là vốn lý thuyết.

Điều đó cũng có nghĩa là cơ hội vẫn mở ra cho tất cả các doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

SCIC có rất nhiều mối quan hệ với nhiều tập đoàn, định chế tài chính mạnh khác trong nước và quốc tế. Vậy Petro Vietnam có định “tận dụng” vào sự hợp tác này để mở rộng quan hệ, đầu tư?

Chắc chắn là phải có điều đó. Khi hai doanh nghiệp lớn hợp tác với nhau sẽ tạo ra một động lực, một sức mạnh mới để nhà nước sử dụng cả hai đơn vị như một công cụ chủ đạo điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế.

Khi hai doanh nghiệp lớn hợp tác với nhau thì không chỉ làm tăng thêm về tiềm lực mà còn cả thương hiệu, bạn hàng, khách hàng và nhiều lợi ích khác.

SCIC đã cam kết là sẽ tìm kiếm và giới thiệu các đối tác chiến lược, các định chế tài chính trong và ngoài nước có tiềm lực và kinh nghiệm để Petro Vietnam lựa chọn, mời tham gia đầu tư hoặc tài trợ vốn...

Cơ hội cụ thể mà hai bên có được ngay sau lễ ký là gì, thưa ông?

Ngay sau lễ ký, chúng tôi sẽ mời ngay SCIC tham gia dự án điện Nhơn Trạch 2 và một số dự án đầu tư ra nước ngoài trong năm tới.