07:00 10/03/2015

“Phải cho VAMC thanh kiếm mới giải quyết triệt để nợ xấu”

Nguyễn Hoài

“Tôi nghĩ Nhà nước phải có bộ luật về xử lý nợ xấu, cho VAMC ‘thanh kiếm’ thì mới giải quyết triệt để được vấn đề”

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC.
Nếu không có cơ chế xử lý nợ xấu thông qua một bộ luật thì tốc độ xử lý nợ đã mua rất gian nan.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định cho phép VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt 80.000 tỷ đồng để mua nợ xấu trong 2015.

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định cho phép VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 80.000 tỷ đồng. Cụ thể vấn đề này như thế nào?

Cuối 2014, VAMC đã chủ động xây dựng kế hoạch mua nợ 2015 từ 80.000 đến 100.000 tỷ đồng. Con số trái phiếu đặc biệt 80.000 tỷ đồng là do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo đề xuất của VAMC.

Theo đó, giá trị trái phiếu đặc biệt được phê duyệt là 80.000 tỷ đồng thì dư nợ mua giá gốc sẽ là 100.000 tỷ đồng.

Có một sự khác biệt so với các năm trước là ngay từ đầu năm 2015, các tổ chức tín dụng đã chủ động mời chào VAMC mua nợ và đây là tín hiệu tốt để thực hiện thành công Chỉ thị 02/CT – NHNN của Thống đốc về xử lý nợ xấu trong năm nay.

Đến hết tháng 2/2015, tổng số nợ xấu đã mua và giá trị nợ xấu đã xử lý sau mua cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tính đến hết năm 2014, VAMC đã mua được 137 nghìn tỷ đồng nợ gốc với giá trị trái phiếu 108.000 tỷ đồng. Trong hai tháng đầu 2015, các tổ chức tín dụng dự định bán cho VAMC khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi chưa mua vì còn phải chờ phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước và thống nhất phương án mua.

Sau khi được phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt 80.000 tỷ đồng, chúng tôi sẽ thẩm định ngay với các khoản nợ này để tiến hành mua luôn.

Riêng xử lý nợ xấu đã mua, tính đến 31/12/2014, VAMC xử lý được trên 5.100 tỷ đồng bằng các biện pháp thu hồi nợ, phát mại, đấu giá, bán tài sản, bán khoản nợ thông qua hình thức VAMC xử lý trực tiếp hoặc ủy quyền cho các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết quý 2/2015, cơ quan này sẽ xử lý thêm 6 - 7 ngân hàng yếu kém, VAMC có vai trò như thế nào trong quá trình này?

Thứ nhất, đối với những khoản nợ đủ điều kiện, VAMC tiến hành mua ngay để giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và đưa bớt nợ xấu ra khỏi ngoại bảng của các ngân hàng này.

Thứ hai, với những khoản nợ xấu từ các ngân hàng này đã được VAMC mua từ trước, chúng tôi sẽ tập trung quan tâm và ưu tiên xử lý sớm để tránh thêm áp lực cho họ trong quá trình tái cơ cấu.

Vốn điều lệ hiện tại của VAMC chỉ 500 tỷ đồng, nhiều lần đề xuất nâng lên 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được duyệt. Ông nói gì về năng lực tài chính của VAMC so với nhiệm vụ được giao?


Chúng tôi biết rằng, 500 tỷ đồng chỉ là vốn pháp định ban đầu nhưng nếu triển khai các nhiệm vụ sắp tới thì số vốn này không đủ điều kiện; kể cả khi được nâng lên 2.000 tỷ đồng khi phải xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Vấn đề là ở các cơ chế luật pháp để VAMC thực thi nhiệm vụ được giao.

Thế nên, vốn điều lệ có được nâng lên như đề xuất thì phải kết hợp với các cơ chế luật pháp nữa. Lúc đó, nguồn vốn này được sử dụng như vốn mồi mua khoản nợ theo giá thị trường hoặc tham gia góp vốn tái cấu trúc các khoản nợ mà thôi.

Trong quá trình mua bán nợ sau này, tích tụ tư bản nhiều thêm, vốn lớn thêm thì mới có thể nói chuyện sòng phẳng bằng tiềm lực tài chính khi xử lý triệt để nợ xấu.

Trước những vướng mắc pháp lý khi xử lý nợ xấu đã mua, Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 53, ông kỳ vọng gì về vấn đề này?


Sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 thì VAMC sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước phải sửa đổi Thông tư 19 và 20 cũng như các thông tư về kế hoạch tài chính cũng phải sửa đổi.

Sau khi sửa đổi nghị định này, VAMC sẽ mua nợ bằng hai hình thức: trái phiếu đặc biệt và cơ chế giá thị trường. Cùng với đó là xử lý nợ xấu đã mua thông qua phát mại để thu nợ; trực tiếp cơ cấu lại nợ xấu thay vì ủy quyền cho các tổ chức tín dụng thực hiện như trước.

Với những khoản nợ mua theo giá thị trường, có thể xử lý dưới hình thức tham gia góp vốn cùng con nợ tìm cách tái cấu trúc lại doanh nghiệp.

Theo tôi, đây là những bước đi quyết định để cùng hệ thống ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ về mức 3% trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng nhất là tạo ra hành lang, cơ chế pháp lý cho VAMC thực thi các nhiệm vụ.

Trên thế giới, không có quốc gia nào xử lý nợ xấu bằng cơ chế chính sách mà hầu hết đều dùng tiền thật. Hai năm qua, việc triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt là bước đi đầy nỗ lực nhưng hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc về xử lý tài sản, quyền định đoạt tài sản, bất động sản; tranh chấp, kiện tụng.

Đó là do luật này vướng luật kia; thậm chí, có những khoản nợ đã được tòa xử thắng cho chủ nợ, chuyển xuống cơ quan thi hành án mà vẫn tồn đọng.

Ý thức trả nợ, vướng mắc luật pháp, trì trệ trong thi hành án là những yếu tố khiến cho các đơn vị chủ nợ như VAMC mất hết quyền đòi nợ. Tôi nghĩ, Nhà nước phải có bộ luật về xử lý nợ xấu, cho VAMC “thanh kiếm” thì mới giải quyết triệt để được vấn đề.