21:26 03/07/2008

“Phải đặt mình trong “vai” người nông dân”

Ý kiến của nguyên “bộ trưởng nông dân” Lê Huy Ngọ xung quanh chính sách đất đai đối với nông dân

Ông Ngọ trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới năm 2006, trong vai trò là Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Ảnh: VNN.
Ông Ngọ trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới năm 2006, trong vai trò là Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Ảnh: VNN.
Ông Lê Huy Ngọ thường được gọi là “bộ trưởng nông dân”. Có lẽ vì ông đã có hơn 10 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1997 - 2007). Và có lẽ vì ông đã từng lăn lộn rất nhiều từ khi còn làm bí thư hai tỉnh Vĩnh Phú và Thanh Hóa.

Có không ít điều, về nông nghiệp và nông thôn, ông Ngọ tích luỹ được từ khi đang tại chức. Nhưng cũng có những điều ông chỉ có thể thực sự nói ra khi không còn giữ một chức vụ gì.

Thưa ông, ông nghĩ gì về “tam nông”, một vấn đề đang được bàn luận?


Chính sách “tam nông” bắt đầu từ Trung Quốc. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, tuy nhiên tôi cũng muốn lưu ý rằng, bài học “cải cách ruộng đất” cho thấy, trong các vấn đề về nông dân, không phải thành công nào của Trung Quốc đem áp dụng vào Việt Nam cũng được.

Thưa ông, dường như “kinh nghiệm Trung Quốc” không được đề cập trong các thảo luận gần đây, nhưng vì sao ông lại có vẻ như không hài lòng với “tam nông”?


Tam nông là nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của 3 vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là “hậu phương”, là nền tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết.

Đồng ý với ông rằng nông dân phải là vấn đề trung tâm, tuy nhiên, có thể “tam nông” cũng là một cách tiếp cận?


Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy. Cải cách ruộng đất, chia ruộng cho dân nghèo là một chính sách nhắm vào nông dân. Khi người dân yên tâm có ruộng, hàng vạn thanh niên nông thôn mới sẵn sàng lên đường.

Hòa bình lập lại, ruộng đất được tập trung vào các tập đoàn, hợp tác xã cho các tham vọng nông nghiệp, nông thôn lớn, thì người nông dân “ra rìa”. Đến khi “khoán sản phẩm”, giao ruộng lại để cho nông dân tự làm thì không những giải quyết được vấn đề lương thực cho cả nước mà chính nông dân còn đi đầu “đổi mới tư duy”.

Theo ông thì như thế nào để xác định một chính sách đã coi nông dân là trung tâm?


Hãy quan sát từ những hiện tượng: bên cạnh ầm ầm thuỷ điện chỉ là những nông dân đứng nhìn; rồi chính những người dân đã hiến đất để làm nhà máy điện lại là những người cuối cùng sống trong những vùng không có điện.

Tương tự, khi lấy đất làm khu công nghiệp, nông dân cũng bị đặt ra bên lề. Nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình ấy. Họ chưa được hỏi đầy đủ và chưa được tham gia các quá trình đàm phán như là một chủ thể của quá trình này.

Thưa ông, nông dân chưa được coi là chủ thể tham gia các quá trình đàm phán phải chăng là bởi các bên vẫn quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải là của nông dân?


Vâng, đó là mấu chốt. Từ bao đời nay, đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Đất đai là cuộc sống và cũng là văn hoá. Thái độ của chúng ta đối với đất đai đã biến nông dân, từ vị trí lẽ ra là người làm chủ lại trở thành những người đóng vai trò mờ nhạt trong những tiến trình thay đổi đó.

Thưa ông, tại sao đất đai cứ nhất định phải là “sở hữu toàn dân”?


Khi tôi còn làm, trong lãnh đạo có những người sợ rằng, mai đây, nhu cầu công nghiệp hoá đất nước sẽ cần đất đai nhiều, giao sở hữu cho dân rồi làm sao thu hồi. Cái gốc của vấn đề là, chúng ta vẫn coi tập thể, kinh tế nhà nước đóng vai trò “định hướng”. Khi nhà nước đã là định hướng thì làm sao đất đai có thể được giao sở hữu cho người dân.

Giờ đây thì chúng ta đã có những bài học để thấy, “vô chủ” như tình trạng quản lý đất đai hiện nay làm sao trở thành “nền tảng”; hiệu quả kinh tế thấp như khối kinh tế quốc doanh thì sẽ “định hướng” đất nước tới nơi nào.

Thưa ông, đất đai nói là thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực ra lại đang nằm trong tay của chính quyền cơ sở. Sự lạm quyền trong việc thu hồi đất của nông dân để giao cho các nhà kinh doanh đang khiến cho 85% khiếu kiện của nhân dân hiện có liên quan đến vấn đề ruộng đất, vì sao Nhà nước không nhận thấy để tháo sớm “ngòi nổ” này?


Có lẽ phải bắt đầu từ các hiện tượng xảy ra trong nông dân. Có thời kỳ ở nông thôn, nông dân nhận khoán chui; giờ đây, nông dân đang phải bán ruộng chui với bao nhiêu tiêu cực.

Các doanh nghiệp đang mua đất của nông dân để làm sân golf, khu công nghiệp bằng cách ép giá. Bởi vì đất của nông dân mà họ đâu có được thảo luận giá với người mua. Các doanh nghiệp chủ yếu làm ăn với chính quyền địa phương, chính quyền bằng nhiều cách khác nhau đã gây áp lực để người dân nhận một khoản “đền bù” không hợp lý.

Nếu người nông dân bán ruộng dựa trên quyền sở hữu của họ, tôi tin là họ sẽ cân nhắc hơn, không chỉ về giá.

Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?


Cho dù đất đai, về danh nghĩa, thuộc sở hữu của ai thì quyền sử dụng đất của nông dân vẫn là tài sản, việc định giá tài sản đó vẫn phải áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết. Tuy nhiên, “sở hữu toàn dân” trên thực tế đã bộc lộ rằng, không những những “ưu việt” mà ta mong không đạt được, quyền lực thực tế về đất đai đã rơi vào tay của một số cá nhân nắm quyền ở các địa phương.

Những tiêu cực trong vấn đề quản lý thu hồi và giao đất không những đã tác động tới tiến trình sử dụng hiệu quả đất đai mà còn khiến cho mâu thuẫn giữa Nhà nước và nông dân trở thành một vấn đề chính trị. Chính vì thế, theo tôi chúng ta cũng không nên ngần ngại sửa một vài điều trong Hiến pháp.

Cái gì cũng vậy, có danh chính ngôn thuận thì mới có minh bạch vừa tránh được tiêu cực vừa tạo ra nền tảng ổn định cho cả chính trị và xã hội.

Một quy định khác trong Luật Đất đai có liên quan đến nông dân là “hạn điền”, thưa ông, hạn chế tích tụ ruộng đất cũng đang là một nguyên nhân khiến cho nông nghiệp không thể nào phát triển?


Bình quân ruộng đất của cả nước hiện nay chỉ có 1000m2/nông dân; một hộ ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 3.600m2 và một hộ ở ĐBSCL chỉ có 5.000m2.

Muốn cho nông dân thoát nghèo thì chính sách đất đai phải làm sao để chuyển nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp hiện đại tạo ra giá trị cao. Với quy mô đất đai như vậy thì không thể nào thực hiện được. Tất nhiên, muốn có những vùng sản xuất hàng hoá lớn cũng có thể thực hiện bằng cách “dồn điền đổi thửa”; các hộ nông dân có thể liên kết lại để áp dụng khoa học kỹ thuật.

Nhưng không đơn giản để thực hiện điều này, theo tôi, tích tụ ruộng đất là một quy luật không thể cưỡng lại.

Thưa ông, những người không ủng hộ tích tụ ruộng đất biện minh rằng, tích tụ sẽ khiến cho một số nông dân bán ruộng trở thành thất nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước lại đang ủng hộ nhiều doanh nghiệp “thu hồi” hàng ngàn hecta ruộng của nông dân để làm sân golf hoặc khu công nghiệp. Hai quá trình này đâu có gì khác nhau và lý lẽ này liệu có còn đủ sức thuyết phục?


Như tôi đã nói, làm sân golf, khu công nghiệp hay tích tụ ruộng đất để hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp đều có tính hai mặt. Tuy nhiên, nếu như quá trình này diễn ra minh bạch, nông dân là chủ thể đàm phán và có thể tham gia ngay từ đầu thì họ sẽ không bị đặt ra bên lề. Đừng nghĩ, cho tích tụ, nông dân sẽ ồ ạt bán ruộng. Ruộng đất là cuộc sống của cả gia đình họ, Nhà nước không thể nào lo lắng cho họ hơn chính họ được đâu.

Thưa ông, công nghiệp hoá không chỉ theo một hướng áp đặt như Nhà nước vẫn làm, mang nhà máy về xây dựng trên đất ruộng, mà công nghiệp hoá còn có thể xuất hiện tự nhiên bắt đầu từ việc tích tụ ruộng đất, làm nảy sinh nhu cầu cơ giới hoá, hiện đại hoá, nhu cầu phát triển đa dịch vụ tại nông thôn, tại sao Nhà nước lại không cho tích tụ để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá tự nhiên đó?


Chúng ta hãy quan sát những người nông dân phải lên thành phố ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thu nhập của những người đó dù có đạt 2 triệu/tháng cũng khó mà đủ sống. Trong khi nếu cũng những người đó vẫn ở nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ, thì mức lương khoảng một triệu là đã rất ổn rồi.

Phải thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, có công nghiệp, có dịch vụ. Phải đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân. Làm sao giữ chân được thanh niên, làm sao trí thức có thể về nông thôn nếu như ở đấy không có nước sạch, không có điện… Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để cho những nông dân phải vật vã trên những góc phố đô thị để lây lất kiếm sống.

Hầu hết người dân Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên nguồn cội. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của cha anh mình trước khi ban hành một chính sách nào đó. Không nhà nước nào có thể lo hết mọi thứ.

Tích tụ ruộng đất chỉ là một vấn đề cụ thể. Cái lớn hơn trong phương pháp tiếp cận theo tôi là, mọi chính sách đều phải đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ.