11:26 08/06/2015

“Phải làm như nói thì dân mới tin”

Nguyễn Lê

Phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội được truyền hình trực tiếp sáng 8/6

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên).
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên).
Quốc hội và Chính phủ ra nghị quyết rất đúng, thảo luận rất hay, nhưng đến khi triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu tại nghị trường, sáng 8/6.

Đây là phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội được truyền hình trực tiếp. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều tham dự. Nhiều thành viên Chính phủ không phải đại biểu Quốc hội cũng có mặt ở hàng ghế khách mời.

“Phải làm như nói thì dân mới tin”

Như thường lệ, danh sách đại biểu đăng ký phát biểu luôn dài dằng dặc và vẫn trình bày văn bản được chuẩn bị trước chứ không có tranh luận.

Không ít vị chỉ dành phần lớn thời gian điểm qua những vấn đề đã được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra hoặc đề cập nhiều vấn đề nhưng đều mờ nhạt.

Tuy nhiên, những bức xúc của cử tri cũng đã được các vị đại diện mang đến nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh là cử tri rất bức xúc về tình hình tham nhũng không giảm, nhưng tội phạm tham nhũng bị khởi tố lại giảm đến 21%. 

“Ta thường nghe nói Chính phủ phải nghe ý dân, vậy Chính phủ nghe điều gì? Cử tri nói Quốc hội, Chính phủ ra nghị quyết rất trúng, rất đúng, thảo luận rất hay nhưng đến khi triển khai thực hiện thì chưa không đi đôi với làm, đề nghị phải làm như nói thì dân mới tin”, ông Học phát biểu.

Sức ép cải cách thể chế

Thêm một lần lên tiếng trước Quốc hội về yêu cầu cấp bách phải cải cách thể chế, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng nguy cơ tái bất ổn định kinh tế vĩ mô có thể sớm lặp lại, nếu không được nhận diện đầy đủ và ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh thâm hụt thương mại và vấn đề tỷ giá, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng thì bội chi ngân sách và áp lực nợ công cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Khi mà tình trạng bội chi ngân sách cao, kéo dài nhiều năm do khó khăn trong duy trì và cải thiện nguồn thu đi liền với quyết tâm chưa cao trong việc tiết chế các khoản chi, đã tạo sức ép lớn buộc Chính phủ tìm mọi cách huy động các nguồn tài trợ cho thâm hụt ngân sách.

Dồn tích các khoản thâm hụt, hệ quả là nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, đồng thời như Bộ Tài chính đã báo cáo, trong các năm 2015-2016 nghĩa vụ trả nợ đến hạn là khá căng thẳng, ông Đồng lo ngại.

Đại biểu Đồng cho rằng, nên tính toán lại các chỉ số về nợ công theo đúng bản chất kinh tế của nó, thay vì chỉ tính toán dựa theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công hiện hành.

Các khoản nợ mang bản chất nợ công, phải sử dụng nguồn thu từ Ngân sách nhà nước để trang trải, theo vị đại biểu này, là nhất thiết phải được tính, ít nhất để biết thực chất.

Đó là: nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho các ngân hàng thực hiện cho vay chính sách, nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản, một phần nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (ít nhất phần nợ đọng của các đơn vị không thuần túy thực hiện mục tiêu kinh tế) và kể cả số dư tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước hay vay mượn từ các quỹ tài chính khác cho Ngân sách nhà nước …

“Nếu tính cho đủ, cho đúng, mức nợ công theo bản chất kinh tế sẽ tăng thêm tới bao nhiêu, theo đó các chỉ số về nợ công sẽ thế nào? Nguồn thu ngân sách trong tương lai liệu có bảo đảm luôn trang trải được các nghĩa vụ nợ đến hạn?”, ông Đồng đặt hàng loạt câu hỏi.

Vẫn theo phân tích của đại biểu Đồng thì mức độ an toàn của nợ công phụ thuộc vào năng lực trả nợ gốc và lãi của Ngân sách nhà nước khi đến hạn, tức ở mức độ ổn định và tăng trưởng bền vững của nguồn thu ngân sách trong tương lai, chứ không phải ở các con số 65%, 55% hay 50% bất định.

“Các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Vấn đề biển Đông đang diễn biến phức tạp, có thể là một hiểm họa khôn lường, nếu các vấn đề nội tại của chúng ta không được giải quyết thấu đáo, nội lực đất nước không được cải thiện một cách căn cơ”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh khi kết thúc phần phát biểu.