17:16 09/10/2024

Phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thực hiện một số dự án nhà ở

Đỗ Mến

Ngày 9/10, tại phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2024, các đại biểu tập trung trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Phiên thảo luận do ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của quốc hội điều hành...

Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của quốc hội, nhấn mạnh môi trường thể chế thuận lợi sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nếu còn rào cản, vướng mắc không chỉ tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, chương trình chính sách của Chính phủ.

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VẪN TẠO GÁNH NẶNG CHO DOANH NGHIỆP

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, có dự án khi giải phóng mặt bằng phải mất 14 năm. Đã là doanh nghiệp thì phải chấp hành pháp luật, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp bất động sản có đến 15 luật can thiệp, từ Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…

Cơ quan lập pháp và hành pháp đều thấy rõ bất cập này nên chúng ta đang tiến hành sửa, ban hành nhiều luật mới để cố gắng đồng bộ hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn cơ quan soạn thảo lắng nghe tiếng nói, tham vấn của doanh nghiệp để luật đi sâu vào thực tế.

Về thủ tục hành chính, ông Hiệp cho rằng vấn đề này đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp. Ví dụ thủ tục giải phóng mặt bằng tính từ lúc bắt đầu phương án bồi thường hỗ trợ cho đến lúc chi trả tiền cưỡng chế thu hồi đất và bàn giao mặt bằng theo đúng quy định phải trải qua 177 bước và thời gian là 300 ngày trong đó có những bước vận động, tuyên truyền phải làm đủ ba lần hoặc tổ chức đối thoại của các hộ dân không đồng thuận phải đủ 60 ngày.

Còn thủ tục đầu tư một dự án quá phức tạp, thông thường phải mất từ 30-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình khoảng 2-3 năm, có tình trạng này vì bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở ngành liên quan bằng văn bản….

Ông Nguyễn Quốc Hiệp trao đổi tại diễn đàn. 
Ông Nguyễn Quốc Hiệp trao đổi tại diễn đàn. 

Hoặc thủ tục nữa trong quá trình thực hiện dự án mà các doanh nghiệp đều e ngại là thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Có thể khẳng định 100 dự án thì đều phải xin điều chỉnh quy hoạch mức độ nhiều ít khác nhau nhưng thủ tục, quy định về điều chỉnh quy hoạch, thế nào được coi là điều chỉnh quy hoạch cụ bộ , thế nào phải điều chỉnh quy hoạch phân khu… cần được làm rõ.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng kiến nghị cần có quy trình kiểm tra thủ tục hành chính để doanh nghiệp bớt chờ đợi.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), cho biết ban IV có báo cáo định kỳ 6 tháng với Thủ tướng Chính phủ, trong 3 kỳ đánh giá gần đây thủ tục vướng mắc hành chính luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp đề cập.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hết kỳ này, kỳ khác doanh nghiệp vẫn kêu. Có những vấn đề doanh nghiệp kêu nằm ở thị trường, nhưng câu chuyện hành chính là nội bộ… cho thấy tính cấp thiết phải cải cách hành chính.

TIẾP TỤC PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG

Thảo luận tại diễn đàn, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết các dự án nhà ở thuộc loại liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, từ 12-15 luật.

Quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, tổng kết Luật Nhà ở, chúng tôi thấy có một tồn tại là trình tự, thủ tục, quy trình để thực hiện  dự án nhà ở mỗi địa phương thực hiện theo 1 quy trình khác nhau. Việc này dẫn đến bản thân các doanh nghiệp, chủ đầu tư không được chủ động.

Nhận thức được tồn tại này, khi tổng kết Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng tham mưu với Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật nhà ở là giao cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn các giai đoạn triển khai dự án nhà ở, trong đó có dự án nhà ở xã hội.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2024 Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trong các nghị định này hướng dẫn giai đoạn triển khai dự án nhà ở từ đề xuất chủ trương đầu tư, quy hoạch, thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép… Việc này giúp cho các địa phương, doanh nghiệp có quy trình, trình tự thống nhất trên cả nước, đảm bảo sự minh bạch, tiết kiệm thời gian.

Đối với dự án nhà ở xã hội cũng quy định hướng dẫn chi tiết các nội dung về thủ tục hành chính.

Về kiến nghị kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ông Hưng cho rằng đặc điểm của thủ tục hành chính là quy định thời hạn, các cơ quan đầu mối là người thực hiện. Nếu vượt quá thời hạn, cơ quan chủ trì thực hiện bước đó phải có trách nhiệm giải trình.

“Các địa phương nằm trong top cao thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát này. Tất cả thủ tục hành chính đều phân cấp, phân quyền cho địa phương. Địa phương có thẩm quyền giám sát thủ tục hành chính này. Việc thưởng, phạt thực hiện đúng quy trình, thủ tục hoàn toàn thuộc thẩm quyền của địa phương”, ông Hưng nói thêm.

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Chính phủ đang dự kiến trình một luật sửa nhiều luật. Việc này có thể rút ngắn thời gian, quy trình, tối ưu hóa hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bà Thủy cũng đề cập đến giải pháp mô hình “thu hút đầu tư/cấp phép đầu tư ưu tiên” gắn với các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm quốc gia. Đồng thời phải tìm các mô hình để lan tỏa bài toán ưu tiên cho dự án.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu.

Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.