14:24 02/12/2022

Phần Lan muốn thu hút lao động nhập cư từ 4 quốc gia trong đó có Việt Nam

Dũng Hiếu

Theo Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, nước này đã xác định Brazil, Ấn Độ, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 quốc gia mục tiêu đặc biệt nhằm thu hút người nhập cư từ những quốc gia này. ..

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục trưởng Cục Di trú thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm, bà Sonja Hamalainen, nêu rõ Phần Lan sẽ cử "các cố vấn tài năng" tới Brazil, Ấn Độ, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo lập các mối quan hệ đối tác, từ đó thu hút người nhập cư trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, Phần Lan đặt mục tiêu thông qua các mối quan hệ đối tác này sẽ có thể thu hút gấp đôi số người nhập cư trong lĩnh vực việc làm và thu hút gấp 3 số người nhập cư trong lĩnh vực giáo dục từ nay đến năm 2030.

Chuyên gia cấp cao Katri Niskanen tại Bộ Kinh tế và Việc làm cho biết lao động nước ngoài có thể đóng góp khoảng 10% nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Phần Lan trong 10 năm tới.

Hiện nay, Phần Lan đã ban hành một số biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng lạm dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quốc gia Bắc Âu này vẫn chưa thực sự tạo được sức hút để người nước ngoài tới Phần Lan và xin giấy phép lao động tại đây. 

Theo các quy định hiện hành, một lao động nước ngoài phải có thu nhập 2.600 euro (2.704 USD) mỗi tháng mới có thể đưa vợ và 2 con nhỏ sang Phần Lan. Tuy nhiên, chuyên gia Niskanen cho biết căn cứ quy định hiện hành, với mức lương của các y tá hiện nay, việc họ đoàn tụ với gia đình là rất khó.

Các số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, cứ 100 người lao động tại Phần Lan thì có tới hơn 39 người hơn 65 tuổi. Với tỷ lệ này, Phần Lan chỉ đứng sau Nhật Bản về mức độ già hóa dân số. Dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ người lao động trên 65 tuổi sẽ chiếm đến 47,5% dân số nước này.

Nhằm thực hiện mục tiêu thu hút 50.000 người nhập cư theo diện việc làm đến Phần Lan vào năm 2030 và 250.000 vào năm 2050, trong hai năm 2020 và 2022, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đã triển khai chương trình tuyển dụng thí điểm mang tên Thúc đẩy Tài năng (Talent Boost programme) nhằm thu hút các chuyên gia và doanh nhân khởi nghiệp đến Phần Lan từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và từ New Delhi (Ấn Độ). Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng và Bộ này đã thừa nhận rằng sức hấp dẫn của Phần Lan đối với các chuyên gia quốc tế có tay nghề cao cho đến nay là tương đối thấp.

Việc thu hút người nhập cư theo diện việc làm chỉ thu hút được từ Ấn Độ. Đến nay, 5.800 người Ấn Độ đã được cấp giấy phép cư trú ở Phần Lan theo chương trình này. Hầu hết trong số họ là chuyên gia đặc biệt, và nhóm lớn thứ hai là sinh viên.

Trước đó, tại Việt Nam,  Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, nhằm thúc đẩy hợp tác lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nguồn nhân lực về kỹ năng, sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, đã chia sẻ Phần Lan đang thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe... nên rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.