09:23 24/01/2009

Phát hoảng với kết quả kinh doanh của các hãng công nghệ

Kiều Oanh

Lỗ đậm, đóng cửa nhà máy, sa thải hàng loạt đang là thực trạng chung của ngành công nghệ toàn cầu

Ngày 22/1, hãng chế tạo hàng điện tử hàng đầu của Nhật Bản Sony gây sốc khi cho biết hãng có thể lỗ gộp với con số kỷ lục 260 tỷ Yên (khoảng 2,9 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/2009, do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Ngày 22/1, hãng chế tạo hàng điện tử hàng đầu của Nhật Bản Sony gây sốc khi cho biết hãng có thể lỗ gộp với con số kỷ lục 260 tỷ Yên (khoảng 2,9 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/2009, do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Các hãng chế tạo hàng điện tử và công nghệ hàng đầu thế giới vừa công bố một loạt số liệu kết quả kinh doanh đáng lo ngại.

Những con số này phần nào tô đậm thêm mức độ u ám của bức tranh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Lỗ đậm, đóng cửa nhà máy, sa thải hàng loạt đang là thực trạng chung của ngành công nghệ toàn cầu.

Thua lỗ nặng hoặc lợi nhuận sụt giảm

Những con số thua lỗ hiếm gặp, hoặc mức lợi nhuận lao dốc chóng mặt, là những gì nổi bật nhất trong kết quả kinh doanh vừa phát đi từ các hãng công nghệ lớn.

Ngày 22/1, hãng chế tạo hàng điện tử hàng đầu của Nhật Bản Sony gây sốc khi cho biết hãng có thể lỗ gộp với con số kỷ lục 260 tỷ Yên (khoảng 2,9 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/2009, do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong năm tài chính trước, Sony lãi gộp 4,57 tỷ USD.

Nhiều khả năng, mức lỗ ròng mà hãng phải gánh trong năm tài khóa này sẽ là 150 tỷ Yên, so với mức lãi ròng 369 tỷ Yên của năm trước. Năm nay sẽ là năm thua lỗ đầu tiên của hãng trong 14 năm qua.

Theo CEO Howard Stringer của Sony, vấn đề lớn nhất của Sony lúc này là sự xuống dốc của bộ phận chính của hãng - bộ phận sản xuất hàng điện tử. Tuy nhiên, doanh số mọi sản phẩm của hãng từ TV, máy ảnh, phim, tới máy chơi game PlayStation 3 đều đang giảm mạnh.

Sự lên giá của đồng Yên so với các đồng tiền mạnh khác càng khiến lợi nhuận của hãng co lại, vì tiền bán hàng thu được từ các thị trường bên ngoài phải chuyển đổi ra đồng Yên. Mặt khác, do tình trạng thắt chặt tín dụng toàn cầu, vài trong số những nhà bán lẻ lớn nhất của Sony đã rơi vào cảnh phá sản, trong số này phải kể tới hãng bán lẻ hàng điện tử lớn thứ hai của Mỹ là Circuit City phải thanh lý tài sản và đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Mỹ cách đây chưa lâu.

Cùng ngày 22/1, hãng sản xuất chip nhớ và màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới của Hàn Quốc, hãng Samsung, lần đầu tiên trong báo cáo một quý kinh doanh thua lỗ kể từ khi hãng theo dõi số liệu hàng quý từ năm 2000 tới nay. Trong quý 4/2008, hãng này lỗ ròng 22,2 tỷ Won, tương đương 16,16 triệu USD. Cùng kỳ năm trước, hãng lãi 2.210 tỷ Won, còn trong quý 3/2008, hãng cũng lãi 1.220 tỷ Won.

Bộ phận chất bán dẫn của Samsung lỗ 560 tỷ Won trong quý 4/2008, đánh dấu quý thua lỗ đầu tiên trong 7 năm. Bộ phận màn hình tinh thể lỏng của Samsung lỗ khoảng 350 tỷ Won trong quý 4, so với mức lợi nhuận 917 tỷ Won cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của bộ phận viễn thông, bao gồm các sản phẩm điện thoại di động, đã giảm xuống mức 160 tỷ Won, bằng chưa đầy một nửa dựa báo trước đó của giới phân tích.

Các hãng điện tử lớn khác của châu Á cũng ở trong tình trạng khó khăn tương tự. Panasonic mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo doanh số năm nay với mức giảm 700 tỷ Yên (7,8 tỷ USD). Hãng điện tử LG của Hàn Quốc ngày 22/1 cũng báo lỗ ròng 500 triệu USD trong quý 4.

Tại Mỹ, “đại gia” phần mềm Microsoft cũng không tránh được vòng xoáy khủng hoảng. Hãng cho biết, lợi nhuận ròng quý 2/2008 của tập đoàn đã giảm 11% xuống còn 4,17 tỷ USD từ mức 4,71 tỷ USD trong năm ngoái. Doanh số phầm mềm hệ điều hành Windows của Microsoft trong quý này giảm 8%, còn 3,98 tỷ USD từ mức 4,33 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Con số này phản ánh doanh số thị trường máy tính cá nhân đi xuống. Theo hãng nghiên cứu Forrester, một nửa người tiêu dùng có ý định mua máy tính ở Mỹ năm nay sẽ trì hoãn việc sắm sửa này lại. Nhiều người trong số những người vẫn quyết định mua máy tính mới thì sẽ cắt giảm chi tiêu ở các hạng mục khác.

Ngoài ra, Microsoft còn gặp khó với sự nổi lên của các loại netbook giá rẻ. Netbook thường không đủ mạnh để chạy phần mềm Windows Vista mà dùng Windows XP giá rẻ hơn, hoặc chạy hệ điều hành mã nguồn mở Linux.

Hôm 21/1, hãng sản xuất ổ cứng Seagate cũng công bố con số lỗ ròng 496 triệu USD trong quý 2/2008, so với mức lãi ròng 403 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Ngành sản xuất chip của thế giới đang được xem là một trong những đối tượng chịu tác động mạnh nhất của khủng hoảng kinh tế. Giá chip đang liên tục xuống dốc do lượng hàng tồn kho quá lớn. Thua lỗ gia tăng đã khiến các hãng sản xuất chip của Đài Loan phải gõ cửa xin cứu trợ từ phía các nhà chức trách. Hãng sản xuất chip lớn thứ hai thế giới Hynix Semiconductor của Hàn Quốc thì đã nhận được hỗ trợ tài chính từ một số ngân hàng của nước này.

Quý 4/2008 được xem là một trong những quý tồi tệ nhất của Intel, hãng chế tạo chip lớn nhất thế giới trong vòng 25 năm trở lại đây. Trong quý, doanh thu của hãng sụt giảm 23%, còn 8,2 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của hãng trong quý 4/2008 giảm tới 90%, còn có 234 triệu USD.

Trước đó, Intel chỉ chứng kiến mức sụt giảm doanh thu hàng quý mạnh như vậy 2 lần trong 25 năm qua, vào các năm 1985 và 2001.

Sau 3 tháng liên tục làm Phố Wall phấn chấn vì kết quả kinh doanh tốt đẹp hơn dự kiến. Hãng sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) đã công bố những số liệu đáng ngại không kém các đối thủ khác. Quý 4/2008, hãng lỗ 1,4 tỷ USD, so với mức lỗ 1,77 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của hãng giảm 33%, còn 1,16 tỷ USD so với mức 1,74 tỷ USD của quý 4/2007.

Thách thức mà các hãng sản xuất điện thoại di động phải đương đầu cũng rất lớn. Tại châu Âu, ngày 21/1, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia của Phần Lan đã cắt giảm mạnh dự báo doanh số của toàn ngành trong năm nay. Theo Nokia, doanh số thị trường điện thoại di động toàn cầu năm 2009 sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức doanh số ước tính 1,18 tỷ USD của năm 2008. Mức dự báo giảm doanh số mà Nokia đưa ra trước đó chỉ là 5%.

Ngân hàng BNP Paribas của Pháp thì dự báo dự báo, năm nay, thị trường điện thoại di động toàn cầu sẽ lần đầu tiên sụt giảm trong 8 năm trở lại đây, với mức giảm doanh số 11%.

Lợi nhuận của Nokia trong quý 4/2008 giảm 69%, còn 748,8 triệu Euro, trong khi doanh số giảm 19% còn 12,7 tỷ Euro. Riêng doanh số điện thoại di động của hãng mất tới 27%, dẫn đầu sự lao dốc này là các thị trường châu Á, Bắc Mỹ và các thị trường đang nổi lên khác.

Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, Nokia hiện còn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Mỹ như Apple, Research In Motion và HTC. Tuy nhiên, theo Nokia, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 4 đã giảm 32%. Tổng thị phần của Nokia trên thị trường điện thoại di động toàn cầu trong quý 4 đã giảm xuống mức 37% từ mức 40% cùng kỳ năm trước.

Một gương mặt khác trong đội ngũ các hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu là Sony Ericsson cũng thông báo doanh số sụt giảm tới 24% và lợi nhuận giảm 31% trong quý 4/2008.

“Người khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến Google, đối thủ mà cả Microsoft và Yahoo muốn vượt lên từ lâu nhưng vẫn không thể đuổi kịp, cũng chứng kiến lợi nhuận sụt giảm tới gần 82% trong quý 4/2008, còn 382,4 triệu USD.

Hãng công nghệ làm hài lòng Phố Wall những ngày này may chăng chỉ có Apple.

Bất chấp những lo ngại của giới quan sát về sức khỏe của CEO Steve Jobs sau khi ông tuyên bố tạm nghỉ tại Apple vì lý do sức khỏe, hôm 22/1, Apple đã báo lợi nhuận tăng 1,5% trong quý 4/2008, lên mức 1,61 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu trong 1 quý của Apple vượt 10 tỷ USD.

Trong quý, Apple bán được 2,5 triệu máy tính Macintosh, tăng 9% so với quý trước, và 22,7 triệu chiếc iPhone.

Đóng cửa nhà máy, sa thải nhân công

Đi kèm với báo cáo kết quả kinh doanh u ám của các hãng công nghệ lớn là loạt thông báo tái cơ cấu, cắt giảm hoạt động sản xuất và việc làm.

Đối mặt với doanh số và lợi nhuận sụt giảm, ngày 22/1 Microsoft cũng phải công bố đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử của hãng Microsoft dự kiến sẽ cắt giảm 5.000 trong tổng số 94.000 nhân viên trong vòng 18 tháng tới. Riêng trong ngày 22/1, đã có 1.400 nhân viên bị sa thải.

Cùng ngày, Sony cũng công bố một chiến dịch cải tổ lớn bao gồm sa thải nhân công và đóng cửa nhiều nhà máy.

Do thua lỗ ở bộ phận sản xuất TV là trầm trọng nhất và đây cũng là bộ phận đã liên tục thua lỗ nhiều năm, Sony sẽ cắt giảm khoảng 1.000 việc làm trong bộ phận này tại Nhật, ngừng hoạt động thiết kế và chế tạo tại nhà máy ở Ichinomiya và co hẹp sản xuất tại một nhà máy ở Inazawa. Ngoài ra, hãng còn thực hiện một chương trình nghỉ hưu sớm, cộng với kế hoạch cắt giảm 8.000 việc làm và đóng cửa 6 nhà máy công bố vào tháng 12 vừa qua.

Cũng trong ngày 22/1, Intel cũng công bố quyết định đóng cửa nhiều nhà máy và sa thải hàng loạt công nhân. Theo đó, Intel sẽ đóng cửa ba nhà máy thử nghiệm chip ở châu Á và tạm ngừng hoạt động các nhà máy ở bang Oregon và bang California, Mỹ. Phần lớn các nhà máy bị đóng cửa đều là những nhà máy sử dụng công nghệ đã cũ. Người phát ngôn của Intel cho biết, hãng sẽ tiếp tục đầu tư nhiều tỷ USD trong năm nay vào các nhà máy mới.

Sẽ có khoảng 6.000 nhân viên của Intel mất việc trong đợt sa thải này. Cuối năm ngoái, Intel có tổng số 84.000 nhân viên. Trong vòng 3 năm trở lại đây, hãng đã sa thải 20.000 nhân viên.

Về phần mình, từ trước, tới nay, hãng điện thoại Nokia hiếm khi cắt giảm cổ tức và việc làm, nhưng suy thoái kinh tế đã buộc hãng phải đi tới quyết định này. CEO Olli-Pekka Kallasvuo của Nokia cho hay, hãng này dự kiến cắt giảm một số lượng việc làm chưa xác định và cắt giảm chi phí. Hiện Nokia có khoảng 128.000 nhân viên.

Đồng thời, Nokia cũng lần đầu tiên cắt giảm cổ tức từ năm 2001 tới nay đối với mức cổ tức chi trả cho quý 2/2008. Mức cổ tức của Nokia trong quý 2/2008 chỉ là 0,4 Euro/cổ phiếu, so với mức 0,53 Euro/cổ phiếu của cùng kỳ năm trước.

Trong tuần trước, hãng chip AMD tuyên bố sẽ cắt giảm 1.100 việc làm, tương đương 9% lực lượng lao động của hãng, đồng thời giảm lương của nhân viên. Trước đó, trong tháng 1 này, hãng đã cắt giảm 600 việc làm, cộng với 1.600 việc làm bị cắt giảm trong năm 2008.