11:22 22/01/2009

Một loạt số liệu gây sốc của kinh tế châu Á

Kiều Oanh

Hôm nay (22/1), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng loạt công bố những thống kê kinh tế đáng lo ngại

Áp tay lên phù điêu con trâu để cầu may mắn trong năm Kỷ Sửu, tại một ngôi đền ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AFP.
Áp tay lên phù điêu con trâu để cầu may mắn trong năm Kỷ Sửu, tại một ngôi đền ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AFP.
Hôm nay (22/1), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng loạt công bố những thống kê kinh tế đáng lo ngại.

Đều dựa nhiều vào xuất khẩu, những nền kinh tế hàng đầu châu Á này đang chịu tác động tiêu cực nặng nề từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu kéo nhu cầu hàng hóa trên toàn thế giới lao dốc.

Quý 4/2008, xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm kỷ lục, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 7 năm, kinh tế Hàn Quốc co lại với tốc độ chưa từng có từ khủng hoảng tài chính 1997.

Xuất khẩu của Nhật giảm mạnh chưa từng thấy

Bộ Kinh tế Nhật Bản cho biết, xuất khẩu nước này trong tháng 12/2008 đã sụt giảm với tốc độ kỷ lục 35% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 26,7% trong tháng 11.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, Trung Quốc và châu Âu - các thị trường chính đối với những mặt hàng chủ lực của Nhật như xe hơi và hàng điện tử - giảm mạnh chưa từng có. Xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc giảm 35,5%; xuất khẩu sang Mỹ giảm 36,9% và xuất khẩu sang châu Âu giảm 41,8%.

Xuất khẩu của Nhật sang châu Á, thị trường chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, đã giảm tới 36,4%.

Nhập khẩu của Nhật trong quý 4 cũng giảm 21,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong quý này, Nhật Bản vẫn chịu thâm hụt thương mại quý thứ ba liên tiếp, ở mức 320,7 tỷ Yên (3,6 tỷ USD).

Tình trạng doanh thu và lợi nhuận lao dốc đang khiến nhiều công ty lớn của Nhật như Toyota, Sony, Honda… tiến hành cắt giảm hàng ngàn việc làm và đóng cửa nhiều dây chuyền sản xuất. Hãng Sony cho biết, họ có thể báo lỗ kỷ lục 2,9 tỷ USD trong năm 2008. Hiện hãng Toyota đang dự định cắt giảm 4.500 việc làm tạm thời. Hãng Honda thì cho biết, từ nay tới tháng 4 sẽ sa thải toàn bộ 3.100 công nhân làm việc tạm thời tại hãng.

Kinh tế Nhật hiện đang ở trong một giai đoạn khó khăn hiếm gặp. Thủ tướng nước này Taro Aso từng nhận xét, cuộc khủng hoảng đang diễn ra là cuộc khủng hoảng “trăm năm có một”. Các số liệu thống kê đã công bố cho thấy, sản lượng của các nhà máy ở Nhật trong tháng 11 đã giảm tới 8,5%, mạnh nhất trong vòng hơn một nửa thế kỷ qua.

Các nhà phân tích của Barclays Capital đã dự báo, trong quý 4/2008 vừa qua, kinh tế Nhật có thể đã tăng trưởng âm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, quý sụt giảm mạnh nhất từ năm 1974 tới nay.

Ngoài những khó khăn chung của kinh tế thế giới, các nhà xuất khẩu của Nhật Bản còn phải vật lộn với sự lên giá của đồng Yên so với các đồng tiền mạnh khác khiến hàng hóa của Nhật trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường nước ngoài.

Ước tính, cứ mỗi Yên giảm đi trong tỷ giá USD so với đồng tiền này sẽ khiến lợi nhuận hoạt động của hãng Honda giảm mất 18 tỷ Yên. Hiện tỷ giá USD so với Yên Nhật là khoảng 90 Yên ăn 1 USD. Chủ tịch hãng Honda Takeo Fukui cho biết, hãng có thể buộc phải chuyển thêm hoạt động sản xuất ra nước ngoài nếu đồng Yên tiếp tục tăng giá.

Kinh tế ngập sâu trong suy thoái buộc Chính phủ Nhật Bản phải liên tục nỗ lực có những hành động khẩn cấp để cứu nguy tăng trưởng. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) đã hạ lãi suất đồng Yên từ mức 0,3% về 0,1%.

Trong cuộc họp diễn ra ngày 22/1 này, có thể BoJ sẽ đi tới chi tiết một kế hoạch mua vào các loại thương phiếu do các công ty phát hành để hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp. Hiện Thủ tướng Aso cũng đang tìm cách để Thượng viện thông qua một kế hoạch chi 10.000 tỷ Yên, tương đương 111 tỷ USD để hỗ trợ các công ty và hộ gia đình.

Kinh tế Trung Quốc “xì hơi”

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á và lớn thứ ba thế giới, hôm nay cho biết, GDP nước này trong quý 4/2008 tăng trưởng 6,8%, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Cả năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9%, đưa GDP lên mức 30.067 tỷ Nhân dân tệ. Năm 2007, nhờ tốc độ tăng trưởng lên tới 13% trong năm 2007 mà Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Giới quan sát quốc tế nhận định, kinh tế của Trung Quốc đang “xì hơi”. Các dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2009 rất khác nhau, nhưng đều là những con số thấp nhất từ năm 1990 tới nay. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, trong 2009, kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng ở mức 5,5%. Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) cho rằng kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ tăng 5%. Ngân hàng Thế giới (WB) thì dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 7,5%.

Xuất khẩu lao dốc khiến hàng loạt công ty Trung Quốc phải đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân, đe dọa dẫn tới bất ổn xã hội. Xuất khẩu trong tháng 12/2008 đã sụt giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2007, mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Trong cả năm 2008, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 17,2%. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo, năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm 6%.

Các chuyên gia của ngân hàng UBS tại Bắc Kinh cho rằng, sẽ có khoảng 10 triệu người Trung Quốc bị mất việc làm trong các ngành xuất khẩu và 5 triệu người mất việc trong lĩnh vực xây dựng. Chính phủ Trung Quốc dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị nước này (không tính lao động nhập cư) có thể lên tới 4,6% trong năm 2009, cao nhất trong 30 năm qua.

Sự đi xuống của thị trường địa ốc càng làm khó thêm cho kinh tế Trung Quốc. Giá nhà đất tại 70 thành phố của nước này đã lần đầu được ghi nhận là sụt giảm trong tháng 12 vừa qua. Hoạt động xây dựng ở Trung Quốc dự báo sẽ sụt giảm 30% trong năm nay.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây khẳng định, Chính phủ nước này phải hành động khẩn cấp trong quý 1 năm nay để vực dậy tăng trưởng và duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh thị trường việc làm quá u ám hiện nay. Nhiều khả năng, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm lãi suất đồng cơ bản Nhân dân tệ và hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Từ tháng 9/2008 tới nay, Trung Quốc đã liên tục hạ lãi suất cơ bản, với tổng mức cắt giảm 2,16%, còn 5,31%, đồng thời tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD.

Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu linh kiện và nguyên vật liệu thô lớn của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, sự đi xuống của nền kinh tế nước này cũng gây tác động nghiêm trọng tới các nền kinh tế khác, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong tháng 12 vừa qua, xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc đã giảm 44%, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm 30%, xuất khẩu của Australia sang nước này giảm 25%... Kinh tế Singapore trong quý 4 vừa qua đã sụt giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước, một mức sụt giảm kỷ lục.

Sốc với con số tăng trưởng của Hàn Quốc

Một nền kinh tế lớn nữa của châu Á là Hàn Quốc hôm nay công bố, trong quý 4/2008, GDP tăng trưởng âm 5,6%, đánh dấu quý tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn một thập kỷ, sau khi đã tăng trưởng âm 0,5% trong quý 3. Năm 2008, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,5%, thấp nhất từ năm 1998.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng cho biết, họ có thể hạ mức dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống mức 2% cho năm 2009 này.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, con số tăng trưởng GDP quý 4/2008 do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố ngày hôm nay là con số gây sốc.

Giống như kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, kinh tế Hàn Quốc đang chịu sự tàn phá mạnh mẽ của sự sụt giảm xuất khẩu - lĩnh vực với những sản phẩm chính như xe hơi, hàng điện tử, tàu biển, chất bán dẫn… và đóng góp khoảng 50% GDP của nước này. Xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc trong quý 4 giảm 11,9% so với quý 3, đánh dấu quý giảm mạnh nhất từ năm 1979 tới nay.

Các hãng xe hơi của Hàn Quốc như Hyundai và Kia đã phải cắt giảm nhiều việc làm theo giờ, hãng GM và Renault Samsung Motors đã ngừng hoạt động các nhà máy trong tháng 12 vừa qua. Hãng sản xuất chip lớn nhất châu Á Samsung mới đây đã tiến hành chiến dịch cải tổ lớn nhất trong một thập kỷ, kết hợp 4 bộ phận thành 2 bộ phận và giảm số lượng nhà quản lý.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Hàn Quốc đã tăng cường thanh khoản, cắt giảm thuế và kích thích chi tiêu với số tiền lên tới 140.000 tỷ Won, tương đương 15% GDP. Tổng thống nước này Lee Myung Bak đang chịu áp lực phải mở rộng thêm kế hoạch kích thích chi tiêu trị giá 51.000 tỷ Won (37 tỷ USD).

Nhiều khả năng, tháng này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ phải cắt giảm thêm lãi suất đồng Won từ mức thấp kỷ lục 2,5% hiện nay và đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất thứ 6 kể từ tháng 10/2008.

Cách đây ít ngày, ông Lee Myung Bak đã phải thay thế một loạt 4 quan chức kinh tế hàng đầu trong nội các của ông, trong đó ông Kang Man Soo ở ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bị thay thế bởi ông Yoon Jeung Hyun.

(Theo Bloomberg)