Phát huy nội lực và động lực tăng trưởng mới để bứt tốc tăng trưởng năm 2024
Hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đều có một biến số chung và mang tính quyết định tới kết quả tăng trưởng, đó là bối cảnh quốc tế...
Năm 2024 là năm áp chót của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2025, nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm nay thì mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Theo các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hướng vào 2 kịch bản. Kịch bản 1 là tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, tức dưới 6% và Kịch bản 2 là tăng trưởng đạt kỳ vọng, tức trên 6% đến 6,5%.
Hai kịch bản tăng trưởng này đều có một biến số chung và mang tính quyết định tới kết quả tăng trưởng, đó là bối cảnh quốc tế, bao gồm triển vọng “hạ cánh mềm” của các thị trường lớn như Mỹ, EU, tăng trưởng ở Trung Quốc và đặc biệt là diễn biến của các cuộc xung đột vũ trang Hamas – Israel và Nga – Ukraine.
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% năm sau sẽ rất thách thức.
“Triển vọng về nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện, còn tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa. Việt Nam cần tiếp tục gia hạn thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Coppola nhận định.
Nền kinh tế năm 2024 được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc nhờ nền tảng từ năm 2023 cũng như các chính sách và giải pháp từ Chính phủ, bộ ngành đối với các thị trường tài chính, ngân hàng, trái phiếu, bất động sản. Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục là động lực dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực của xã hội. Đầu tư FDI cũng tăng trưởng khả quan. Trong khi đó, ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa là điểm sáng và tiếp tục đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Ngành nông nghiệp vẫn trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu và tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế…
Nhìn chung, triển vọng 2024 có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, kết quả đạt được phần nhiều lại phụ thuộc vào năng lực của nền kinh tế cũng như tính tuân thủ và đáp ứng các quy định mới của thị trường nhập khẩu đối với sản phẩm, hàng hóa của các ngành và doanh nghiệp từ Việt Nam.