Phát triển giáo dục - đào tạo bám sát nguyên tắc chấp nhận khác biệt
Phát biểu tại cuộc gặp mặt với đại diện các nhà giáo tiêu biểu ngày 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo…
Thủ tướng nhấn mạnh: "Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định".
Theo Thủ tướng, chúng ta đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ xã hội chủ nghĩa: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật cạnh tranh, quan hệ cung cầu, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì lấy nội lực (trong đó có yếu tố con người) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Xuyên suốt của 3 trụ cột này là yếu tố con người. Muốn phát huy yếu tố con người thì phải dựa vào giáo dục và đào tạo. "Yếu tố con người càng quan trọng bao nhiêu thì sự nghiệp giáo dục và đào tạo càng quan trọng bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta xem giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói.
TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC, TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ TÀI SẢN QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC
Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý rằng qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, của mỗi con người Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và quan tâm đến giáo dục. Người từng nói: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…"; "…Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà…".
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay.
Nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, thì ngày nay, Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là một trong hai quốc gia (Việt Nam và Trung Quốc) có sự phát triển thực sự ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục và đào tạo, toàn thể đội ngũ nhà giáo đã có nhiều cố gắng vượt bậc để việc dạy và học không bị ngắt quãng, "dừng đến trường, không dừng việc học".
Thủ tướng bày tỏ xúc động khi đọc và lắng nghe về thành tích, sự tâm huyết, cống hiến, lòng yêu nghề, những nỗ lực, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của 60 thầy cô giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt hôm nay.
Có nhiều người không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học, công bố nhiều bài báo khoa học và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì cộng đồng như cô giáo Phạm Thị Tâm, GS.TS. Nhà giáo Nguyễn Minh Thủy, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sĩ Thủy, GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Vũ Quốc Huy…
"Có nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng, chấp nhận ở những nơi khó khăn, heo hút với cơ sở vật chất thiếu thốn để gùi con chữ lên vùng cao, mang kiến thức đến với đồng bào như vợ chồng nhà giáo Mai Đức Tiệp và Vi Thị Dinh, cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ…", Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.
PHÁT HUY CAO NHẤT TIỀM NĂNG, TRÍ TUỆ, PHẨM CHẤT CỦA MỖI HỌC SINH
Theo Thủ tướng, hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt; lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 đã được tổ chức thành công đã mang lại niềm vui trọn vẹn cho thầy và trò cả nước.
Tuy vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay; tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng mang lại cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo - những hạt nhân trong sự nghiệp "trồng người".
Trong bối cảnh đó, để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.
Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…
Phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Với những quan điểm đó, Thủ tướng cho rằng phải trả lời một số câu hỏi. Đó là phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh?
Phải làm gì để giáo dục - đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào? Ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao?
Giải pháp nào để tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất cho công tác dạy và học? Cơ chế, chính sách gì để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến?
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.
Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình.
Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...
Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế cùng các thầy cô giáo vận động tiêm vaccine cho các em học sinh để các em đến trường an toàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, như của 60 thầy cô có mặt hôm nay để lan toả những điều tốt đẹp, tạo sức mạnh tổng hợp, xung lực mới cho sự phát triển đất nước.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, với các thầy cô giáo trong "sự nghiệp trồng người".