10:31 24/02/2021

Phát triển logistics để tăng sức cạnh tranh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Xuân Thái

Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phát triển dịch vụ logistics là hướng đến chiến lược quan trọng để phát triển dịch vụ chủ lực của toàn vùng...

Đến nay cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logisticslogistics có kết nối liên vận quốc tế
Đến nay cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logisticslogistics có kết nối liên vận quốc tế

Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam được đánh giá qua chỉ số hiệu quả hoạt động logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mỗi hai năm một lần. Theo đó, năm 2018 Việt Nam tăng 25 bậc so với hai năm trước đó (thứ 39 năm 2018 so với 64 năm 2016) và trở thành quốc gia đứng thứ ba trong khối các quốc gia Đông Nam Á.

HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ HÀNG NÔNG THUỶ SẢN 

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đến nay cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics có kết nối liên vận quốc tế trong tổng số 29.694 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có liên quan đến hoạt động logistics (số liệu 2018) có quy mô nhỏ và vừa. Ngành logistics đóng góp 4 – 5% GDP (năm 2017). Tỷ lệ thuê ngoài (3PL, 4PL...) đạt tỷ lệ 60 – 70%. Chi phí logistics so với GDP khoảng 16 – 17% (so với 2010 khoảng 25% GDP) trong tổng quy mô thị trường khoảng 40 tỷ USD.

Quyết định số 200/QĐ-TTg (14/02/2017) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã xác định, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương; từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Với vai trò là vựa thóc và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 54% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu từ các sản phẩm gạo và thủy sản chế biến; theo đó hai mặt hàng này chiếm đến 75 – 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản cả nước.

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2020 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại học Fulbright thực hiện cho biết, giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 23% trong khi thủy sản và gạo đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương ứng là 12% và 18% và tổng kim ngạch xuất khẩu của ba nhóm mặt hàng này chiếm tỷ trọng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng. 

"Tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long tạo cơ hội và nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng của hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa", báo cáo nêu rõ.


Cần quy hoạch đồng bộ để phát triển logistics ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Vì vậy, theo các tác giả của báo cáo, đầu tư phát triển tốt cho logistics cũng góp phần giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long khắc phục được tình trạng thất thoát sau thu hoạch vốn lên đến 30% - 40% của nhiều mặt hàng nông sản. Phát triển dịch vụ logistics thật sự là hướng đến chiến lược quan trọng để phát triển dịch vụ chủ lực của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

QUY HOẠCH HẠ TẦNG LOGISTICS ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 

Với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tối ưu hóa dòng chuyển dịch hàng hóa, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị trong nuôi trồng, khai thác, chế biến các sản vật của vùng đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết và cấp bách.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có trên 20 triệu dân, chiếm 1/5 dân số cả nước, là vựa thóc, vựa trái cây và vựa thủy sản xuất khẩu cả nước... Toàn khu vực hiện chỉ có 50 km cao tốc Tp.HCM - Trung Lương nối thành phố Hồ Chí Minh qua Long An đến Tiền Giang. Tuyến cao tốc tiếp nối Trung Lương – Mỹ Thuận tuy chưa hoàn thành đưa vào khai thác nhưng dịp Tết Tân Sửu 2021, nhà đầu tư sẽ đưa vào khai thác tạm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển vận tải trong những ngày trước và sau Tết nhằm giảm áp lực kẹt xe lên tuyến QL1. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, 7 dự án cao tốc tại khu vực được Bộ Giao thông vận tải đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đầu tư, xây dựng.

Về hoạt động cảng, từ nhiều năm nay, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thực hiện kết nối dịch vụ logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia thông qua hệ thống tuyến vận tải sông Mêkông với hệ thống các cảng biển của TCSG tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu bằng việc triển khai mô hình vận tải container đường thủy.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn qua Công ty cổ phần vận tải thủy Tân Cảng đã phát triển thị trường cung cấp dịch vụ logistics vận tải đường thủy kết nối các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cảng biển của Tân Cảng Sài Gòn. Đến nay đã đầu tư khai thác bốn cảng có khả năng tiếp nhận container, gồm: cảng Tân Cảng Mỹ Tho (Tiền Giang), cảng Tân Cảng Sadec (Đồng Tháp), cảng Tân Cảng Cao Lãnh (Đồng Tháp), cảng Tân Cảng Thốt Nốt (Cần Thơ) và hai cảng liên kết hợp tác lâu dài là Tân Cảng - Mỹ Thới (An Giang), Tân Cảng - Trà Nóc (Cần Thơ) kết nối dịch vụ logistics vận tải container bằng sà lan với hệ thống cảng của Tân Cảng. Tân Cảng Sài Gòn cũng triển khai dịch vụ "taxi vận tải thủy" bằng sà lan kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu giữa đồng bằng sông Cửu Long với các cảng khu vực.

Ngoài một số kết quả đạt được về hạ tầng logistics thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thương mại nông thủy sản. Trong đó có những điểm hạn chế cốt yếu ảnh hưởng trực tiếp là công nghệ chuỗi lạnh (cold chain), tính thiếu liên kết trong kết nối hạ tầng. Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến nay có 123 nhà máy sản xuất và chế biến các mặt hàng lương thực - nông sản – thủy sản chủ lực. Song cả 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có kho lạnh đủ tiêu chuẩn, có công suất khoảng 50.000 tấn và 93.000 pallets, tập trung ở Long An, Cần Thơ và Hậu Giang. Theo các chuyên gia về logistics nhận định, đây là điểm yếu và cũng là điểm "nghẽn"cốt tử của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một điểm đáng lưu ý về ngành kho lạnh ở đây là có sự liên kết hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất chế biến nông thủy sản. Đó là Trung tâm Mekong logistics với công suất kho hàng 50.000 pallets hiện là trung tâm logistics kho hàng lạnh kết hợp giữa Tập đoàn Gemadept Logistics và Công ty thủy sản Minh Phú (Hậu Giang). Tuy nhiên, đây chỉ là số ít và không đáng kể so với năng lực rất lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, việc liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất, chế biến như mô hình Mekong Logistics được các chuyên gia đánh giá rất cao, là mô hình liên kết phát triển hướng đến bền vững.

Tại Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2020, các chuyên gia đã nêu khuyến nghị: "Yêu cầu phát triển hạ tầng kho lạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng cấp thiết để nâng cao khả năng ứng phó với mọi sự cố phát sinh nhằm bảo đảm có thể lưu trữ, bảo quản hàng nông thủy sản sau thu hoạch giúp giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng của hàng hóa cũng như chủ động trong sản xuất, xuất khẩu và phân phối tiêu dùng nội địa".

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Trong thập niên qua, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu (hạn mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường gia tăng...) đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng... là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà vùng đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ phải đối mặt.

Quan điểm nhìn nhận về đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào... nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn hai thập niên qua cho thấy không là như thế! Bên cạnh hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.