Phát triển xanh: Doanh nghiệp không thay đổi sẽ "chết"!
Tăng trưởng xanh và hướng doanh nghiệp phát triển xanh là hoàn toàn đúng hướng. Thậm chí nếu doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ “chết” và không còn có cơ hội để gia nhập vào thị trường thế giới...

Phát triển xanh không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn, phải đối diện với nhiều thử thách để phát triển bền vững.
CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ YÊU CẦU MANG TÍNH SỐNG CÒN
Là trung tâm phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, TP.HCM có một đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh và đông đảo nhất cả nước. Việc chuyển đổi xanh không chỉ mang tính sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nơi đây, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, trong đó có phát triển xanh và bền vững.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau có những nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất xanh hơn, bền vững hơn, TP.HCM đã trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM 2024” cho gần 100 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trong đó có cả nhóm doanh nghiệp FDI.
Trong số 98 doanh nghiệp được vinh danh, có 53 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản.
Chương trình Doanh nghiệp xanh TP.HCM được phát động lần đầu tiên năm 2023 nhằm tôn vinh, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài ra, chương trình cũng nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Nhận định về các doanh nghiệp tham gia chương trình này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đơn vị đồng tổ chức chương trình cho rằng các doanh nghiệp đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, cũng như đã triển khai những hành động thiết thực trong việc tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các sáng kiến xanh.
“Đây không chỉ là nỗ lực của mỗi doanh nghiệp mà còn là sự khẳng định quyết tâm chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững được xác định là chiến lược phát triển của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước”, ông Hòa khẳng định.
Tại sự kiện này, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan đã khẳng định rằng tăng trưởng xanh và hướng doanh nghiệp phát triển xanh là hoàn toàn đúng hướng, nếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ “chết” và không có cơ hội để gia nhập vào thị trường thế giới.
ĐẦU TƯ CHO MÔI TRƯỜNG LÀ ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 với định hướng phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm về môi trường và công bằng xã hội. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 95%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý trên 50% đối với đô thị loại II trở lên, và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Theo một báo cáo của Tài nguyên và Môi trường gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15 - 20% và năm 2045 đạt khoảng 25 - 30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, thì công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.

Phát biểu tại một diễn đàn về chủ đề kinh tế xanh và trách nhiệm của nhà sản xuất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã cho rằng nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường đang ngày một nâng cao. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này cũng thừa nhận sự thay đổi đó mới chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, còn khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự quan tâm đúng mức. “Làm sao để doanh nghiệp hiểu rằng ‘đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững’, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển xanh là chiến lược phát triển tương lai với mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Cùng với hàng loạt chương trình, sáng kiến phát triển xanh, những chính sách tích cực và thiết thực, TP.HCM đã, đang và tiếp tục khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi xanh, từng bước đưa TP.HCM trở thành một địa chỉ xanh đúng nghĩa.