11:19 04/12/2021

"Phép màu" giúp doanh nghiệp tái thiết và bứt phá trong bình thường xanh

Nhĩ Anh

Để chế ngự, chiến thắng được Covid-19, chỉ có một cách duy nhất là hành động phải nhanh hơn Covid-19. Và công nghệ có thể làm được điều này. Bằng công nghệ, các doanh nghiệp tái thiết mọi hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh để tăng tốc, bứt phá...

Chia sẻ kinh nghiệm để bứt phá trong bình thường xanh
Chia sẻ kinh nghiệm để bứt phá trong bình thường xanh

Chuyển đổi số chống Covid giúp cho các nhà chỉ huy ra được quyết định nhanh nhất nhờ có những dữ liệu chính xác và kịp thời. Chỉ có như vậy chúng ta mới đảm bảo được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh chống dịch. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2021 ngày 3/12/2021. Với chủ đề "Tái thiết toàn diện, bứt phá trong bình thường xanh", FPT Techday 2021 là nơi trình làng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại, hỗ trợ cho doanh nghiệp vận hành linh hoạt, ổn định, đảm bảo nguồn lực và tăng tốc kinh doanh.

TĂNG KHÁNG THỂ CHO DOANH NGHIỆP

Đại dịch đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước vấn đề sinh tử. Hàng hóa không tiêu thụ được, xuất khẩu không chuyển được ra cảng, chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động về quê và vốn cạn kiệt.

Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 11 và 11 tháng vẫn tiếp tục tăng. Theo số liệu thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dưới tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2021 là 106.441 doanh nghiệp, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu với con người, vaccine y tế giúp tăng sức đề kháng để chống lại virus corona, thì liệu có liều thuốc nào giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng chống lại đại dịch Covid-19 hay không?

 
Trong thời điểm Covid-19, công nghệ đang mang một sứ mạng mới, công nghệ vị nhân sinh. Bằng công nghệ, có thể chiến thắng Covid-19. Bằng công nghệ, các doanh nghiệp tái thiết mọi hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh để tăng tốc, bứt phá. Bằng công nghệ, người dân có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh...

Với mong muốn giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đối chọi với đại dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong bất cứ tình huống nào, sẵn sàng bứt phá vươn lên, FPT đã khởi xướng chương trình FPT eCovax- Vaccine số cho doanh nghiệp. FPT eCovax giúp doanh nghiệp tiến đến mô hình doanh nghiệp xanh an toàn, linh hoạt thông qua việc giải quyết những vấn đề cốt lõi như: kinh doanh không chạm- không gián đoạn, môi trường làm việc xanh toàn diện, chủ động thích ứng với mọi biến động…

"Chúng tôi muốn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn vận hành được. Có thể làm việc từ nhà, tại nhà máy nhưng trong mọi hoàn cảnh đều sản xuất an toàn và không bị gián đoạn”, ông Bình cho biết. Trong thời điểm Covid-19, chúng ta nhận ra rằng công nghệ đang mang một sứ mạng mới, công nghệ vị nhân sinh, vì cuộc sống của con người. Bằng công nghệ, chúng ta có thể chiến thắng Covid-19. Bằng công nghệ, các doanh nghiệp tái thiết mọi hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh để tăng tốc, bứt phá. Bằng công nghệ, người dân có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh. Bằng công nghệ Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế của thế giới, sẽ là một địa điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài và trở thành một quốc gia cường thịnh vào năm 2045.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp bứt phá vươn lên trong bình thường mới, FPT đã ra mắt bộ giải pháp công nghệ gồm 6 sản phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực, vận hành linh hoạt và tăng tốc kinh doanh và trong thời gian tới dự kiến sẽ tập trung và phát triển 4 nền tảng công nghệ lõi: Hyper Automation; AI; Cloud và Blockchain.

THÁCH THỨC LỚN NHẤT TRONG BÌNH THƯỜNG XANH LÀ CHUỖI CUNG ỨNG

Từ góc độ của chuyên gia tư vấn nước ngoài, ông Marcin Miller, Giám đốc Tư vấn McKinsey Việt Nam cho biết, Covid-19 đã hình thành nên bốn xu hướng mới. Theo đó, lực lượng lao động thay đổi, mọi người điều chỉnh kỹ năng vào công việc, tăng tốc trong hai năm qua. Rất nhiều công việc chịu ảnh hưởng trên thế giới, trong tương lai cần có những kỹ năng mới nhằm tăng thích ứng.

Cũng theo chuyên gia này, hành vi người dùng thay đổi rất nhiều, hình thức làm từ xa, thương mại điện tử, giao dịch số, tự động hóa, AI... được áp dụng rộng rãi. Thời gian tới, các xu hướng này sẽ tiếp tục như làm việc từ xa, họp ảo, mọi người sẽ di chuyển ít hơn. Các giao dịch số, thương mại điện tử ngày một phổ biến. AI, tự động hóa áp dụng thường xuyên nhằm cải thiện vận hành.

“Chúng ta đang sống trong thế giới khác, cần học hỏi nhanh, thích ứng nhanh hơn, những công ty làm được điều này sẽ nhanh chóng thành công trong tương lai mới", chuyên gia McKinsey khuyến nghị.

 
Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng còn nhiều điểm yếu, cần phải tận dụng nhiều hơn công nghệ số và dự báo tốt hơn. Đây là điểm cần phải tập trung giải quyết để đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt và chịu đựng tốt hơn.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam nhấn mạnh vai trò chuyển đổi số giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và vượt qua các thách thức của đại dịch.

Chuyên gia này cho rằng, rủi ro, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong bình thường xanh đó là rủi ro về chuỗi cung ứng.

Một nghiên cứu toàn cầu của KPMG cho thấy, khi Covid-19, rủi ro đầu tiên là về cung ứng, tiếp theo là về giá, đặc biệt ở Việt Nam. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều công ty tập trung vào một hoặc một vài đối tác duy nhất để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Bởi vậy, trong tương lai các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng. Có thể các công ty tập trung vào áp dụng cách tiếp cận khác để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang nhà cung ứng khác khi có khủng hoảng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể thích nghi với điều kiện mới. Đồng thời phải có khả năng chống chịu tốt hơn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Theo KPMG Việt Nam, có 3 yếu tố các doanh nghiệp cần quan tâm để thích ứng linh hoạt.

Một là đa dạng hóa các đối tác cung cấp, cần có thêm nhiều nhà cung cấp, đa dạng hóa tập khách hàng, đa dạng hóa công tác xuất nhập khẩu.

Hai là cần chuyển đổi số, xem xét các công nghệ phù hợp. Các doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ bị tụt lại phía sau.

Ba là quản trị rủi ro một cách hiệu quả hơn để chủ động ứng phó, dự báo trước các rủi ro.

Cùng quan điểm này, ông André Heskamp, Giám đốc Khối kỹ thuật số và vận hành công nghệ thông tin khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Schaeffler nhìn nhận, Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng còn nhiều điểm yếu, cần phải tận dụng nhiều hơn công nghệ số và dự báo tốt hơn. Đây là điểm cần phải tập trung giải quyết để đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt và chịu đựng tốt hơn.

Đại diện Schaeffler cho biết, trong giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp đã chuyển đổi số rất nhiều để nắm bắt các cơ hội. Doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng để đáp ứng nhu cầu và dự báo trước các nhu cầu, thay đổi của thị trường. Ngoài ra, theo ông André Heskamp, doanh nghiệp cần phải chuyển từ việc thụ động sang chủ động quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo con người thay đổi theo tình hình mới, xây dựng năng lực cho nhân viên.