10:10 22/01/2013

Phí chung cư: Có thể tăng giảm theo CPI?

Trang Anh

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất 3 phương án giá dịch vụ nhà chung cư, trong đó có phương án điều chỉnh giá theo CPI

Những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các tòa nhà&nbsp; về phí dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.<br>
Những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các tòa nhà&nbsp; về phí dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.<br>
Câu chuyện về giá dịch vụ tại các chung cư tưởng chừng rất đơn giản, song lại làm không ít chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý đau đầu vì những tranh chấp dường như chưa có hồi kết.

Đơn giản là bởi, so với giá trị căn hộ từ 2 -3 tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, nên chuyện một hộ dân phải đóng trên dưới 1 triệu đồng tiền phí dịch vụ, bảo vệ, bảo trì hàng tháng, nhiều người vẫn nghĩ, là chuyện trong tầm tay của họ.

Nhưng phức tạp lại ở chỗ, dù về sinh sống hàng chục năm, song phần lớn tại các tòa nhà, chủ đầu tư và cư dân hiện vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này, vì lợi ích của mỗi bên.

Tại hội thảo “Quản lý giá dịch vụ nhà chung cư” do Sở Xây dựng Hà Nội và Savills Vietnam tổ chức chiều 21/1, nhiều  ý kiến cho rằng, vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa người sử dụng nhà và các chủ đầu tư diễn ra phổ biến, chưa có chiều hướng giảm. Ngay cả khi có các quy định của Thành phố và Bộ Xây dựng thì nhiều chủ đầu tư vẫn chưa công khai, minh bạch trong việc quản lý giá dịch vụ nhà chung cư.

Việc xác định diện tích sở hữu chung, riêng bao gồm diện tích để xe, diện tích phục vụ sinh hoạt cộng đồng…vẫn xảy ra tại nhiều tòa nhà, trong đó, nguyên nhân được xác định là do mô hình quản lý chung cư chưa rõ, chồng chéo giữa trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư, người sử dụng và ban quản trị.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) cho hay, chuyện phí dịch vụ nhà chung cư là vấn đề nhiều doanh nghiệp đau đầu nhất. Trong khi một số tòa nhà, ban quản lý vẫn lấy từ 6.000 - 18.000 đồng/m2/tháng, thì HUD chỉ dám thu 1.500 đồng/m2. Thế nhưng tại một số tòa nhà như Mỹ Đình, Văn Quán, Linh Đàm, người dân vẫn chê đắt.

Theo ông Bách, nguyên nhân được xác định là do chủ đầu tư và các hộ dân vẫn không thể thỏa thuận được với nhau về phí quản lý. Không những thế, các chung cư càng cao cấp, càng dễ thu phí và có lãi, trong khi những dự án, tòa nhà hạng trung lại thường xảy ra tranh chấp.

Thế nên, đại diện của HUD cho rằng, dù Thành phố ban hành khung giá, thì việc việc áp giá trần dịch vụ nhà chung cư là điều không đơn giản khi mỗi tòa có một chất lượng khác nhau, không thể đánh đồng mức phí như nhau được.

Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty GP – Invest - chủ đầu tư tòa nhà 175 Đê La Thành, thành phố không nên quy định mức giá trần dịch vụ nhà chung cư, vì hiện nay cơ quan quản lý chưa phân loại chung cư hạng A, B, C hay D.

“Chúng tôi thu phí 6.000 đồng mỗi m2 và dự kiến sắp tới sẽ giảm xuống còn 5.000 đồng. Tòa nhà có camera, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhưng không biết có thuộc diện cao cấp không”, ông Hiệp nói.

Đại diện Khu đô thị Nam Thăng Long (khu Ciputra) cho hay, khu đô thị này có khối lượng công việc đồ sộ với hệ thống vận hành thang máy, máy phát điện và 500 bảo vệ, nên không thể áp theo giá trần của thành phố. Còn nếu tính 4.000 đồng/m2, chủ đầu tư chỉ vệ sinh một tuần một lần, thay vì hằng ngày và giảm nhân viên bảo vệ của tòa nhà.

“Nếu tính đúng tính đủ, mức phí bảo trì tại khu này phải lên tới 12.500 đồng/m2, nhưng để chiều lòng khách hàng, chủ đầu tư chỉ thu 7.000-8.000 đồng/ m2, biệt thự khoảng 4.000 - 5.000 đồng/m2/tháng”, đại diện Ciputra nói.

Ở góc độ của nhà tư vấn, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Hà Nội cho hay, tháo gỡ mâu thuẫn phí dịch vụ chung cư cần khẩn cấp như gỡ khó khăn cho bất động sản. Nếu cuộc sống ở chung cư phức tạp, người dân sẽ không ai muốn ở, bởi vậy, theo ông Trung, không nên đặt ra giá trần cụ thể, chất lượng tòa nhà sẽ do thị trường quyết định.

Đại diện Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc quy định giá dịch vụ nhà chung cư vẫn phải tiếp tục. Nếu chính quyền “buông tay”, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi chủ đầu tư thường tự ý áp đặt mức phí.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất 3 phương án xây dựng và ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, phương án 1, công bố khung giá dịch vụ chung cư kèm thông tin tham khảo. Phương án 2, không quy định giá dịch vụ nhà chung cư. Phương án 3, điều chỉnh giá theo giá tại thời điểm hiện tại (tăng giảm theo CPI).

“Khung giá là mức quy định để chung cư hoạt động bình thường, chủ đầu tư có quyền thu cao hơn quy định miễn sao được hơn 50% người dân ủng hộ. Bởi vậy, giá trần không hề bị khống chế, mấu chốt vấn đề là doanh nghiệp phải công khai minh bạch mức giá”, ông Đỗ Thái Lưu, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm.