07:30 07/10/2008

Phiên giao dịch hoảng loạn ở châu Âu

Duy Cường

Ngày 6/10, chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh, trong đó đáng chú ý nhất là phiên giao dịch đầy hoảng loạn ở châu Âu

Chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong 4 năm xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm - Ảnh: Reuters.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong 4 năm xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm - Ảnh: Reuters.
Ngày 6/10, chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh, trong đó đáng chú ý nhất là phiên giao dịch đầy hoảng loạn ở châu Âu.

Chứng khoán châu Âu: Thấp nhất trong 4 năm

Tin mới nhất từ châu Âu cho hay, Ngân hàng BNP Paribas của Pháp sẽ mua 75% cổ phần bộ phận ngân hàng của Fortis tại Bỉ với giá 8,25 tỷ USD, đồng thời mua lại toàn bộ hoạt động bảo hiểm của Fortis tại nước này. Ngoài ra, BNP Paribas cũng sẽ mua lại 66% cổ phần của bộ phận ngân hàng của Fortis tại Luxembourg.

Trong khi đó, Chính phủ Đức và các tổ chức tài chính của nước này đã đạt thỏa thuận về một gói giải cứu trị giá 50 tỷ Euro (68 tỷ USD) dành cho ngân hàng cho vay địa ốc hàng đầu ở Đức là Hypo Real Estate Holding.

Trước những biến động khó lường của khối tài chính châu Âu và cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, chứng khoán châu Âu đã có ngày sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2001 và xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Các chỉ số chính trong khu vực đã giảm mạnh ngay khi thị trường mở cửa và duy trì đà giảm điểm đến hết ngày giao dịch với biên độ giảm từ 7% đến 9%.

Những lo lắng về số phận của nhiều ngân hàng châu Âu vẫn chưa có hồi kết khiến các nhà đầu tư ồ ạt tung lệnh bán cổ phiếu ra, đặc biệt là cổ phiếu khối tài chính, nên đã đẩy thị trường vào hoảng loạn.

Cổ phiếu khối ngân hàng, các công ty dầu khí, khai mỏ sụt giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu Royal Bank of Scotland mất 20%, cổ phiếu Ngân hàng Barclays sụt giảm 13,8%, cổ phiếu UBS mất 12,4%...

Cổ phiếu BP, Total và Royal Dutch Shell giảm từ 7,7% - 8,9%..., cổ phiếu BHP Billiton giảm 8,3%, cổ phiếu Anglo American, Rio Tinto, Vedanta Resources, Xstrata cũng giảm từ 8,16% đến 18%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 391,06 điểm, tương đương -7,85%, đóng cửa ở mức 4.589,19, khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,87 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 7,07%, khối lượng giao dịch đạt 91 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp sụt giảm 9,04%, khối lượng giao dịch đạt 303 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones xuống dưới 10.000 điểm

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 6/10 đã bất ngờ giảm 6,07 USD/thùng, tương đương -6,5%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 87,81 USD/thùng.

Ngày 6/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá khoản vay trị giá lên đến 900 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại để tạo tính thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng.

Theo đó, trước mắt FED sẽ tổ chức các cuộc đấu giá các khoản vay có thời hạn 28 ngày và 84 ngày với tổng số tiền cho vay là 300 tỷ. Được biết, lãi suất cho vay liên ngân hàng áp dụng cho đồng USD đã tăng mạnh trong ngày, trong đó, lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng đã tăng lên 4,29%/năm (lãi suất cơ bản ở Mỹ hiện là 2%/năm).

Cùng ngày FED đã đưa ra quyết định đồng ý cho Mitsubishi UFJ Financial Group mua lại 24,9% cổ phẩn có quyền biểu quyết của Ngân hàng Morgan Stanley. Trước đó, Mitsubishi UFJ Financial Group đã đạt được thỏa thuận mua lại 21% cổ phần của Morgan Stanley với giá 9 tỷ USD.

Liên quan đến ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, Bank of America vừa công bố kết quả kinh doanh trong quý 3/2008, theo đó lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 1,18 tỷ USD, tương đương 15 cent/cổ phiếu từ 3,7 tỷ USD (82 cent/cổ phiếu) một năm trước, như vậy so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của ngân hàng này đã giảm tới 68%.

Bank of America cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận của hãng giảm là vì chi phí đầu vào tăng cao do họ đã mua lại nhà cho vay thế chấp lớn nhất ở Mỹ là Countrywide và ngân hàng LaSalle Bank.

Hôm thứ Hai, chứng khoán Mỹ đã tiếp tục giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp và đưa chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong 4 năm xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm.

Ngay từ đầu giờ giao dịch, các chỉ số đã giảm mạnh so với phiên trước đó, đến lúc thị trường châu Âu đóng cửa ngày giao dịch (11 giờ - Washington), các chỉ số đã giảm 5-6% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Đến 14 giờ chiều, cả ba chỉ số chính đã đồng loạt giảm gần 7%, nhưng sau đó thị trường đã nhích nhẹ trở lại và đóng cửa ngày giao dịch với biên độ giảm khoảng 4% so với phiên cuối tuần trước.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số Dow Jones đã mất tới 25%, chỉ số S&P giảm 28% và chỉ số Nasdaq trượt 29,8%.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu không chỉ diễn ra ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Nhật,... mà cũng diễn ra ở nhiều thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nga, Brazil...

Các cổ phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh nhất là cổ phiếu các hãng tài chính khiến cổ phiếu khối này sụt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Bank of America mất 6,6%, cổ phiếu Wachovia giảm 6,9%, Citigroup trượt 5,1%, Wells Fargo hạ 2,7%...

Tại sàn giao dịch chứng khoán New York, khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,95 tỷ cổ phiếu, thị trường có 15 mã giảm điểm thì có 1 mã lên điểm. Ở sàn giao dịch Nasdaq, khối lượng giao dịch phiên này đạt 3,45 tỷ cổ phiếu, thị trường có 6 mã mất điểm thì có 1 mã tăng điểm.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 369,88 điểm, tương đương -3,58%, đóng cửa ở mức 9.955,5.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 84,43 điểm, tương đương -4,34%, chốt ở mức 1.862,96.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 42,34 điểm, tương đương -3,85%, đóng cửa ở mức 1.056,89.

Chứng khoán châu Á: Nikkei 225 thấp nhất trong 4 năm

Nhiều tín hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đang lan rộng mà châu Âu là một điểm đến đầu tiên. Nhiều ngân hàng ở châu Âu đã bị quốc hữu hóa hoặc bị thâu tóm... bởi các chính phủ các nước ở châu Âu hoặc các tập đoàn tài chính lớn khác.

Với những diễn biến tồi tệ ở Mỹ và sóng gió đang khiến châu Âu gặp khó, các nhà đầu tư ở châu Á gần như đang hoang mang bởi làn sóng phá sản, sáp nhập của nhiều ngân hàng ở Mỹ, châu Âu vẫn tiếp tục xảy ra.

Theo nhận định của giới phân tích, có thể trong thời gian tới, tác động của khủng hoảng ở Mỹ sẽ khiến cho khối tài chính châu Á lao đao và không loại trừ khả năng phá sản hoặc phải sáp nhập sẽ xảy ra đối với không ít ngân hàng ở châu Á.

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Hai đã mất điểm trên diện rộng với biên độ giảm trên 4%. Sắc đỏ phủ khắp thị trường khi nhà đầu tư liên tiếp đặt lệnh bán vì lo ngại loạt tin tức về khủng hoảng tài chính sẽ tiếp tục diễn ra.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch đầu tuần đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004. Ngay từ lúc thị trường mở cửa, chỉ số Nikkei 225 bắt đầu giảm điểm nhưng đến đầu giờ chiều, chỉ số này đã bất ngờ sụt giảm mạnh sau khi nhận được những thông tin bất lợi đến từ khối tài chính châu Âu.

Các nhà đầu tư trên thị trường Nhật liên tục bán mạnh các danh mục cổ phiếu khối tài chính đẩy khối này sụt giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu của ngân hàng số một nước này, Mitsubishi UFJ Financial Group mất 9,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2003; cổ phiếu Mizuho Financial Group mất 7,8%; Sumitomo Mitsui Financial Group trượt 3,4%...

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn cũng giảm mạnh do đồng Yên lên 2% so với USD, trong đó, cổ phiếu Tokyo Electron mất 9,1%, cổ phiếu của Canon giảm 4,2%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 465,05 điểm, tương đương -4,25%, đóng cửa ở mức 10.473,09, khối lượng giao dịch đạt 2,6 tỷ cổ phiếu, thị trường có 17 cổ phiêu mất điểm thì có một cổ phiếu lên điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số chỉ số KOSPI của Hàn Quốc trượt 4,29%. Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất 4,12%. Chỉ số Straits Times của singapore giảm 5,47%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt giảm 4,97%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 5,23%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 10.325,40 9.955,50 Down 369,88 Down 3,58
Nasdaq 1.947,39 1.862,96 Down   84,43 Down 4,34
S&P 500 1.099,23 1.056,89 Down   42,34 Down 3,85
Anh FTSE 100 4.980,25 4.617,24  Down 363,01 Down 7,29
Đức DAX 5.797,03 5.368,91  Down 428,12 Down 7,39
Pháp CAC 40 4.080,75 3.748,59 Down 332,16 Down 8,14
Đài Loan Taiwan Weighted 5.742,23 5.505,70 Down 236,53 Down 4,12
Nhật Nikkei 225 10.938,14 10.473,09 Down 465,05 Down 4,25
Hồng Kông Hang Seng 17.682,40 16.803,76 Down 878,64 Down 4,97
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.419,65 1.358,75 Down   60,90 Down 4,29
Singapore Straits Times 2.297,12 2.171,38 Down 125,74 Down 5,47
Trung Quốc Shanghai Composite 2.293,78 2.173,74 Down 120,05 Down 5,23
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg