Phó thủ tướng cảnh báo tình trạng mất an toàn thông tin
Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện
"Việt Nam thuộc top đầu mất an toàn an ninh thông tin, tôi xin cảnh báo điều này", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ngày 18/4.
Thay mặt Thủ tướng tham dự cả hai buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Phó thủ tướng được mời phát biểu ít phút vào cuối ngày.
Liên quan đến vấn đề an toàn thông tin - nội dung chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Phó thủ tướng nói: chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, một mặt phải khuyến khích phát triển nhưng một mặt phải có giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin. Đây là vấn đề lớn của cả thế giới.
Con số được Phó thủ tướng nêu sau đó là năm 2015 thiệt hại về an toàn thông tin trên thế giới, ước tính gần 500 tỷ USD và tăng rất nhanh. Trong khi thị trường phần mềm thế giới năm 2015 chỉ 930 tỷ USD.
Và người ta tính toán năm 2015, có 8,19 tỷ lượt tấn công bằng phần mềm. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là Việt Nam thuộc top đầu bị bất an toàn an ninh thông tin. Tôi xin cảnh báo điều này - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể hơn về vị trí "top đầu", Phó thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua hình thức trực tuyến. Tỷ lệ thư rác trong những năm gần đây luôn luôn đứng trong top 3 về tổng số lượng, nhưng chia cho đầu người thì đứng thứ nhất.
Nhóm 3 nước là Mỹ, Trung Quốc, có năm Ấn Độ vào, nhưng Việt Nam luôn đứng top 3, chia theo đầu người, chúng ta dân số ít nên đứng số 1.
Theo Phó thủ tướng, để giải quyết việc này cần rất nhiều các giải pháp, từ khung pháp chế, công nghệ. Nhưng đặc biệt quan trọng là ý thức của người sử dụng, cái này chúng ta kém nhất.
"Chúng ta có thể nghĩ đến dự án đầu tư rất lớn, luật pháp, cơ quan, cơ chế, lực lượng để bảo vệ giống như xây một ngôi nhà nhưng nhiều khi, tường, cửa chính làm thép rất dày, cửa sổ lại để trống. Có chuyên gia còn nói đùa là, bỏ tiền ra xây các các nhà kín, bọc thép hết nhưng chìa khóa lại treo ngay trước cửa" - Phó thủ tướng phân tích.
Ông nhấn mạnh, việc mất an toàn an ninh mạng vô cùng nguy hiểm. Vì trong thế giới ngày nay các nhà máy, công trình đều kết nối mạng và khi mất an toàn an ninh thì không chỉ lộ thông tin, mà quan trọng hơn "nó" còn nắm quyền hệ thống, đánh sập hệ thống, gây khủng hoảng rất lớn về kinh tế, xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh.
Cho nên tới đây, để bảo đảm an toàn an ninh mạng phải làm mạnh mẽ hơn, không chỉ bằng việc tăng cường các giải pháp lớn mà quan trọng nhất là vai trò của hiệp hội làm về an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin, đặc biệt tuyên truyền đến từng người sử dụng.
Về nhóm vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ rất mong muốn làm sao để những người đúng là có công được hưởng chế độ, một mặt không để hiện tượng lợi dụng cái này để giả danh, giả mạo để hưởng chính sách, chế độ. Đây không chỉ vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề danh dự….
“Hiện nay, những đối tượng còn lại đều thường là những đối tượng rất khó khăn. Tôi đã trực tiếp xem xét một số hồ sơ, thậm chí từ 2 năm nay vẫn chưa giải quyết được. Trên tinh thần không để người có công mà không được công nhận, không được hưởng chế độ, chính sách thì chúng ta làm theo tinh thần, sau một thời công bố lên, nếu không có ý kiến nào khác thì chúng ta xử lý” - Phó thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề tìm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sỹ, Phó thủ tướng nhấn mạnh, chiến tranh đã qua nhiều năm, nhưng hiện còn trên 200 ngàn liệt sỹ chưa tìm kiếm được và trên 300 ngàn liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Đây là việc đòi hỏi nỗ lực với tình cảm rất cao của các cấp, ngành. Và chúng ta phải rất kiên trì. Chúng tôi mong, các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt. Bởi nguồn thông tin càng ngày càng ít đi, địa hình thay đổi rất nhiều.
“Ngay khi chúng ta đang ngồi đây, thì có rất nhiều anh em đang phải lăn lộn ở rừng núi, kể cả ở Lào, Campuchia, kể cả phối hợp với bên Thái Lan để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở biên giới. Rất vất vả” - ông phát biểu.
Với vấn đề sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp, không tìm được việc làm, theo Phó thủ tướng thì có rất nhiều giải pháp. Trong đó, có việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có nhiều nhà máy.
Đặc biệt, làm gì thì làm thì phải nâng cao chất lượng đào tạo, bằng cách phải theo thông lệ quốc tế là phải tự chủ, nói nôm na là phải xóa bỏ chủ quản - Phó thủ tướng phát biểu.