07:47 24/08/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng, cần tư duy và hành động đột phá

Vũ Khuê

Nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là thời điểm lịch sử Việt Nam phải chuyển đổi mô hình kinh tế từ khai thác tiêu thụ tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: "Chính phủ sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện chính sách thí điểm về chuyển đổi xanh trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: "Chính phủ sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện chính sách thí điểm về chuyển đổi xanh trong thời gian tới”.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, ngày 23/8/2023, tại Hà Nội.

SẼ LÀ HÀNG RÀO NẾU DOANH NGHIỆP CHẬM CHUYỂN ĐỔI

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn con số ước tính của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Mercator – CHLB Đức, nếu chúng ta không có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để giảm mức phát thải các-bon đi-ô-xít (CO2), thì chỉ còn có “5 năm 333 ngày” nữa (ngày 23/7/2029), nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngưỡng tăng được gọi là “điểm không thể quay lại” và là mức tăng nhiệt tối đa của mục tiêu chung mà Liên Hợp quốc đã xác định. Khi đó, tác động của biến đổi khí hậu sẽ rất khó lường.

Ông Phạm Tấn Công: "Xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành trào lưu, xu thế toàn cầu".
Ông Phạm Tấn Công: "Xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành trào lưu, xu thế toàn cầu".

Ước tính sẽ có hơn 1,7 tỷ người (1/5 dân số toàn cầu) sẽ phải đối mặt với nguy cơ đói, nghèo, đe doạ đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hệ sinh thái. Sự đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới những nguy cơ khủng hoảng, dịch bệnh và có thể là cả chiến tranh, xung đột vũ trang…

Trước các thách thức của biến đổi khí hậu, giờ đây xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành trào lưu, xu thế toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với hành tinh, nhân loại.

Với trách nhiệm quốc tế, Việt Nam cam kết không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Việt Nam đang khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh - bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, thực hành sản xuất kinh doanh xanh, sạch…

Lãnh đạo VCCI nhấn mạnh, trong thực hiện phát triển xanh, doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quyết định mức phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định, cảnh báo của các nhà khoa học đã hiện hữu, những thách thức đã gõ cửa từng ngôi nhà. Nếu thế giới tiếp tục như hiện nay, chúng ta sẽ không có đủ của cải, vật chất để nuôi loài người. Theo tính toán, chúng ta cần 3 trái đất như hiện nay mới đủ cơ sở vật chất cho loài người sinh sống.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm lịch sử chúng ta phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế từ khai thác tiêu thụ tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải.

Theo Phó Thủ tướng, trước đây, chúng ta mới chỉ hình dung kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp chỉ là chủ trương, quan điểm, tư duy cần hướng đến. Nhưng đến hôm nay, nó chính là những mô hình thực tế mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân coi đây là mô hình cần phải xác định rõ mục tiêu, nội hàm và phương thức để hành động.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen".

Trong tương lai, có thể là ngày mai, các sản phẩm quốc gia của Việt Nam khi xuất khẩu sẽ gặp rào cản, nếu chúng ta không coi kinh tế xanh là điều cần tận dụng để vượt qua thách thức. Và sẽ là thách thức, là hàng rào không thể qua được nếu chúng ta chuyển đổi chậm.

“Chuyển đổi xanh mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ và thách thức đan xen. Nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hoá, xã hội và môi trường. Sân chơi rộng lớn này mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới đi kèm theo”, Phó Thủ tướng đánh giá.

BAN HÀNH CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KINH TẾ XANH

Việc chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam có đạt được hay không? Theo Phó Thủ tướng đòi hỏi vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất chế tạo, để từ đó tạo ra một hệ sinh thái sản xuất nhiên liệu mới.

“Tôi rất muốn các doanh nghiệp phải tập trung và Chính phủ sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện chính sách thí điểm về chuyển đổi xanh trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng cam kết.

Nếu quá trình chuyển đổi chậm, chúng ta sẽ đối mặt với hàng rào kỹ thuật xanh giảm phát thải, tạo ra những thách thức lớn trên thị trường. Đây là những khó khăn lớn, đặc biệt trong điều kiện 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa. Điều này chúng ta phải nhìn nhận để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đồng thời có sự liên kết, hợp tác của các hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa trong và ngoài nước.

Quang cảnh diễn đàn“Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.
Quang cảnh diễn đàn“Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.

Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, muốn thành công cần phải tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn.

Với vai trò kiến tạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề xuất, cần ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là triển khai là Luật Bảo vệ môi trường, Luật về năng lượng tái tạo, mạnh mẽ hơn là cần có bộ luật về kinh tế tuần hoàn.

Để tạo lập môi trường thuận lợi nhất cần khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thị trường hàng hoá, thị trường trao đổi hạn ngạch tín chỉ phát thải carbon, nhất là cần phải tiếp tục định hướng để phát triển thêm nhiều ngành nghề mới.

Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, phát triển các trung tâm phát triển sản phẩm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, trên cuộc đua xanh này, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải coi đây là cơ hội thay bằng thách thức và phải theo mệnh lệnh thị trường, đạt mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh xanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh. Đây là vấn đề mới nên cần phải thí điểm.

Muốn đạt được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua, cần nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, phát triển hiện đại và thông minh các ứng dụng của cuộc CMCN lần thứ tư.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần quan tâm, làm tốt công tác an sinh, bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Điều này có ý nghĩa đối với phát triển bền vững và kinh doanh bao trùm.

“Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe có trách nhiệm với những khó khăn của doanh nghiệp", Phó Thủ tướng đề nghị, đồng thời cho biết sau diễn đàn sẽ có đề xuất gửi lên Chính phủ với những nội dung, ý tưởng, sáng kiến liên quan đến kiến tạo của Chính phủ trong thời gian tới.