07:30 02/12/2008

Phố Wall: Chỉ còn khái niệm... “rơi tự do”!

Duy Cường

Ngày 1/12, loạt tin xấu đẩy chứng khoán Mỹ mất trên 8% và trở thành ngày giảm điểm lớn thứ hai trong năm

Đây không còn đơn thuần là một phiên điều chỉnh giảm nữa bởi biên độ giảm của các chỉ số đã đi quá xa với sức chịu đựng của giới đầu tư cũng như đi quá xa với biên độ thường thấy ở Phố Wall - Ảnh: Reuters.
Đây không còn đơn thuần là một phiên điều chỉnh giảm nữa bởi biên độ giảm của các chỉ số đã đi quá xa với sức chịu đựng của giới đầu tư cũng như đi quá xa với biên độ thường thấy ở Phố Wall - Ảnh: Reuters.
Ngày 1/12, loạt tin xấu đẩy chứng khoán Mỹ mất trên 8% và trở thành ngày giảm điểm lớn thứ hai trong năm.

Hôm thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) thông báo, chỉ số ngành công nghiệp ở Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống 36,2 điểm, từ 38,9 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ năm 1982.

Như vậy, bức tranh kinh tế Mỹ đã dần dần lộ ra những mảng tối khi hàng loạt tin tức không mấy sáng sủa đã được công bố như doanh số bản lẻ suy giảm, số đơn đặt hàng lâu bền sụt giảm mạnh, sản xuất công nghiệp đi xuống... Và khi những khó khăn đó lộ diện thì tình trạng thất nghiệp cũng sẽ tiếp tục gia tăng, thu nhập của người dân cũng vì thế mà giảm theo.

Chỉ số S&P 500 giảm gần 9%

Liên quan đến Citigroup, Quỹ đầu tư về cơ sở hạ tầng của tập đoàn này cho biết vừa mua lại bộ phận kinh doanh đường cao tốc (Itinere) của tập đoàn xây dựng Tây Ban Nha - Sacyr Vallehermoso với giá 7,887 tỷ Euro (10,2 tỷ USD).

Liên quan đến ba nhà sản xuất ôtô lớn nhất ở Mỹ, các nhà sản xuất Ford, General Motors và Chrysler hiện đang nỗ lực tìm sự hậu thuẫn từ Chính phủ Liên bang nhằm ứng cứu ngành này thoát khỏi nguy cơ phá sản. Theo lịch trình, ba hãng này sẽ cùng trình lên Quốc hội Mỹ một kế hoạch hỗ trợ vào ngày 2/12 và kết quả sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Trong một động thái mới nhất tự ứng cứu mình, nhà sản xuất xe ôtô Ford đã cho biết về khả năng hãng sẽ bán hãng xe Volvo để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nhằm tránh một sự đổ vỡ có thể xảy ra.

Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm trong ngày giao dịch đầu tháng 12 sau khi có 5 ngày tăng điểm mạnh nhất trong 75 năm qua. Trước khi thị trường bắt đầu giao dịch (chỉ số tương lai của Dow Jones, S&P 500 đều thấp hơn 2% so với phiên trước đó), giới phân tích đã nhận định về một phiên điều chỉnh giảm sau khi thị trường đã tăng 17% trong 5 ngày trước đó.

Tuy nhiên, điều không ngờ đã đến khi loạt tin xấu bất ngờ ập tới khiến thị trường rúng động, không còn đơn thuần là một phiên điều chỉnh giảm nữa bởi biên độ giảm của các chỉ số đã đi quá xa với sức chịu đựng của giới đầu tư cũng như đi quá xa với biên độ thường thấy ở Phố Wall.

Trước tiên, tổ chứng nghiên cứu phi lợi nhuận “National Bureau of Economic Research - NBER” vừa công bố báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái ngay từ tháng 12/2007, kết thúc một thời kỳ 73 tháng tăng trưởng trước đó. NBER cũng đưa ra nhận định kinh tế Mỹ sẽ tồi tệ hơn trong năm 2008.

Cùng đó, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Chairman Ben đã thừa nhận, kinh tế Mỹ vẫn trong khốn khó trước nhiều khó khăn phải đương đầu.

Phố Wall: Chỉ còn khái niệm... “rơi tự do”! - Ảnh 1

Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chính ở Mỹ từ 30/10 đến ngày 1/12

Thị trường mở cửa ở mức thấp hơn phiên giao dịch trước hơn 2,5% và đà giảm liên tục được duy trì, biên độ giảm ngày một tăng khi Viện Quản lý Nguồn cung công bố về sự sụt giảm của chỉ số ngành sản xuất ở Mỹ.

Mặc dù thị trường đã giảm sâu nhưng những đợt điều chỉnh tăng trong ngày giao dịch trở nên yếu ớt trước nỗ lực bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư. Quan sát trên thị trường có thể nhận thấy, những đợt phục hồi của chỉ số Dow Jones chỉ dưới 50 điểm.

Bất ngờ đã đến khi vào lúc 14 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số chính đều nhanh chóng gia tăng tốc độ giảm điểm, một sự trượt dốc kéo chỉ số Dow Jones rơi từ 8.450 điểm xuống 8.150 điểm, còn chỉ số S&P 500 tụt từ gần 850 điểm xuống dưới ngưỡng 820 điểm.

Cổ phiếu bị bán tháo mạnh nhất và giảm điểm lớn nhất là khối tài chính khi chỉ số S&P Tài chính giảm tới 17%, trong đó Citigroup giảm 22,2% xuống 6,45 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Bank of America trượt 21%, Goldman Sachs trượt 16,75%, cổ phiếu Morgan Stanley mất 23,05%, JPMorgan Chase hạ 17,5%...

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 1/12: Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 679,95 điểm, tương đương -7,7%, đóng cửa ở mức 8.149,09.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 137,5 điểm, tương đương -8,95%, chốt ở mức 1.398,07.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 80,03 điểm, tương đương -8,93%, đóng cửa ở mức 816,21.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,64 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 1,99 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 mã xuống điểm thì có 1 mã lên điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm trên 5%

Ngày 1/12, cơ quan thống kê của Đức cho biết, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 10 đã giảm 1,6% so với tháng 9, mức giảm này cao hơn 1,1% so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Như vậy, doanh số bán lẻ ở Đức hiện đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Đức đã tăng trưởng âm 0,5% trong quý 3/2008 có nguyên nhân quan trọng từ doanh số bán lẻ ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Theo dự báo của giới phân tích, trong quý 4, rất có thể GDP của Đức tiếp tục tăng trưởng âm do bị tác động mạnh từ nhu cầu hàng hóa bị suy giảm mạnh trong nước cũng như hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chứng khoán châu Âu có ngày giao dịch đầu tháng 12 kém may mắn khi các chỉ số chính đều giảm trên 5%. Các cổ phiếu khối ngân hàng và cổ phiếu khối năng lượng đồng loạt giảm điểm với biên độ lớn.

Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng Standard Chartered mất 14%, cổ phiếu UBS trượt 12%, cổ phiếu Fortis hạ 11%; cổ phiếu khối năng lượng như BP, Royal Dutch Shell, BG Group giảm từ 5,8% đến 8,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 222,52 điểm, tương đương -5,19%, đóng cửa ở mức 4.065,49, khối lượng giao dịch đạt 1,7 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 5,88%, khối lượng giao dịch đạt 35 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 5,59%, khối lượng giao dịch đạt 137 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Nhật, Hàn cùng lo

Sau khi đồng loạt tăng điểm phiên cuối tuần cũng như có cả tuần tăng điểm mạnh, chứng khoán châu Á đã có những diễn biến trái chiều trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12/2008.

Liên quan đến Nhật, Đài truyền hình NHK của nước này vừa phát đi thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 2/12 để tìm ra biện pháp hỗ trợ các công ty ở nước này.

Cụ thể, BoJ sẽ bàn thảo về việc thiếp lập một chương trình cho vay đặc biệt lần đầu tiên trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, rất có thể, các ngân hàng thương mại sẽ được phép dùng các trái phiếu có mức tín nhiệm thấp hơn để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tiền mặt từ BoJ.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh một lượng kỷ lục doanh nghiệp Nhật bị phá sản trong năm nay do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cùng với sự suy giảm của nền kinh tế là thu nhập của người dân cũng đi xuống, theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Nhật, thu nhập của người dân nước này trong tháng 10 đã giảm 0,1% xuống 274.751 Yên (2.876 USD).

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm phiên đầu tuần do giới đầu tư lo ngại về nguy cơ thất nghiệp tăng cao ở Mỹ (dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần này), cũng như triển vọng ngành bán lẻ ở Mỹ không mấy sáng sủa trong mùa Giáng sinh năm 2008.

Bên cạnh đó, triển vọng về kết quả kinh doanh của Advantest Corp và Honda không như kỳ vọng cũng góp phần gia tăng những lo ngại với giới đầu tư, qua đó kéo thị trường đi xuống.

Một điểm đáng chú ý khác trong phiên này là khối lượng giao dịch đã sụt giảm mạnh so với những ngày trước đó do giới đầu tư vẫn có nhiều lo ngại - đặc biệt là chờ đợi diễn biến của thị trường chứng khoán Phố Wall phiên đầu tuần, trước khi có quyết định tham gia thị trường.

Trong phiên này, cổ phiếu của Honda mất 2,9%, cổ phiếu Toyota hạ 1,8%, cổ phiếu Suzuki sụt giảm 8,1%, cổ phiếu Advantest mất 3,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 115,05 điểm, tương đương -1,35%, chốt ở mức 8.397,22. Khối lượng giao dịch đạt 1,51 tỷ cổ phiếu – thấp hơn mức giao dịch trung bình trên ngày của tuần trước, thị trường cứ có 2 mã giảm điểm thì có 1 mã lên điểm.

Điểm qua thị trường Hàn Quốc, Bộ Kinh tế Tri thức nước này vừa cho biết, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 11 đã giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm tới 27,8%, sang Mỹ giảm 6,2%...

Giới phân tích dự báo, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm hoặc bước vào thời kỳ suy thoái, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2009.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI trong phiên này đã giảm 17,45 điểm, tương đương -1,62%, chốt ở mức 1.058,62.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,3%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 2,44%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 1,59%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 1,62%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,25%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.829,04 8.149,09  Down679,95 Down7,70
Nasdaq 1.535,57 1.398,07  Down137,50 Down8,95
S&P 500 896,24 816,21 Down  80,03 Down8,93
Anh FTSE 100 4.288,01 4.065,49  Down222,52 Down5,19
Đức DAX 4.669,44 4.394,79  Down274,65 Down5,88
Pháp CAC 40 3.262,68 3.080,43 Down182,25 Down5,59
Đài Loan Taiwan Weighted 4.460,49 4.518,43 Up  57,94 Up1,30
Nhật Nikkei 225 8.512,27 8.397,22 Down115,05 Down1,35
Hồng Kông Hang Seng 13.888,24
14.175,99 Up220,60 Up1,58
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.076,07 1.058,62 Down 17,45 Down1,62
Singapore Straits Times 1,711.80 1.704,79 Down 27,78 Down1,60
Trung Quốc Shanghai Composite 1.871,16 1.894,61 Up 23,46 Up1,25
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg