07:26 29/01/2010

Phố Wall lại giảm điểm mạnh

Duy Cường

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vì lo ngại về nợ công ở Hy Lạp và triển vọng không mấy sáng sủa của Motorola, Qualcomm

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trở lại sau phiên phục hồi trước đó - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trở lại sau phiên phục hồi trước đó - Ảnh: Reuters.
Ngày 28/1, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trước những lo ngại về nợ công ở Hy Lạp. Bên cạnh đó, triển vọng không mấy sáng sủa của Motorola, Qualcomm đã châm ngòi cho đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 23/1/2010 đã giảm 8.000, xuống 470.000 người, từ mức 478.000 trong tuần trước đó.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 12/2009 đã tăng 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2% của giới phân tích. Số hàng tồn kho trong tháng 12/2009 đã giảm 0,2%.

Trong ngày 28/1, bốn tập đoàn lớn trong chỉ số Dow Jones đã cùng công bố kết quả kinh doanh 3 tháng cuối năm 2009. Theo đó, AT&T thông báo lợi nhuận tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, lên 3,01 tỷ USD, tương đương 51 cent/cổ phiếu, từ mức 2,4 tỷ USD (41 cent/cổ phiếu). Doanh thu của hãng giảm gần 1% xuống 30,9 tỷ USD.

Trong khi đó, Procter & Gamble thông báo lợi nhuận sau thuế đạt 4,66 tỷ USD, tương đương 1,49 USD/cổ phiếu, từ mức 5 tỷ USD (1,58 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm trước. Doanh thu của hãng tăng 6,4% lên 21,03 tỷ USD.

Bên cạnh đó, 3M công bố lãi ròng 1,3 USD/cổ phiếu, từ mức 97 cent/cổ phiếu của cùng kỳ năm trước. Doanh thu của hãng đạt 6,1 tỷ USD, cao hơn so với mức 5,51 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của 3M đã vượt dự báo của giới phân tích.

Riêng Microsoft, sau giờ giao dịch chính thức, hãng đã công bố lãi 6,7 tỷ USD, tương đương 74 cent/cổ phiếu, tăng 60% so với mức 4,2 tỷ USD (47 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm trước. Doanh thu của hãng tăng 14% lên 19,02 tỷ USD. Kết quả kinh doanh của Microsoft đã vượt xa mong đợi của giới phân tích.

Nasdaq đổ dốc

Dow Jones và S&P 500 đã khởi đầu ngày giao dịch một cách thuận lợi khi tăng điểm, nhưng Nasdaq thì giảm điểm ngay từ khi mở cửa.

Qualcomm thông báo triển vọng không mấy sáng sủa và nhà phân tích khuyến nghị nên “nắm giữ” cổ phiếu này thay vì nên “mua”. Ngoài ra, Motorola báo lãi nhưng doanh thu thấp hơn kỳ vọng và triển vọng u ám. Sự trượt dốc hơn 10% giá trị của hai cổ phiếu này đã châm ngòi cho đợt bán tháo cổ phiếu khối công nghệ.

Bên cạnh các số liệu được công bố trong ngày không đám ứng kỳ vọng, thì nhà đầu tư cũng tăng mạnh bán cổ phiếu các ngành khác và đẩy thị trường quay trở lại tâm trạng bất an.

Giới phân tích nhận định rằng, thị trường đã trải qua những ngày tồi tệ sau khi Trung Quốc đưa ra một số biện pháp hạn chế cung tiền; Tổng thống Mỹ Obama công bố kế hoạch cải tổ hệ thống pháp lý ngân hàng và nay giới đầu tư lại tiếp tục quan ngại về hiện trạng nợ công của Hy Lạp.

Đà giảm điểm của các chỉ số diễn ra mạnh nhất từ 11h35-12h30, Nasdaq có lúc đã mất tới 2,45%, Dow Jones và S&P 500 có thời điểm giảm hơn 1,3%. Đến phiên buổi chiều, các chỉ số đã có diễn biến tích cực hơn khi biên độ giảm đã được thu hẹp bớt, nhờ thông tin ông Ben Bernanke chính thức được Thượng viện đồng ý giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nhiệm kỳ thứ hai.

Trong số 4 công ty trong chỉ số Dow Jones công bố kết quả kinh doanh trong ngày thì chỉ có cổ phiếu của Procter & Gamble tăng điểm (1,45%), còn lại cổ phiếu 3M, Microsoft, AT&T đều giảm điểm với biên độ lần lượt là 2,05%, 1,72% và 0,31%.

Phiên này, 24/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đã mất điểm, trong đó biên độ giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu HP (-3,44%), tiếp theo là American Express (-3,23%), Alcoa (-3,01%), Caterpillar (-2,94%).

Phố Wall lại giảm điểm mạnh - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 28/1: chỉ số Dow Jones giảm 115,7 điểm, tương đương -1,13%, chốt ở mức 10.120,46..

Chỉ số Nasdaq sụt giảm 42,41 điểm, tương đương -1,91%, chốt ở mức 2.179.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 12,97 điểm, tương ứng -1,18%, đóng cửa ở mức 1.084,53.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Sáu: Công bố số liệu lần đầu về tăng trưởng GDP quý 4/2009; công bố số liệu về chỉ số niềm tin người tiêu dùng; Chevron công bố kết quả kinh doanh.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm

Ngày 28/1, chứng khoán châu Á đã tăng điểm trở lại sau chuỗi 8 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết nền kinh tế Mỹ đang trong đà hồi phục.

Đây là một tín hiệu vui đối với giới đầu tư của thị trường chứng khoán khu vực, sau khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất tới 6,9% giá trị trong những phiên giảm điểm vừa qua. Các chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt ở Trung Quốc và việc Tổng thống Mỹ Obama đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống pháp lý ngân hàng chính là nguyên nhân đẩy thị trường chứng khoán khu vực nói riêng và chứng khoán thế giới nói chung giảm điểm.

Thực tế, biên độ tăng điểm ở nhiều thị trường phiên này vẫn ở mức khiêm tốn so với giá trị giảm những phiên trước đó, thậm chí chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc vẫn chưa vượt qua ngưỡng 3.000 điểm, nhưng một phiên tăng điểm như thế này cũng góp phần tạo nên tâm lý hứng khởi đối với thị trường.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này tăng 0,6% lên 118,83 điểm. Cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn tăng điểm là nguyên nhân giúp thị trường có được phiên khởi sắc.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã tăng điểm mạnh, nhờ thông tin loan báo về khả năng lợi nhuận của Honda và Sony sẽ khả quan. Nhiều cổ phiếu khối xuất khẩu đã bật tăng và kéo thị trường đi lên. Cổ phiếu của Sony tăng 4,9%, cổ phiếu Honda lên 3,3%, cổ phiếu Canon tiến thêm 1,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 162,21 điểm, tương đương 1,58%, chốt ở mức 10.414,29. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm qua kết quả giao dịch của các thị trường châu Á khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,78%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 1,88%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam mất 0,96%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 1,04%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,61%. Chỉ số ASX của Australia nhích 0,59%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 0,41%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones10.236,1610.120,46Down115,70Down1,13
Nasdaq2.221,412.179,00Down  42,41Down1,91
S&P 5001.097,501.084,53Down  12,97Down1,18
AnhFTSE 1005.217,475.145,74Down  71,73Down1,37
ĐứcDAX5.643,205.540,33Down102,87Down1,82
PhápCAC 404.012,914.012,91Down    1,06Down0,03
Đài LoanTaiwan Weighted7.560,037.694,58Up134,55Up1,78
Nhật BảnNikkei 22510.252,0810.414,29Up162,21Up1,58
Hồng KôngHang Seng20.025,7320.356,37Up323,30Up1,61
Hàn QuốcKOSPI Composite1.625,481.642,43Up  16,95Up1,04
SingaporeStraits Times2,721.69 2,757.16 Up  50,90Up1,88
Trung QuốcShanghai Composite2.986,612.994,14Up    7,54Up0,25
Ấn ĐộBSE16,352.4316.356,66 Up  66,84 Up0,41
AustraliaASX4.670,004.697,70Up  27,70Up0,59
Việt NamVN-Index486,41481,76Down   4,65Down0,96
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg