07:30 28/08/2008

Phố Wall lên điểm bất chấp giá dầu tăng

Duy Cường

Ngày 27/8, chứng khoán Mỹ đã tiếp tục tăng điểm bất chấp giá dầu đã tăng lên 118,15 USD/thùng

Bất chấp giá dầu tăng lên 118,15 USD/thùng, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm ngày thứ hai liên tiếp - Ảnh: Reuters.
Bất chấp giá dầu tăng lên 118,15 USD/thùng, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm ngày thứ hai liên tiếp - Ảnh: Reuters.
Ngày 27/8, chứng khoán Mỹ đã tiếp tục tăng điểm bất chấp giá dầu đã tăng lên 118,15 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Ngày thứ hai tăng điểm

Thông tin dự trữ dầu của Mỹ tuần trước giảm 177.000 thùng xuống 305,8 triệu thùng và lo ngại cơn bão Gustav sẽ tàn phá các mỏ dầu, khí của Mỹ tại Vịnh Mexico đã đẩy giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 27/8 tiếp tục tăng thêm 1,88 USD/thùng, tương đương 1,61%, lên mức 118,15 USD/thùng.

Hôm thứ Tư, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng Bảy đã tăng 1,3% do nhu cầu tăng mạnh trong tháng, đây là mức tăng ấn tượng và vượt trên mong đợi của giới phân tích.

Trong đó, số đơn đặt hàng liên quan đến phương tiện vận tải tăng 3,1%, đơn đặt hàng máy móc thiết bị cũng tăng đáng kể, trong khi nhu cầu máy tính và linh kiện đi kèm lại giảm xuống...

Một thông tin đáng chú ý trong ngày, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) công bố, số các ngân hàng của Mỹ có “vấn đề” đã tăng 30% trong quý 2 vừa qua, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, do ngày càng có nhiều khoản vay bất động sản quá hạn.

Theo FDIC, bản danh sách “đen” này tính đến ngày 30/6 vừa qua có đến 117 ngân hàng, so với mức 90 ngân hàng ở thời điểm cuối quý 1.

Được biết, từ đầu năm tới nay, đã có 9 ngân hàng thương mại ở Mỹ phá sản, trong đó, đáng kể nhất là vụ phá sản của ngân hàng IndyMac.

Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch hôm thứ Tư đã đồng loạt tăng điểm do đón nhận thông tin các đơn đặt hàng lâu bền trong tháng Bảy tăng ấn tượng và cổ phiếu khối tài chính, năng lượng cùng lên điểm.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng 89,64 điểm, tương đương 0,79%, đóng cửa ở mức 11.502,51.

Chỉ số Nasdaq phiên này tăng 20,49 điểm, tương ứng 0,87%, chốt ở mức 2.382,46.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 10,15 điểm, tương đương 0,8%, đóng cửa ở mức 1.281,66.

Chứng khoán châu Âu: Ấn tượng thị trường Anh

Hôm thứ Tư, Viện nghiên cứu kinh tế Isae của Italia vừa công bố chỉ số niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng Bảy. Kết quả cuộc thăm dò 2000 gia đình Italia của Isae cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng nước này đã tăng từ 95,8 điểm trong tháng Sáu lên 99,5 điểm trong tháng Bảy.

Cùng ngày, Cơ quan thống kê Đức cho biết, lạm phát của nước này trong tháng Tám đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1% so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Như vậy, lạm phát của Đức vẫn thấp hơn mặt bằng lãi suất cơ bản của đồng Euro là 4,25%/năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đang áp dụng.

Chứng khoán Anh và Pháp phiên giao dịch này đã lên điểm nhờ thông tin tích cực từ mức tăng ấn tượng của hàng hóa lâu bền ở Mỹ trong khi chứng khoán Đức đã không duy trì được sắc xanh của phiên trước.

Do giá dầu thô tăng trên 118 USD/thùng khi thị trường châu Âu đóng cửa nên các cổ phiếu khối năng lượng tăng mạnh, cụ thể, cổ phiếu Royal Dutch Shell lên 2,3%, BP tiến thêm 1,8%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 57,4 điểm, tương đương 1,05%, đóng cửa ở mức 5.528,1, khối lượng giao dịch đạt 1,61 tỷ cổ phiếu.

Trong khi đó, chỉ số DAX của Đức giảm 0,31%, khối lượng giao dịch đạt 3,83 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,1%, khối lượng giao dịch đạt 117 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Nikkei 225 tiếp tục mất điểm

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Tư có diễn biến trái chiều khi sự phân hóa tăng điểm và giảm điểm là tương đương nhau nhưng có một điểm chung là biên độ tăng giảm không lớn.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Tư tiếp tục mất điểm do cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn và cổ phiếu của các công ty bất động sản giảm điểm.

Ngay khi thị trường bắt đầu giao dịch, chỉ số Nikkei 225 đã giảm mạnh cho đến 9 giờ 30’ trước khi có sự phục hồi trở lại nhưng vẫn thấp hơn phiên giao dịch trước đó. Nhờ sức tăng của cổ phiếu khối năng lượng và dược phẩm nên đã hỗ trợ thị trường không bị giảm sâu hơn.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 25,75 điểm, tương đương 0,2%, đóng cửa ở mức 12.752,96. Khối lượng giao dịch phiên này chỉ đạt 1,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức 1,59 tỷ cổ phiếu của các ngày giao dịch trước đó.

Liên quan đến thị trường Hồng Kông, hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất thế giới, China Mobile vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2008, theo đó, hãng thu về 30,7 tỷ Nhân dân tệ (4,48 tỷ USD), tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, CNOOC, Esprit Holdings, Huaneng Power, Wharf Holdings và Foxconn International Holdings cũng công bố kết qủa kinh doanh khả quan nên đã giúp chỉ số Hang Seng tăng 1,94%, đóng cửa ở mức 21.464,72.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,67%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,25%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này gần như không có biến chuyển so với phiên trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc đã kết thúc ngày giao dịch với sắc đỏ hiện diện nhưng biên độ giảm đã thấp hơn so với mức giảm 1% phiên buổi sáng. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 7,94 điểm, tương ứng -0,34%, chốt ở mức 2.342,15.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.412,87 11.502,51  Up  89,64 Up 0,79
Nasdaq 2.361,97 2.382,46 Up  20,49 Up 0,87
S&P 500 1.271,51 1.281,66 Up  10,15 Up 0,80
Anh FTSE 100 5.470,70 5.528,10  Up  57,40 Up 1,05
Đức DAX 6.340,52 6.321,03 Down  19,49 Down 0,31
Pháp CAC 40 4.368,55 4.373,08 Up    4,53 Up 0,10
Đài Loan Taiwan Weighted 6.964,60 7.080,97 Up116,37 Up 1,67
Nhật Nikkei 225 12.778,70 12.753,00  Down  25,75 Down 0,20
Hồng Kông Hang Seng 21.056,66 21.464,72  Up408,06 Up 1,94
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.490,25 1.493,92 Up    3,67 Up 0,25
Singapore Straits Times 2.707,19 2.705,09 Down   2,10 Down 0,08
Trung Quốc Shanghai Composite 2.350,08 2.342,15 Down   7,94 Down 0,34
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg