07:18 25/11/2009

Phố Wall mất điểm, thanh khoản suy giảm

Duy Cường

Chứng khoán Mỹ đã thu hẹp được biên độ giảm điểm nhờ nhận định tính cực về triển vọng kinh tế Mỹ của FED

Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng cổ phiếu khối năng lượng, dịch vụ viễn thông, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục xu thế đi lên - Ảnh: Reuters.
Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng cổ phiếu khối năng lượng, dịch vụ viễn thông, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục xu thế đi lên - Ảnh: Reuters.
Ngày 24/11, chứng khoán Mỹ đã thu hẹp được biên độ giảm điểm vào cuối ngày giao dịch nhờ nhận định tính cực về triển vọng kinh tế Mỹ của FED.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại đã công bố số liệu về GDP của Mỹ lần thứ hai với mức tăng đạt 2,8% trong quý 3/2009 - thấp hơn so với mức ước lượng 3,5% được đưa ra trong tháng trước. Đáng chú ý là mức tăng trưởng trong hoạt động chi tiêu dùng chỉ tăng 2,9%, từ mức 3,4% được đưa ra trước đó. Đây được xem là tác nhân quan trọng nhất đối chênh lệch mức tăng trưởng GDP được công bố giữa lần 1 và lần 2.

Cùng ngày, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở nước này trong tháng 11/2009 đã tăng lên 49,5 điểm - thấp hơn so với dự báo 53,1 điểm của giới phân tích, từ mức 48,7 điểm trong tháng 10/2009.

Cũng trong ngày 24/11, Standard & Poor's/Case-Shiller công bố chỉ số giá nhà ở 20 khu vực trung tâm ở Mỹ trong tháng 9/2009 đã tăng 0,3% so với tháng 8/2009 – thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,8% của giới phân tích, sau khi tăng 1,2% trong tháng 8.

Thanh khoản suy giảm

Trước thông tin tăng trưởng GDP đạt thấp hơn so với con số đưa ra trước đó, chứng khoán Mỹ đã mở cửa ngày giao dịch với mức giảm nhẹ và tiếp tục giảm khá mạnh, đưa Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm trên 0,75% giá trị. Sau đó, mặc dù thị trường đã có đợt phục hồi nhưng trong phiên buổi sáng, cả ba chỉ số đều không một lần vượt lên trên ngưỡng giá trị phiên liền trước.

Biên độ giảm điểm từ 0,25-0,6% được duy trì trong thời gian từ 11h20-14h10 (giờ địa phương). Xu hướng đó đã có sự thay đổi mang tính tích cực hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng triển vọng về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ trở nên vững chắc hơn trong năm 2010. Đà giảm của ba chỉ số chính được thu hẹp lại và kết thúc với mức giảm không đáng kể.

Trong ngày giao dịch, cổ phiếu khối ngân hàng đã liên tục mất điểm và tạo nên lực cản lớn cho thị trường khi chỉ số KBW khối ngân hàng giảm 0,7%, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 1,9%, cổ phiếu Morgan Stanley xuống 1,53%, cổ phiếu Bank of America hạ 1,17%, cổ phiếu Goldman Sachs trượt 0,51%,…

Mặc dù cổ phiếu của nhiều ngành trong chỉ số Dow Jones mất điểm, nhưng cổ phiếu khối năng lượng như Exxon Mobil, Chevron, cổ phiếu khối dịch vụ viễn thông (Verizon, AT&T), bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục xu thế đi lên.

Khối lượng giao dịch phiên này tiếp tục ở dưới mức 1 tỷ cổ phiếu khi trên sàn New York chỉ đạt 952 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này không có gì đáng lo ngại, vì như thường lệ, cứ mỗi khi đến trước và sau ngày Lễ Tạ ơn (thứ Năm ngày 26/11), thì khối lượng giao dịch đều ở mức thấp.

Phố Wall mất điểm, thanh khoản suy giảm - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 24/11/2009 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 24/11: chỉ số Dow Jones giảm 17,24 điểm, tương đương -0,16%, chốt ở mức 10.433,71.

Chỉ số Nasdaq mất 6,83 điểm, tương đương -0,31%, chốt ở mức 2.169,18.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 0,59 điểm, tương ứng -0,05%, đóng cửa ở mức 1.105,65.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố số đơn đặt hàng lâu bền; công bố thu nhập của người dân; công bố doanh số bán nhà mới.

Thứ Năm: Thị trường tài chính nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thứ Sáu: Thị trường tài chính mở cửa trở lại nhưng sàn chứng khoán New York sẽ nghỉ giao dịch sớm hơn thường lệ.

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm vì khối ngân hàng

Ngày 24/11, chứng khoán châu Á đã giảm điểm trước tin xấu từ khối ngân hàng, trong đó thị trường Trung Quốc đã mất gần 3,5%.

Sự kiện đáng chú ý và cũng là nguyên nhân chính đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung giảm điểm, là thông tin 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đệ trình lên cơ quan chức năng kế hoạch tăng vốn, do lo ngại nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn trong năm 2010.

Theo Bloomberg, việc đẩy mạnh cho vay 4,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (688 tỷ USD) trong 9 tháng năm 2009 đã khiến Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, và Bank of Communications Ltd, đã phải đệ trình kế hoạch tăng vốn.

Đón thông tin trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm điểm rất mạnh trong hơn 1 giờ cuối cùng của ngày giao dịch, dù trước đó thị trường vẫn duy trì sắc xanh trên bảng điện tử. Tuy nhiên, điểm tích cực là khối lượng giao dịch đã tăng mạnh khi chỉ số chứng khoán giảm, cho thấy một lực cầu khá lớn sẵn sàng gom mua cổ phiếu.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 115,14 điểm, tương ứng -3,45%, chốt ở mức 3.223,52.

Tương tự như thị trường chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán Nhật cũng giảm điểm khá mạnh sau khi Standard & Poor’s nhận định Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group cũng nằm trong nhóm ngân hàng thiếu vốn nhất.

Cổ phiếu khối xuất khẩu cũng mất điểm do đồng Yên lên giá đã gióp phần đẩy chứng khoán Nhật giảm sâu hơn. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 hạ 1,01%, chốt ở mức 9.401,58 - mức thấp nhất kể từ ngày 17/7.

Phiên giảm điểm của nhiều thị trường nói chung và cổ phiếu blue-chip có sức ảnh hưởng đến thị trường nói riêng, đã đẩy chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất 1%, xuống 116,55 điểm.

Tại thời điểm hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á ngừng giao dịch (16h), chứng khoán Anh, Đức, Pháp đang giảm 0,7 - 1%. Tại Mỹ, chỉ số tương lai của Dow Jones và S&P 500 đang mất trên 0,3%.

Điểm qua kết quả giao dịch của các thị trường châu Á khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,36%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,53%. Chỉ số BSE của Ấn Độ mất 0,23%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 1,89%. Chỉ số ASX của Australia xuống 0,65%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,78%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 0,57%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 10.450,95 10.433,71  Down17,24 Down0,16
Nasdaq 2.176,01 2.169,18 Down  6,83  Down0,31
S&P 500 1.106,24 1.105,65  Down  0,59 Down0,05
Anh FTSE 100 5.355,50 5.323,96  Down31,54  Down0,59
Đức DAX 5.801,48 5.769,31  Down32,17  Down0,55
Pháp CAC 40 3.813,17 3.784,62  Down28,55 Down0,75
Đài Loan Taiwan Weighted 7.687,15 7.714,56 Up27,41 Up0,36
Nhật Bản Nikkei 225 9.497,68 9.401,58 Down96,10 Down1,01
Hồng Kông Hang Seng 22.771,39 22.423,14 Down348,25 Down1,53
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.619,05 1.606,42 Down12,63  Down0,78
Singapore Straits Times 2.793,57 2.782,03  Down15,85 Down0,57
Trung Quốc Shanghai Composite 3.338,66 3.223,53 Down115,14  Down3,45
Ấn Độ BSE 17.176,82 17.139,93 Down40,25 Down0,23
Australia ASX 4.739,20 4.708,20 Down31,00 Down0,65
Việt Nam VN-Index 537,29 527,13 Down10,16 Down1,89
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg