12:00 28/09/2016

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

PV

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích - Ảnh 1

Theo nhiều công bố chỉ ra, người sử dụng bia rượu lâu ngày rất hay gặp hội chứng này. Việc uống rượu bia làm hỏng các men tiêu hóa, làm chết các lợi khuẩn đường ruột dẫn đến việc tiêu hóa khó khăn hơn. Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích cũng rất đa dạng, gây tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai, đau quặn bụng, đầy hơi, đi tiêu phân nhầy… Mặc dù đây không phải là một bệnh nan y, thế nhưng việc chữa trị cũng không dễ dàng. Bệnh có thể kéo dài, tái đi tái lại, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần của người bệnh. Trên thế giới đây là một trong những bệnh tiêu hóa khá phổ biến. Cho đến nay người ta cũng chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới cơ chế sinh bệnh như: Rối loạn vận động của ruột: tăng nhu động biểu hiện bằng tiêu chảy, giảm nhu động biểu hiện bằng táo bón; Rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hóa: ống tiêu hóa dễ bị kích thích vì giảm ngưỡng cảm thụ nội tạng biểu hiện bằng đau bụng; Các yếu tố thần kinh trung ương: stress, rối loạn về tinh thần, yếu tố tâm lý cũng có thể góp phần làm cho bệnh tiến triển nặng hơn, làm các triệu chứng trở nên khó kiểm soát hơn. Ngoài ra còn có các yếu tố như: nhiễm khuẩn, do thức ăn, hóa chất... Việc sử dụng một số loại thuốc cũng góp phần gây nên hội chứng này.

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích - Ảnh 2
Các biến chứng có thể xảy ra
Triệu chứng tiêu chảy, táo bón kéo dài có thể làm nặng thêm bệnh trĩ; Việc hạn chế ăn uống, thiếu chất có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất; Ngoài ra, bệnh gây những khó khăn, phiền toái trong cuộc sống, giao tiếp hằng ngày. Nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, tình dục, thậm chí dẫn tới trầm cảm, lo âu. Để kiểm soát bệnh
Chế độ ăn hợp lý ở người có hội chứng ruột kích thích là được cung cấp, bổ sung chất xơ đầy đủ, giúp giảm hoặc kiểm soát táo bón hoặc đi phân lỏng, tránh sử dụng những thức ăn dễ kích thích  như: bia rượu, cà phê, ăn nhiều gia vị cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men. Làm việc điều độ, tăng hoạt động thể lực, luyện thể dục thể thao thường xuyên cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, không nên thức quá khuya, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng cần theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên quá lạm dụng. Khi dùng kéo dài sẽ gây phụ thuộc, khiến táo bón tái phát nhiều lần và trầm trọng hơn, đồng thời xuất hiện hiện tượng tiêu chảy, táo bón xen kẽ, làm mất đi lượng vitamin, khoáng chất, mất cân bằng hệ vi sinh khiến hệ thống tiêu hóa ngày càng yếu hơn. Mặc dù là bệnh lành tính không gây tử vong nhưng hầu như không có khả năng điều trị khỏi hẳn. Việc điều trị chủ yếu  làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Thầy thuốc cần phải giúp cho bệnh nhân hiểu được bệnh của  họ và giải tỏa tâm lý lo ngại của người bệnh. Có thể sử dụng các thuốc khi các triệu chứng nặng gây khó chịu nhiều bao gồm thuốc chống tiêu chảy; thuốc chống táo bón; thuốc chống co thắt gây đau; thuốc điều trị tác động trên thần kinh trung ương...

Để có đường ruột khỏe mạnh
Để có được một hệ tiêu hóa khỏe mạnh chúng ta cần hấp thụ những loại thực phẩm lành mạnh tốt cho đường ruột và một chế độ ăn uống hợp lý.  
-    Không ăn quá nhiều: Ăn quá nhiều cản trở đến hệ tiêu hóa bình thường của cơ thể. Các enzyme tiêu hóa bị đẩy ra ngoài cơ thể khiến bạn gặp nhiều vấn đề về dạ dày.
-    Ăn nhiều chất xơ: Ăn nhiều chất xơ giúp bạn có hệ đường ruột khỏe mạnh.
-    Tập thể dục thường xuyên: Đây là một trong những cách tốt nhất để giúp đảm bảo tiêu hóa khỏe mạnh.
-    Ăn nhiều trái cây và rau quả: Đây là nguồn thực phẩm tuyệt vời, trong trái cây và rau quả chứa nhiều các chất dinh dưỡng tuyệt vời cho các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là ruột.
•    Một số thực phẩm tốt cho đường ruột: Gạo lứt ( hỗ trợ tiêu hóa và giúp làm sạch dạ dày); Đu đủ ( có tác dụng nhuận tràng); Sữa chua ( kích thích nhu động đường ruột, phòng ngừa táo bón);  Rau cải bó xôi (rau bina hay rau chân vịt), mộc nhĩ ( có tác dụng tống đẩy chất thải qua đường tiêu hóa, giúp tiêu hóa nhanh hơn); Rong biển ( trong rong biển có chứa alginate, chất này có thể tăng cường chất nhầy trong ruột từ đó giúp bảo vệ thành ruột, làm tăng vi khuẩn có lợi trong ruột); Táo; Lạc ( đậu phộng) cũng rất tốt cho đường ruột.

 

Bí quyết để có giấc ngủ sâu
-    Thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng
-    Chuẩn bị giường ngủ thật thoải mái
-    Không ăn thực phẩm có đường (gồm cả tinh bột) và protein vào tối khuya
-    Dừng uống cà phê
-    Uống trà nóng hoặc tắm nước nóng
-    Ngủ trưa ngắn hơn
-    Tắt đèn
-    Tập thể dục vào buổi sáng
-    Tắt tivi
-    Đi qua một phòng khác khi bạn không thể ngủ

(Theo Thestir)


Diệu Huyền