09:17 03/10/2011

Phong trào “Hãy chiếm Phố Wall” tấn công giới ngân hàng Mỹ

Hồng Ngọc

Cuộc biểu tình quy mô lớn tại New York hôm 2/10 đã làm bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ

Cảnh sát Mỹ và người biểu tình đối mặt nhau trên cầu Brooklyn hôm 2/10 - Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Mỹ và người biểu tình đối mặt nhau trên cầu Brooklyn hôm 2/10 - Ảnh: Reuters.
Hôm qua (2/10, giờ Việt Nam), giới chức thành phố New York đã buộc phải ngưng hoạt động giao thông qua cầu Brooklyn, khi cây cầu này bị những người tham dự biểu tình “Hãy chiếm Phố Wall” phong tỏa.

Tại khu vực Hạ Manhattan, trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa đường phố và làm tắc nghẽn giao thông.

Người biểu tình đánh trống, thổi còi và giơ cao biểu ngữ phản đối gói cứu trợ của chính phủ dành cho ngân hàng, tập đoàn tư bản và sự ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản đối với chính trị. Theo họ, các định chế tài chính lớn hủy hoại nền kinh tế tại phố Wall, cho nên chính phủ không nên đổ thêm tiền để cứu các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Từ hai tuần nay, tại Mỹ bắt đầu sôi sục một không khí phản kháng, vốn ít thấy tại nước này. Phong trào “Hãy chiếm Phố Wall” lên án giới ngân hàng, thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Phong trào này đã kêu gọi 20.000 người đến tập hợp để tràn ngập vào khu vực Hạ Manhattan vào ngày 17/9, và ở lại đó trong "một vài tháng".

Hàng nghìn người biểu tình hàng ngày tại khu phố thương mại của New York. Những người biểu tình có mặt đông đảo trên quảng trường Liberty Plazza. Người biểu tình Mỹ không đòi dân chủ, mà yêu cầu nhiều công bằng xã hội hơn. Đối tượng phản đối của họ là sự hung hãn và tham lam của giới tài chính. Trên các biểu ngữ, có thể đọc thấy hàng chữ: “Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát xít”.

Trong sự kiện ngày hôm qua, 1.500 người, trong đó có thanh niên và thành viên công đoàn tham gia biểu tình hôm 1/10. Khoảng 700 người biểu tình chống Phố Wall đã bị cảnh sát bắt giữ, giữa lúc họ đang chuẩn bị tuần hành qua cầu Brooklyn ở New York. Tuy nhiên, cảnh sát đã thả hầu hết số này một ngày sau đó.

Theo giới phân tích, cuộc biểu tình của tầng lớp người lao động ở Mỹ là nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến các vấn đề chính trị. Tháng trước, ông Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với người giàu nhằm đảm bảo những triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu là bằng với tầng lớp trung lưu.

Tổng thống Mỹ cho rằng, hệ thống thuế như hiện nay đã làm tăng khoảng cách giàu-nghèo khi người giàu chỉ phải đóng một khoản thuế không tương xứng thu nhập. Và không những thế, những định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính quyền Washington cần áp thuế đánh trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc OECD đã áp dụng loại thuế này.

Những vấn đề trầm trọng của kinh tế Mỹ có vẻ như không chỉ dừng ở khoảng cách giàu nghèo, tài sản hay những hỗ trợ bất bình đẳng, mà còn ở vấn nạn thất nghiệp và những bất đồng chính trị ảnh hưởng tới kinh tế. Trong bài phát biểu gần đây ở Cleveland, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp trên 9% kể từ tháng 4/2009.

Ông Ben Bernanke tuyên bố: “Tình trạng thất nghiệp hiện tại thực sự là một cuộc khủng hoảng quốc gia” và đề xuất Quốc hội nên có các biện pháp để chiến đấu với thực trạng này. Chủ tịch của FED cho biết khoảng 45% số trường hợp thất nghiệp đã kéo dài ít nhất 6 tháng. Theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ những trường hợp này, đào tạo lại kỹ năng cho họ để tìm được công việc mới, và Quốc hội cần nhận trách nhiệm chuyện này.

Cũng trong phát biểu này, Chủ tịch FED cho rằng nước Mỹ có thể học cách thúc đẩy tăng trưởng dài hạn từ những thị trường mới nổi đang thành công. Theo ông, tăng trưởng kinh tế nhanh và duy trì trong thời gian dài của các nền kinh tế mới nổi là một trong những xu hướng quan trọng về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

"Những nền kinh tế phát triển như Mỹ sẽ cần học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các thị trường mới nổi. Sức tăng trưởng của các thị trường này thể hiện rõ tầm quan trọng của chính sách tài chính chặt chẽ, khuyến khích thành lập khu vực vốn tư nhân song song với cam kết đầu tư công, giáo dục và công nghệ tiên tiến trong bối cảnh duy trì sự bền vững của nền kinh tế", ông nói.

Trong suốt thời kì nước Mỹ rơi vào suy thoái từ tháng 12/2007 - 6/2009, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc trở thành động lực của kinh tế toàn cầu. Trong đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 7,9% trong khi nước Mỹ vẫn tiếp tục giảm phát.

Chủ tịch FED cũng cho rằng rất nhiều “thị trường mới nổi không còn phải xem mình bé nhỏ với nền kinh tế mở vốn ít tác động tới các quốc gia láng giềng”, thậm chí họ cần phải có trách nhiệm lớn hơn đối với sự bền vững của kinh tế thế giới.

“Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào sức của thị trường tăng, chính sách mạnh mẽ và thể chế kinh tế là những yếu tố quan trọng để có được mức tăng trưởng cần thiết”, theo ông Bernanke. Nhưng ông cũng thêm rằng những gì xảy ra trong 20 năm qua đã chứng minh rằng Washington luôn bất đồng bởi những vấn đề liên tiếp xảy ra.

Không cần phải suy nghĩ quá nhiều cũng rõ điều mà ông Bernanke ám chỉ tới là việc các chính trị gia Mỹ đang tranh cãi về việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang trong khi chính phủ cần thêm tiền để đầu tư cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Và chính bởi sự bất đồng về chính trị này, kinh tế Mỹ đã không ít phen chao đảo.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ không chỉ toàn mảng tối. Theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, đơn đặt hàng hàng hóa cơ bản phi quốc phòng (ngoại trừ máy bay) của nước này tăng 1,1% trong tháng 8, sau khi giảm 0,2% trong tháng 7, cho thấy kinh tế nước này có thể tránh được suy thoái, khi các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đầu tư kinh doanh, mặc dù lòng tin có giảm sút.

Đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền vẫn giảm 0,1% trong tháng 8, sau khi giảm 4,1% trong tháng 7, do nhu cầu yếu. Đơn đặt hàng các phương tiện có động cơ giảm 8,5%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2010. Trong khi đó, đơn đặt hàng máy bay dân dụng tăng tới 23,5%, với Boeing nhận được 127 đơn hàng. Các đơn hàng khác như đơn đặt hàng máy móc tăng 0,1%, còn các đơn hàng máy tính và sản phẩm điện tử tăng 1,3%.