Phụ nữ giữ vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp vẫn còn thấp
Hiện tỷ lệ nữ giới tham gia các ngành nghề là không đồng đều. Các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tăng số ứng viên nữ trong các vị trí. Song nhìn chung, tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý cấp cao vẫn ở mức thấp (42%)...
Ngày 8/3, ManpowerGroup đã ra mắt báo cáo mới về Triển vọng Việc làm của lao động nữ năm 2024. Báo cáo cho thấy, mặc dù khoảng cách giới tại nơi làm việc vẫn tồn tại, song ngày càng nhiều doanh nghiệp triển khai các biện pháp tích cực, bao gồm các chính sách tiến bộ, chương trình nâng cao kỹ năng, hay chính sách làm việc linh hoạt – nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC LINH HOẠT GIÚP GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG
Báo cáo “Triển vọng Việc làm của lao động nữ năm 2024” cho biết chưa đến 1/2 doanh nghiệp toàn cầu (41%) đã đạt được bình đẳng giới một cách trọn vẹn.
Tuy vậy, một số lĩnh vực đang đi đúng hướng và ghi nhận những tiến bộ rõ rệt về bình đẳng giới, bao gồm ngành Hàng tiêu dùng & Dịch vụ (69%), Tài chính & Bất động sản (68%), Dịch vụ Truyền thông (67%), Chăm sóc Sức khỏe & Khoa học Đời sống (67%), Công nghệ Thông tin (66%).
Trước thực trạng thiếu hụt nhân tài như hiện nay, sự kêu gọi tất cả các nhóm tham gia vào lực lượng lao động là vô cùng cần thiết.
“Bình đẳng giới có nghĩa là tạo ra một môi trường công bằng và bao trùm cho tất cả mọi người, bất kể giới tính. Tại nơi làm việc, điều đó có nghĩa là mọi người lao động đều được tiếp cận, được trả lương, có cơ hội và được đối xử bình đẳng”, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Manpower, ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ.
Theo bà Trang, những số liệu năm 2024 của đơn vị này, cho thấy chưa đến một nửa số sáng kiến bình đẳng giới của các doanh nghiệp được triển khai đúng tiến độ.
“Để tiến tới phát triển bền vững, chúng ta cần thu hút mọi nhóm nhân tài sẵn có cũng như khơi dậy tiềm năng của người lao động. Đó không chỉ là một ưu tiên mà còn là một nhiệm vụ hàng đầu nếu muốn đem lại thịnh vượng cho tất cả các bên”, bà Trang nói thêm.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại báo cáo cho thây môi trường làm việc linh hoạt giúp giữ chân lao động nữ. Hơn 1/3 doanh nghiệp (37%) thừa nhận các chính sách làm việc linh hoạt có hiệu quả nhất trong việc giữ chân và thu hút các nhóm nhân tài.
Các sáng kiến hiệu quả khác bao gồm phát triển khả năng lãnh đạo (30%), văn hóa công ty hòa nhập (29%), các buổi hướng dẫn/khai vấn (28%) và hợp tác với các đối tác đào tạo (24%).
Khả năng học hỏi thúc đẩy sự nghiệp thăng tiến. Theo đó, 30% các doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả của các chương trình phát triển khả năng lãnh đạo trong việc khắc phục những cản trở trước đây của người lao động khi thăng tiến lên cấp quản lý.
Đáng chú ý, công nghệ tạo đà cho những tiến bộ. 65% doanh nghiệp cho biết các công nghệ mới giúp gia tăng tính linh hoạt và bình đẳng giới nơi làm việc.
Trong khi đó, 62% doanh nghiệp chia sẻ công nghệ đang giúp đa dạng hóa nguồn nhân lực công nghệ thông tin, 61% cho rằng công nghệ tiên tiến giúp thúc đẩy bình đẳng giới và 52% nói rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những ứng viên sáng giá nhất, bất kể nam hay nữ.
NỖ LỰC TRẢ LƯƠNG BÌNH ĐẲNG Ở CÁC LĨNH VỰC
Một điểm quan trọng nữa được ghi nhận thông qua báo cáo này là nỗ lực trả lương bình đẳng ở từng lĩnh vực đạt được những tiến bộ khác nhau. Chỉ hơn 1/2 doanh nghiệp khảo sát (52%), cho biết các sáng kiến về trả lương bình đẳng của mình vẫn đang diễn ra đúng như kế hoạch, trong khi việc thực hiện ở 48% doanh nghiệp còn lại đang bị chậm, hoặc thậm chí dậm chân tại chỗ.
Tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai tốt lộ trình tiến tới trả lương bình đẳng tại các ngành Tài chính & Bất động sản (59%), Dịch vụ Truyền thông (58%) và Công nghệ Thông tin (58%) hiện vượt xa mức trung bình toàn cầu, trong khi Công nghiệp & Vật liệu (51%), Hàng tiêu dùng & Dịch vụ (50%) và Chăm sóc sức khỏe & Khoa học đời sống (49%) đang tụt hậu.
Mặc dù vậy, hiện tỷ lệ nữ giới tham gia các ngành nghề là không đồng đều. Nhiều nỗ lực đang được doanh nghiệp thực hiện để tăng số ứng viên nữ trong các vị trí, trong đó dẫn đầu là tỷ trọng nữ giới trong các vị trí Hành chính (51%) và Vận hành (48%).
Tỷ lệ tham gia của phụ nữ cũng thấp trong các công việc liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) (chỉ khoảng 43%), và các vị trí quản lý cấp cao (42%).
Trong bối cảnh đó, ManpowerGroup khuyến cáo các chiến lược để khuyến khích sự tham gia của lao động nữ tại doanh nghiệp. Trước hết là cần phát huy sức mạnh của các Hiệp hội phụ nữ. Đó là cần thiết hỗ trợ và định hướng sự nghiệp cho phụ nữ trẻ ngay từ sớm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình đào tạo và tài trợ dành cho phụ nữ do các nhóm lãnh đạo nữ điều hành.
Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng mạng lưới nhân tài nội bộ. Đơn cử xây dựng các nền tảng công nghệ để kết nối lao động nữ với các dự án, cơ hội việc làm thời vụ, cơ hội lãnh đạo phù hợp nhất với kỹ năng và nguyện vọng của họ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng hoạt động tái đào tạo và nâng cao kỹ năng. Cụ thể như thiết kế các khóa học kỹ năng trực tuyến có sự hỗ trợ của AI cho phép cá nhân khóa theo nhu cầu người học. Tổ chức các trung tâm đào tạo công nghệ để giúp phụ nữ trau dồi các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết trong công việc.
Các giải pháp nữa cũng được tính đến là chú trọng đến phúc lợi làm việc linh hoạt. Thông qua các khảo sát với nhân viên nếu muốn xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân viên cân bằng công việc – cuộc sống. Với càng nhiều lao động nữ đang có ý định quay trở lại nơi làm việc, việc doanh nghiệp có các phúc lợi liên quan đến chăm sóc người thân hay làm việc linh hoạt sẽ giữ chân được nhiều lao động nữ…
Những dự liệu trong báo cáo dựa trên Khảo sát Triển vọng việc làm quý 2/2024 của ManpowerGroup, với sự tham gia của hơn 40.000 nhà tuyển dụng ở 42 quốc gia, cùng với các nguồn dữ liệu nội bộ khác.