10:00 20/10/2023

Phục hồi du lịch sau đại dịch, cần tính tới chuyển đổi số

Trần Quang Tuyến - Lê Văn Đạo, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong khi “thể trạng” của ngành du lịch sau Covid-19 vẫn còn mơ hồ thì làn sóng chuyển đổi số trong việc tạo ra cơ hội cũng như thách thức trong quá trình phục hồi vẫn chưa được xem xét cẩn trọng, nhất là khi các thông tin về tốc độ phục hồi nền du lịch của Việt Nam có phần “thái quá”...

Du lịch là một ngành đặc thù với tính phân mảnh cao và chuyển đổi số cho phép kết nối các mảnh ghép này với chi phí ngày càng giảm.
Du lịch là một ngành đặc thù với tính phân mảnh cao và chuyển đổi số cho phép kết nối các mảnh ghép này với chi phí ngày càng giảm.

Làn sóng chuyển đổi số là một xu hướng không thể đảo ngược và không thể tránh khỏi. Làn sóng này tạo ra các cơ hội và thách thức đáng kể trong việc tận dụng tốt các lợi ích và hạn chế các “thương tổn” mà nó gây ra, đặc biệt tại quốc gia đang chuyển đổi. Việc xem xét vai trò của chuyển đổi số trong việc khôi phục ngành du lịch Việt Nam là hết sức quan trọng.

SỤT GIẢM HAY PHỤC HỒI?

Hiện nay, dễ dàng có thể tìm thấy các thông tin có phần tích cực “thái quá” về tốc độ phục hồi nền du lịch của Việt Nam. Thực tế, khi so sánh với các con số tương đối (ví dụ: số lượng khách du lịch đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái) thì thông tin thu được thường mang lại ít ý nghĩa.

Có thể tạm chia hiện trạng phát triển du lịch địa phương làm ba nhóm: một, nhóm có năng lực phát triển du lịch và tổng doanh thu du lịch chiếm phần lớn tỷ trọng du lịch cả nước (ví dụ: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Nội, và Hồ Chí Minh). Đây cũng chính là nhóm cần chú trọng vào phục hồi phát triển. Hai, nhóm các tỉnh,thành phố không xem du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn địa phương (ví dụ: Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng). Đây là nhóm sự sụt giảm và phục hồi ngành du lịch cũng không chiếm đáng kể trong bức tranh tăng trưởng của địa phương. Ba, nhóm các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển, xem du lịch như một ngành mũi nhọn nhưng đạt thể phát triển trong ngắn hạn (ví dụ: Hà Giang).

Với nhóm thứ nhất, sự sụt giảm du lịch là rất rõ ràng. Cụ thể, giai đoạn trước đại dịch, năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch khách lữ hành là hơn 40 nghìn tỷ đồng (so với gần 5 nghìn tỷ đồng của tổng hai nhóm còn lại cộng lại), sau khi sụt giảm hơn 80% trong đại dịch thì tính đến năm 2022 mới chỉ phục hồi được được khoảng 76% (khoảng 30 nghìn tỷ đồng và xấp xỉ với trung bình giai đoạn 2010-2022). Ngược lại, hai nhóm còn lại (58 tỉnh, thành phố) lại ghi nhận có sự gia tăng tổng doanh thu du lịch lữ hành (khoảng 11% so với trước Covid-19).

Do đó, nếu xét con số tương đối giữa các tỉnh, thành phố thì có vẻ khu vực du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, dẫu vậy, doanh thu du lịch lữ hành thực tế (năm 2022) của cả nước chỉ đạt khoảng 80% so với trước đại dịch (năm 2019). Phải nói thêm rằng, tại một số điểm nóng du lịch của cả nước (ví dụ: đảo Phú Quốc, vịnh Hạ Long, hoặc Hội An), tình hình phục hồi du lịch sau dịch, thậm chí, còn chậm chạp hơn.

Sự chậm chạp trong phục hồi doanh thu du lịch có thể đến từ hai thách thức lớn.

Một là, từ phía cầu khi số lượt khách (cả nước ngoài và nội địa), tính đến năm 2022, còn chưa đạt được ngưỡng 80% so với trước đại dịch (năm 2019). Cụ thể, số lượt khách nước ngoài tại Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 3,6 triệu người năm 2022 và bằng khoảng 20% so với năm 2019 (khoảng 18 triệu lượt) và tương đương với năm 2005 (khoảng 3,5 triệu lượt khách). Dẫu vậy, đây là xu hướng chung toàn khu vực dưới tác động của đại dịch Covid-19; theo đó, cả Singapore và một số nước khác trong khu vực cũng ghi nhận số lượt khách dưới 12 triệu người năm 2020.

Trong khi khách du lịch nước ngoài chỉ đạt 20% trước đại dịch thì lượt khách nội địa tại Việt Nam cũng chỉ phục hồi chưa đến 80% vào năm 2022. Khách du lịch nội địa được xem là “gối đệm” trước các cú sốc trong ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung (Canh & Thanh, 2020), do đó, việc chỉ đạt được 80% lượng khách nội địa so sau gần 2 năm phục hồi du lịch là con số tương đối hạn chế. Sự phục hồi có tốc độ chậm hơn ở các thành phố du lịch trọng tâm, với ghi nhận lượng khách nội địa năm 2022 chỉ đạt khoảng 65% so với năm 2019.

Phục hồi du lịch sau đại dịch, cần tính tới chuyển đổi số - Ảnh 1

Hai là, các loại hình dịch vụ du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách. Về mức chi tiêu bình quân đầu người cho hoạt động du lịch của du khách, năm 2017, chi khách nội địa và khách quốc tế, tương ứng, khoảng 1.277,4 nghìn đồng/người/ngày và 1.141,5 nghìn đồng/người/ngày, năm 2020, con số này chỉ khoảng 1.150 nghìn đồng/người/ngày.

Số tiền chi tiêu của du khách đến từ Bỉ và Thụy Điển là cao nhất năm 2017 (khoảng 2 triệu đồng/người/ngày), nhưng đã giảm gần 30% kể từ trước dịch Covid-19 (năm 2019). Ngược lại, khách du lịch từ Hoa Kỳ và Philippines có xu hướng gia tăng chi tiêu khoảng 20-30% kể từ trước dịch Covid-19 (tương ứng 2 triệu đồng/người/ngày và 1,7 triệu đồng/người/ngày năm 2019). Số liệu này hàm ý rằng số tiền chi của mỗi khách du lịch đã không đổi, thậm chí giảm kể từ trước đại dịch. Phải nói thêm rằng, số liệu này là giá danh nghĩa chưa khử đi mức lạm phát kể từ năm 2017 đến năm 2019.

Về cơ cấu chi tiêu, tổng chi phí cho ăn uống và đi lại của du khách, tính trung bình, luôn chiếm đến 40-50% tổng số tiền, trong khi các khoản chi cho các hàng hóa và du lịch địa phương (tham quan, mua quà lưu niệm, trải nhiệm nét độc đáo của văn hóa bản địa) chỉ đạt khoảng 20%. Hơn nữa, thời gian lưu trú trung bình của du khách có xu hướng không gia tăng (trung bình là chưa đến 2 ngày); cự ly vận chuyển của mỗi khách trung bình giảm từ 68,1km (năm 2017) xuống 63,5km (năm 2019), điều này cho thấy số khách có xu hướng tham quan các địa điểm lân cận giảm đi.

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH DU LỊCH

Về nguyên tắc, để phục hồi và cải thiện tình trạng du lịch địa phương, cần: (i) phục hồi và gia tăng lượng khách du lịch; (ii) số tiền thu được từ mỗi du khách đến địa điểm tham quan phải gia tăng (vào các sản phẩm của địa phương). Trong đó, vai trò chuyển đổi số trong phục hồi du lịch là đặc biệt quan trọng và được tranh luận sôi nổi trên nhiều khía cạnh khác nhau với ít nhất ba lý do.

Một là, làn sóng chuyển đổi số là không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược (Mergel, Edelmann, & Haug, 2019).

Hai là, du lịch là một ngành đặc thù với tính phân mảnh cao và chuyển đổi số cho phép kết nối các mảnh ghép này với chi phí ngày càng giảm. Cụ thể, du lịch là một ngành đòi hỏi sự tham gia khai thác, xây dựng và bảo tồn của nhiều bên liên quan: Chính phủ cần xây dựng các quy tắc chung để khai thác các dịch vụ công hiệu quả và minh bạch (ví dụ: quang cảnh và di tích lịch sử); người dân bản địa cần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương; doanh nghiệp cần phát triển các loại hình văn hóa dịch vụ hấp dẫn với du khách.

Phục hồi du lịch sau đại dịch, cần tính tới chuyển đổi số - Ảnh 2

Sự phân mảnh này tạo ra chi phí đáng kể trong việc kết nối các bên liên quan, đặc biệt giữa các dịch vụ theo ngành dọc di chuyển, khách sạn, ăn uống, nghỉ dưỡng và di chuyển. Trong khi đó, chuyển đổi số cho phép đồng bộ hóa các hệ thống và giúp các bên trao đổi với nhau dễ dàng với chi phí thấp (Alvarenga, Matos, Godina, & CO Matias, 2020; Mazzucato, 2015).

Ba là, với kinh nghiệm của hơn hai thập kỷ qua, sự thất bại của nhiều dự án chuyển đổi số các nước đã để lại nhiều bài học quý giá cho các ứng dụng thành công sau này. Ví dụ, Heeks (2003) ghi nhận có đến 85% các dự án chuyển đổi số trong chính phủ thất bại tại các quốc gia đang phát triển.

Với ứng dụng trong ngành du lịch, có thể phân chia chuyển đổi số vào hai mảng (khía cạnh) lớn.

Một là, những tiến bộ chung trong quá trình chuyển đổi hoạt động kinh tế (bao gồm du lịch) một cách số hóa. Khía cạnh này phản ánh sự phát triển và tăng trưởng chung giữa các thời kỳ và đặc trưng là bởi nền tảng công nghệ số được chia sẻ lẫn nhau, ví dụ: nền tảng kinh doanh online (Lazada, Tiki, Shoppe…), nền tảng thanh toán online (Internet Banking, MoMo, Zalo Pay,…), các nền tảng giao hàng trực tuyến (Grab, Uber, Be, Baemin,…) và các nền tảng khác. Sự tiến bộ trong khía cạnh này đã đẩy mặt bằng chung của tiến trình chuyển đổi số cho hầu hết các loại hình dịch vụ ngành du lịch.

Hai là, các nỗ lực chuyển đổi số trong khu vực chính phủ, ở đó, chính phủ số là biểu hiện quan trọng. Việc nhấn mạnh vào chính phủ số là bởi: (i) du lịch có tính phân mảnh, do đó, đòi hỏi sự hoạt động một cách tích cực của chính phủ trong việc xây dựng uy tín và hình ảnh của địa phương (Ruhanen, 2013); (ii) du lịch là ngành có sự thích ứng và thay đổi nhanh chóng trong khi các quy định truyền thống có thể làm chậm chễ các thích ứng trong ngành du lịch, do đó, đòi hỏi một hệ thống linh hoạt từ một chính phủ số năng động.

Căn cứ theo cách phân chia ở trên, quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy và phục hồi du lịch sau Covid-19 với nhiều cơ chế mang tính lý thuyết và thực nghiệm (Adeola & Evans, 2020; Bethapudi, 2013; Leung & Loo, 2020). Chuyển đổi số hỗ trợ kết nối và tương tác giữa các chủ thể kinh tế, như chia sẻ dữ liệu, giải quyết xung đột và góp phần thuận lợi trong quản lý dịch vụ số của một chính phủ (Alvarenga et al., 2020; Mazzucato, 2015).

CHUYỂN ĐỔI SỐ KẾT NỐI CÁC CHỦ THỂ KINH TẾ

Ví dụ, qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Weibo, Twitter, and Tiktok), các du khách có thể dễ dàng tiếp cận, cung cấp và kiểm chứng các thông tin du lịch Việt Nam và toàn cầu; thậm chí, việc xếp hạng trực tuyến cũng ngày càng phổ biến dựa trên các lá phiếu của du khách. Thông tin rõ ràng hơn về lộ trình, chất lượng và chi phí mỗi chuyến đi kết hợp với tính linh hoạt trong công việc khi quá trình chuyển đổi số diễn ra đã dễ dàng khớp nối các nhu cầu của khách du lịch (cả ngắn và dài ngày) với các dịch vụ đa dạng.

Quan sát của Kumar & cộng sự (2019) cũng khẳng định mối quan hệ này khi thấy rằng dịch vụ internet gia tăng làm mở rộng thị trường du lịch, bằng chứng toàn cầu.

 

Du lịch là một ngành đặc thù với tính phân mảnh cao và chuyển đổi số cho phép kết nối các mảnh ghép này với chi phí ngày càng giảm. Cụ thể, du lịch là một ngành đòi hỏi sự tham gia khai thác, xây dựng và bảo tồn của nhiều bên liên quan: Chính phủ cần xây dựng các quy tắc chung để khai thác các dịch vụ công hiệu quả và minh bạch (ví dụ: quang cảnh và di tích lịch sử); người dân bản địa cần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương; doanh nghiệp cần phát triển các loại hình văn hóa dịch vụ hấp dẫn với du khách.

Giữa khách hàng và nhà cung ứng, việc nhận được phản hồi nhanh chóng và dễ dàng hơn góp phần giảm các chi phí thông tin và tập trung vào mảng sáng tạo sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi một quy trình số minh bạch giữa nhà nước và doanh nghiệp góp phần làm giảm đáng kể chi phí không chính thức mà theo ghi nhận là khoảng 3-10% tổng chi phí doanh nghiệp.

Trong khía cạnh quan trọng thứ hai của chuyển đổi số, chính phủ số lại đặc biệt quan trọng với những khu vực trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển khi giai đoạn này được đặc trưng bởi: (i) việc khai thác các tài sản, cảnh quan công cộng (từ khu vực tư) còn chưa rõ ràng và thiếu hiệu quả; (ii) khu vực chính phủ thường có xu hướng giữ ở mức độ hiện trạng hoặc chưa có cách thức hiệu quả trong thúc đẩy du lịch bản địa. Khi đó, chuyển đổi mạnh mẽ sang thúc đẩy chính phủ số sẽ hạn chế các loại thủ tục rườm rà, tăng tính minh bạch và tính dễ đoán định trong hợp tác của khu vực công - tư.

Trong thực tế, chính phủ số được ghi nhận ở các nước đang chuyển đổi thường chỉ dừng ở mức độ thao tác một số thủ tục cơ bản về du lịch liên quan qua trực tuyến, trong khi phần công việc quan trọng góp phần tăng năng suất (như quá trình xử lý vấn đề, khai thách dữ liệu khách du lịch và có các hành động chiến lược cho phát triển du lịch thực tế) thường nằm trên giấy.

Một bằng chứng thực nghiệm gần đây hơn tại Việt Nam, Le & Tran (2023) cũng xác định chắc chắn xu hướng tác động của hai loại hình chuyển đổi số này tới phát triển du lịch địa phương. Theo đó, nhóm nghiên cứu khẳng định. Một là, quá trình chuyển số ở loại thứ nhất, dẫn dắt bởi xu hướng chung, đem lại lợi ích lớn hơn cho “người đi sau”, ở đó, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ được lợi ích lớn hơn các tập đoàn khi có thể trực tiếp tham gia thị trường du lịch với các nền tảng số sẵn có (ví dụ: các cửa hàng giao đồ ăn qua Baemin, du khách di chuyển nhờ Grab (hoặc dịch vụ vận chuyển địa phương) tích hợp, thanh toán nhanh chóng qua Zalo Pay, MoMo, các dịch vụ Banking). Hệ quả là, quá trình này tạo ra làn sóng gia nhập ngành du lịch mạnh mẽ nếu khu vực tư nhân tại địa phương phát triển ở mức nhất định.

Hai là, quá trình chuyển đổi số khu vực công chỉ có tác động tích cực với các tỉnh, thành phố có mức độ phát triển du lịch nhất định, thậm chí tiêu cực tới các tỉnh, thành phố có quy mô du lịch nhỏ. Điều này được lý giải là bởi quá trình chuyển đổi số trong khu vực công của một số tỉnh, thành phố (nghèo) tại Việt Nam còn mang tính hình thức.

Ví dụ, thay vì quản lý các tài liệu truyền thống như trước đây thì một số tỉnh, thành phố chuyển đổi một số loại giấy tờ, thủ tục trực tuyến mà không có tính hệ thống, chúng tạo ra thêm loại chi phí mới liên quan đến việc không đồng nhất thủ tục, giấy tờ trong khi các lợi ích thu về là không đáng kể từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhỏ lẻ. Hệ quả là, ở các tỉnh, thành phố quy mô nhỏ chi phí để chuyển đổi số thường cao hơn các lợi ích chúng mang lại. Hình 2 mô tả tác động biên của chỉ số chuyển đổi số khía cạnh chính phủ số tới doanh thu du lịch, phân theo quy mô du lịch địa phương.

Để phục hồi ngành du lịch Việt Nam, ít nhất bằng với tình trạng trước đại dịch (năm 2019), các chính quyền địa phương và khối doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều điều phải làm, trước hết, phải nhận diện được thực trạng phục hồi ngành du lịch tại Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ doanh thu du lịch lữ hành và khách nội địa trong nước tính đến năm 2022 chỉ khoảng 80% so với trước đại dịch (năm 2019), số lượng khách nước ngoài cũng chỉ đạt khoảng 20%.

HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Mặc dù chứng kiến mức độ lạm phát toàn cầu ở mức cao sau dịch Covid-19, nhưng chi tiêu bình quân của du khách không tăng, thậm chí có xu hướng giảm kể từ trước năm 2019. Mức độ phục hồi sau đại dịch tại các điểm nóng du lịch, thậm chí, có xu hướng chậm hơn đã hàm ý về sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ cho khu vực này.

Việt Nam là quốc gia đang chuyển đổi với nguồn lực hạn chế và nhiều các khoản phải chi tiêu, do đó, chúng tôi tổng hợp một số hàm ý trong phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch nhờ chuyển đổi số như sau:

Một là, ưu tiên vào hỗ trợ phục hồi du lịch tại một số tỉnh, thành phố có năng lực phát triển du lịch mạnh mẽ (nhóm 1). Thực tế, tổng doanh thu du lịch lữ hành của năm tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh), gấp khoảng 8 lần 58 tỉnh, thành phố còn lại cộng lại (năm 2019), nhưng lại có tốc độ phục hồi chỉ khoảng 65% so với 80% trung bình cả nước (tính đến năm 2022). Do đó, trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn, việc tập trung các ưu đãi để phục hồi nhóm này sẽ đem lại hiệu quả về mặt tổng thể cho cả nước.

Quan trọng hơn, theo nhấn mạnh của Le & Tran (2023), nâng cao chính phủ số ở một số tỉnh, thành phố có quy mô du lịch hạn chế còn có thể tạo ra tác động tiêu cực tới doanh thu ngành du lịch (do chi phí cao hơn lợi ích thu được và các trục trặc trong đồng bộ dữ liệu, hệ thống).

Hai là, nhận thức rõ ràng về các loại hình chuyển đổi số và phân loại chúng một cách hữu ích. Theo Le & Tran (2023), đối với quá trình chuyển đổi hóa mang tính nền tảng có được nhờ phát triển công nghệ trong dài hạn thì “người đi sau” đạt được lợi ích lớn hơn, trong khi đó nâng cao chất lượng chính phủ số bắt buộc phải tiến hành đồng bộ, có hệ thống và trong quy mô đủ lớn từ ban đầu. Hiện nay, việc phân chia và xây dựng chỉ số chuyển đổi số tại Việt Nam đã và đang được đo lường ngày càng chính xác hơn, góp phần nâng cao nhận thức về các loại hình chuyển đổi số và tác động của chúng tới nhiều khía cạnh.

Ba là, hỗ trợ từ Chính phủ phải thực chất và hiệu quả. Du lịch là ngành có tính phân mảnh cao, do đó, chỉ dựa vào sự phát triển của thị trường sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu. Vai trò hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn hậu Covid-19 tại quốc gia đang chuyển đổi, đóng vai trò đặc biệt quan trọng: (i) quảng bá hình ảnh, (ii) xây dựng thương hiệu địa phương, (iii) hỗ trợ văn hóa bản địa, (iv) kết nối các bên liên quan hiệu quả. Nền tảng số tạo ra nhiều cơ hội trong việc kết nối này với chi phí thấp.

Về cách thức thực hiện, Trung Quốc có thể gần với Việt Nam nhất trong tiến trình này. Theo đó, Trung Quốc đã và đang đón nhận hết sức hiệu quả làn sóng chuyển đổi số với sự tham gia của các nhà khoa học ứng dụng và lý thuyết trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, Xu (2022); Zhu, Hoc Nang Fong, Gao, Buhalis, and Shang (2022) đã mô tả lại cách thức mà giới chức Trung Quốc kết hợp với những người ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội lớn nhất để tiến hành chiến lược quảng bá văn hóa diện rộng, ở đó, họ cũng trực tiếp trải nghiệm và xây dựng các dịch vụ du lịch với doanh nghiệp và người dân bản địa nhằm có hiểu biết sâu sắc về khu vực đó.

Bốn là, bảo mật thông tin cá nhân là chìa khóa quan trọng cho phát triển lâu dài. Mặc dù ghi nhận nhiều tiến bộ nhờ ứng dụng công nghệ và quá trình chuyển đổi số, nhưng có không ít những bằng chứng về sự tổn hại của việc rò rỉ thông tin cá nhân (luôn đi kèm trong quá trình này). Thông tin rò rỉ sẽ luôn tồn tại trên không gian mạng mà sau đó có thể sẽ là mục tiêu cho các dịch vụ du lịch trá hình. Theo đó, liệu rằng việc phân tích hành vi du khách có vi phạm các chuẩn mực và quy chuẩn quốc tế? Sẽ thế nào nếu dữ liệu cá nhân một người bị sử dụng vào các mục đích xấu? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với các thông tin bị đánh cắp?

Phải lưu ý thêm rằng, việc rò rỉ thông tin cá nhân cũng giống như quá trình chuyển đổi số, chúng không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược. Thông tin rò rỉ sẽ luôn tồn tại trên không gian mạng mà sau đó có thể sẽ là mục tiêu cho các dịch vụ du lịch trá hình.

Năm là, làn sóng chuyển đổi số là không thể tránh khỏi, nó mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho ngành du lịch vừa chịu những tổn hại nặng nề từ Covid-19. Do đó, việc thận trọng trong học hỏi kinh nghiệm các nước trong ít nhất hai thập kỷ qua là hết sức cần thiết; trong đó, Trung Quốc đang tỏ rõ lợi thế của người đi trước trong ứng dụng các công nghệ mới nhờ làn sóng dịch chuyển này. Việc nghiên cứu các chiến lược và hành động trong giai đoạn chuyển đổi số của nước này có thể giúp ích trong việc hoạch định các chính sách tại Việt Nam một cách bài bản, qua đó, hạn chế các sai lầm đã mắc, có như vậy, Việt Nam mới trở thành con hổ mới của châu Á như kỳ vọng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phục hồi du lịch sau đại dịch, cần tính tới chuyển đổi số - Ảnh 3