17:14 13/04/2017

Quan hệ Nga - Mỹ, những ngày trong màn sương băng giá

An Huy

Ngoại trưởng Nga Lavrov đã chào đón người đồng cấp Mỹ bằng một bài phát biểu lạnh lùng

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 12/4 tại Moscow - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 12/4 tại Moscow - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/4 đã đón tiếp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Moscow với thái độ lạnh lùng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng xung quanh vấn đề Syria. 

Cùng thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra những tuyên bố về mối quan hệ song phương đi xuống.

Theo tin từ Reuters, ông Trump nói rằng mối quan hệ Washington-Moscow “có thể đang ở mức thấp nhất mọi thời đại”. 

Lạnh lùng và cứng rắn

Trước đó vài giờ đồng hồ, ông Putin cũng tỏ ra bi quan không kém khi nói trong một chương trình phỏng vấn được đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng rằng: “Mức độ tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là trên phương diện quân sự, không hề được cải thiện mà thực ra đã giảm sút” kể từ khi ông Trump lên cầm quyền.

Bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ được thể hiện rõ trong cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng. Ông Tillerson nhận được sự đón tiếp lạnh lùng hiếm gặp, thậm chí là thái độ thù nghịch, khi tới Moscow - chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các của ông Trump tới thủ đô Nga. 

Ngoại trưởng Nga Lavrov đã chào đón người đồng cấp Mỹ bằng một bài phát biểu nói rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là bất hợp pháp, đồng thời cáo cuộc Washington hành động khó lường.

Trong cuộc gặp kéo dài ba giờ đồng hồ, cả hai bên đều bày tỏ quan điểm cứng rắn, không bên nào chịu nhường bộ bên nào. 

Ông Lavrov tái khẳng định sự ủng hộ của Nga dành cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, tiếp tục phủ nhận những cáo buộc cho rằng quân đội của Assad là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng khí độc hồi tuần trước, đồng thời đưa ra thêm một giả thiết là vụ tấn công có thể do kẻ thù của Assad gây ra nhằm đổ lỗi cho Assad. 

Trong khi đó, ông Tillerson một lần nữa khẳng định lập trường của Mỹ rằng sẽ đến lúc Assad buộc phải từ bỏ quyền lực ở Syria. 

“Chúng tôi đã thảo luận về quan điểm của Mỹ rằng Nga, với tư cách đồng minh thân cận nhất [của Assad] trong cuộc nội chiến Syria, có thể có những công cụ tốt nhất để giúp Assad công nhận thực tế này”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp, ông Lavrov nói hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong vấn đề Syria và nhất trí thành lập một nhóm công tác để xem xét tình trạng hiện nay của quan hệ Nga-Mỹ. 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng nói Tổng thống Putin đã nhất trí nối lại một thỏa thuận ngăn ngừa va chạm trên không giữa quân đội hai nước ở Syria mà Moscow cắt đứt vào tuần trước sau khi Mỹ nã tên lửa vào Syria.

Về phần mình, ông Tillerson nhấn mạnh mức độ tin tưởng thấp giữa hai nước. “Hai cường quốc hàng đầu thế giới về hạt nhân không thể có mối quan hệ như thế này”, ông Tillerson phát biểu.

Thay đổi chóng mặt

Thái độ thù nghịch của Moscow đối với các nhân vật trong chính quyền Trump là một sự thay đổi chóng mặt so với năm ngoái, khi ông Putin còn ca ngợi ông Trump là một nhân vật mạnh mẽ và đài truyền hình nhà nước Nga còn có những chương trình với nội dung đánh giá cao ông Trump.

Sau khi ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, nhiều nhà quan sát từng tin rằng mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ ấm dần lên. 

Thậm chí, Nga còn bị tố dùng hacker can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm giúp ông Trump đắc cử. Mối quan hệ giữa ê-kíp của ông Trump với Nga đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi suốt từ trước và sau khi ông nhậm chức.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi ông Trump ra lệnh cho chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải nã 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria vào hôm thứ Năm tuần trước. 

Lý giải về động thái này, Washington nói đây là sự đáp trả đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào hôm thứ Ba tuần trước ở miền Bắc Syria khiến ít nhất 70 người, bao gồm nhiều trẻ em, thiệt mạng. Phương Tây khẳng định quân đội Assad gây ra vụ tấn công này, trong khi Chính phủ Syria và Nga phủ nhận.

Trong một động thái khác có thể gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga, ông Trump ngày 12/4 nói Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không hề lỗi thời như ông nhận định khi tranh cử Tổng thống vào năm ngoái. 

Cho dù, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump nói các thành viên liên minh này tiếp tục “cần trả đủ phần của mình” cho chiếc ô an ninh châu Âu.

Trump cũng nói mối quan hệ giữa Mỹ với Nga đang không tốt. “Hiện tại, chúng tôi đang không hòa thuận chút nào với Nga. Mối quan hệ giữa chúng tôi với Nga có thể đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Điều này đã tích tụ trong một thời gian dài, nhưng chúng tôi sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói tại cuộc họp báo.

Trung Quốc lại gần Mỹ

Cũng liên quan đến vấn đề Syria, Trung Quốc ngày 12/4 đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết do Mỹ dẫn đầu của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria. 

Động thái này của Trung Quốc được xem là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy mối quan hệ ấm lên giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp vào tuần trước.

Từ năm 2011, Trung Quốc đã cùng Nga 6 lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Syria. Với việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng, Nga - đồng minh chính của Assad - nay là thành viên duy nhất có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an phản đối nghị quyết này.