10:14 14/11/2008

Quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Obama?

Anh Quân

Góc nhìn của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak về quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ tổng thống mới

"Tôi nghĩ cần thận trọng khi nói ông Obama là người bảo hộ thương mại."
"Tôi nghĩ cần thận trọng khi nói ông Obama là người bảo hộ thương mại."
Quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm tới của ông Barack Obama sẽ như thế nào?

Dưới đây là góc nhìn của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, khi trả lời báo giới vào chiều qua, 13/11.

Những nhân tố mới

Ông Obama ủng hộ việc tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ... Điều này ảnh hưởng gì đến những nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ, trong đó có Việt Nam?

Tôi nghĩ cần thận trọng khi nói ông Obama là người bảo hộ thương mại. Chúng ta cần phân định rõ ràng những gì một người nói khi vận động tranh cử và những gì họ thực sự làm khi đã trúng cử.

Công cuộc toàn cầu hóa là môt thực tế của cuộc sống và hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một thực tế đang diễn ra. Việt Nam cũng đã làm việc tích cực để hội nhập với thế giới và tôi cho rằng không có bất cứ cách thức nào có thể lật ngược tiến trình này.

Đến nay, chúng ta có 10 đến 15 năm sống trong quá tình toàn cầu hóa, đã đến lúc cần nhìn lại những tác động, hệ quả cũng như phải tính đến những biện pháp điều chỉnh, thay đổi để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng ngài Obama đã nêu những vấn đề nghiêm túc để giúp các công ty và người làm công có thể chống chọi với những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.

Và Việt Nam cũng nhận ra những vấn đề về môi trường, thay đổi khí hậu cũng như những tác động tiêu cực đối với môi trường khi có sự tăng trường kinh tế.

Điều mà Tổng thống đắc cử nói tới là với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, chúng ta cần kiểm điểm lại, cần biết rõ những gì ta có thể làm được tốt nhất để bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, để giúp cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế diễn ra suôn sẻ và càng ít bị tác động tiêu cực càng tốt.

Nhưng trước hết hãy chờ cho ông ấy lên nắm quyền và điều hành một thời gian rồi chúng ta hãy xem xét về những điều ông ấy làm.

Ông Barack Obama lựa chọn nhiều nhân sự đã từng phục vụ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton. Việc này nói lên điều gì?


Quả là có nhiều cái tên trước đó phục vụ trong chính quyền của ông Clinton được đưa ra trong danh sách những người tham gia vào giai đoạn chuyển đổi tới đây của Nhà Trắng.

Tôi cho rằng nếu chúng ta phải lựa chọn những người có kinh nghiệm để tham gia vào quá trình chuyển đổi, cần những người có kinh nghiệm trong điều hành Chính phủ Liên bang thì cũng hợp lý nếu chọn những người đã từng hoạt động trong chính quyền của ông Clinton.

Về đối ngoại, có nhiều tên tuổi đã từng hoạt động trong nhóm cố vấn thuộc ngành ngoại giao và không nhất thiết là người của Đảng Dân chủ.

Trong trường hợp ông John Kerry lên làm ngoại trưởng thì ông cho rằng điều đó có tốt cho quan hệ hai nước không?

Trong số những ứng cử viên vào vị trí ngoại trưởng, người ta cũng đề cập đến nhiều tên tuổi như John Kerry và một số người khác.

Ông John Kerry là người có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ quá trình bình thường hóa. Ông là người có mối quan tâm cá nhân trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam và ông đã thể hiện mối quan tâm đó trong sự nghiệp làm thượng nghị sỹ của ông.

Nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem ông Obama sẽ quyết định ai vào vị trí ngoại trưởng.

Quan hệ kinh tế

Quan hệ thương mại và đầu tư sẽ như thế nào trong 4 năm tới?

Những ngày này là những ngày chúng ta dự báo điều gì cũng khó chính xác. Hiện tại, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, nhưng nó ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động thương mại và đầu tư thì vẫn chưa ai biết rõ được.

Hiên nay chúng ta đang nhìn thấy bức tranh có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, nó lẫn lộn với nhau. Một số công ty Mỹ đến Việt Nam đầu tư có nói rằng “chúng tôi muốn đình lại để xem ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đến chúng tôi như thế nào”.

Trong khi đó, gần đây lại có đoàn thương mại của Mỹ đến đây và họ rất hài lòng với triển vọng kinh tế của Việt Nam, họ nói rằng một số công ty của họ quan tâm và muốn đến đây đầu tư.

Với những gì tôi biết thì xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ đang giảm đi một chút nhưng xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ lại tăng lên chút ít.

Ngoài ra, sắp tới có những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư thế giới, chẳng hạn như cuộc gặp nhóm G-20 của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, bàn về cách thức cải cách hệ thống tài chính thế giới để ngăn chặn không cho xảy ra cuộc khủng hoảng như vừa rồi chúng ta thấy.

Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cũng có nói ưu tiên hàng đầu của ông là thực hiện biện pháp từng bước một để xử lý tình hình kinh tế của Mỹ.

Tôi tin rằng ông đang tâp hợp đội ngũ cố vấn của mình để thảo luận các phương án, kế hoạch có thể được áp dụng, để tạo ra những thay đổi.

Chúng ta cần tính đến có nhiều sự kiện sẽ xảy ra, tác động đến hoạt động đầu tư, thương mại và chúng ta có thể chờ xem tác động của nó như thế nào trong thời gian tới.

Đánh giá về xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có hai luồng tư tưởng trái ngược, một là có bị ảnh hưởng và sẽ sụt giảm, hai là giá hàng Việt Nam thấp nên sẽ không ảnh hưởng. Ý kiến của ông thế nào về việc này?

Về lý thuyết kinh tế vĩ mô, khi cầu giảm xuống và thị trường xuất khẩu gặp vấn đề thì xuất khẩu sẽ bị suy giảm. Xét về nguyên tắc chung thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu tác động tiêu cực.

Nhưng tôi cũng cho rằng có những yếu tố có thể giúp giảm thiểu tác động đối với xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ so với các nước khác. Chẳng hạn như tôi nghe người ta nói những hãng phân phối lớn ở Mỹ lại có những đơn hàng, hoặc nhu cầu nhập khẩu lớn vì người Mỹ hiện nay tiết kiệm chi tiêu hơn và họ không đi đến những cửa hàng đắt tiền nữa.

Và vì Việt Nam là nhà cung cấp cho những cửa hàng trung bình như thế này, tôi cho rằng với nhu cầu của người mỹ về hàng ít tiền hơn như thế lại có tác dụng tích cực với hàng xuất khẩu của Việt Nam

Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hàng thực phẩm nhiều và hàng hóa này không bị ảnh hưởng nhiều khi cầu giảm xuống như các hàng hóa khác.

Vì vây, tôi cho rằng mặc dù lý thuyết kinh tế nói chung cho là xuất khẩu sẽ giảm khi cầu của thị trường nhập khẩu giảm, nhưng với trường hợp của Việt Nam thì có những yếu tố sẽ giảm thiểu cái tác động đó.

Ngoài ra Việt Nam là nước cũng luôn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới và gần đây Việt Nam đã xuất khẩu trái thanh long qua Mỹ.

Trong một bài viết mà tôi đọc, nhà nhập khẩu nói rằng họ đã bán hết veo container đầu tiên rất là nhanh chóng và ông ấy tin rằng Việt Nam còn có thể bán rất nhiều thanh long nữa vì ông ấy nhìn thấy có một nhu cầu rất cao đối với mặt hàng này ở Mỹ.

Theo tôi nếu xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao và chọn đúng mặt hàng xuất khẩu sẽ giúp giảm bớt áp lực của khủng hoảng tài chính tác động đến Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ của ông Obama, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ được giải quyết như thế nào?

Nói riêng về các vụ chống bán phá giá, luật pháp của chúng tôi quy định những trình tự phải tuân theo. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo những trình tự và quy định về luật pháp mà chúng tôi có.

Vậy vấn đề chống bán phá giá cá tra có đáng lo ngại không khi có nguồn tin nói rằng nó sẽ lại được nói tới?

Chỉ đáng lo sợ khi thật sự có bán phá giá.

Đến thời điểm nay, tôi chưa nghe nói ai đó ở Mỹ thực hiện những cuộc vận động đòi áp thuế chống bán phá giá đối với hàng thủy sản. Nhân đây tôi cũng muốn nói là hàng dệt may sang Mỹ đã tăng khá nhưng cũng không có ai đấu tranh để áp thuế bán phá giá với mặt hàng này.

Tôi biết một số mức thuế chống bán phá giá đối với hàng thủy sản Việt Nam đã được hạ xuống. Như vậy, tôi cho rằng quan hệ thương mại vẫn đang tiến triển rất tốt đẹp.

Với ông Obama, nước Mỹ có Tổng thống gôc Phi đầu tiên. Trong nhiệm kỳ tới, Nhà Trắng liệu có thay đổi gì đối với vấn đề lao động nhập cư?

Tôi nghĩ điều đó không phụ thuộc vào Tổng thống Obama hay bất kỳ tổng thống nào khác. Vấn đề lao động nhập cư và người nhập cư luôn được tranh luận gay gắt ở Mỹ và chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục trong nhiệm kỳ của ông Obama. Nó sẽ đòi hỏi những giải pháp lưỡng đảng để được chấp nhận.

Tổng thống đắc cử Obama luôn mong muốn đưa ra những giải pháp lưỡng đảng để giải quyết những vấn đề đang đối diện với nhân dân Mỹ trong thời điểm này. Nếu ông có thể duy trì quan điểm lưỡng đảng này thì ông có thể đưa ra các dự luật tốt ở Quốc hội để được thông qua. Thời điểm này thì còn nhiều khó khăn.