16:35 13/10/2022

Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế

Minh Nguyệt

Thành công của việc tái chế quần áo cũ có ý nghĩa rất lớn, bởi quần áo cũ đang dư thừa trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, hàng năm có 26 tỉ pound quần áo bị bỏ đi…

Ảnh: LeviStraus
Ảnh: LeviStraus

Tại cuộc đấu giá trong sự kiện Durango Vintage Festivus được tổ chức bởi Brit Eaton tại Colorado (Mỹ) hồi cuối tháng 9, nhiều món đồ quý hiếm đã được bán đấu giá. Trong đó có một chiếc quần jeans cạp chun của Levi’s từ những năm 1880. Chiếc quần Levi’s này được tìm thấy cách đây nhiều năm trong một khu mỏ bỏ hoang bởi Michael Allen Harris, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Jean of The Old West”.

Không ai biết được chiếc quần jean này đã bị bỏ quên trong khu mỏ bỏ hoang đó bao lâu, cũng như chủ sở hữu ban đầu là ai, nhưng chiếc quần jeans vẫn trong tình trạng khá tốt mặc dù đã hơn 140 năm tuổi. Một vài năm trước, Harris đã bán chiếc quần mang đầy “dấu ấn lịch sử” này cho Brit Eaton – người đã bán đấu giá chiếc quần Jeans trong sự kiện Durango Vintage Festivus. Brit Eaton trước đó đã ước tính chiếc quần jeans này có thể sẽ được bán với giá từ 50.000 đến 100.000 đô la và cuối cùng mức giá đạt được là 76.000 đô la (gần 2 tỷ đồng).

Một góc của sự kiện Durango Vintage Festivus được tổ chức bởi Brit Eaton tại Colorado (Mỹ) hồi cuối tháng 9.
Một góc của sự kiện Durango Vintage Festivus được tổ chức bởi Brit Eaton tại Colorado (Mỹ) hồi cuối tháng 9.

Trước đó, hồi năm 2018, một người mua đến từ Đông Nam Á đã chi gần 100.000 USD để mua lại một chiếc quần jean Levi’s có tuổi đời 125 năm. Chiếc quần jean này, vào năm 1893, được ông Solomon Warner, một chủ tiệm ở Arizona vào thời điểm đó, mua về để mặc. Chiếc quần cũ kỹ này đã được cất trong rương và truyền từ đời này qua đời khác. Người ta tin rằng ông Solomon Warner là một người đàn ông to béo vì chiếc quần Levi’s được tìm thấy có kích cỡ lớn, với vòng bụng gần 112 cm và ống quần dài 91 cm.

Khác với quần Levi’s hiện đại, chiếc quần jean của ông Warner chỉ có một túi sau. Nhà sản xuất không dùng đỉa quần, mà thay vào đó là dùng dây đeo quần. Loại vải denim của quần được sản xuất tại một nhà máy ở New Hampshire, trong khi quần được gia công tại nhà máy Levi's ở San Francisco. Túi đơn, đinh tán và vết dây đeo của quần như được thấy trong các ảnh chụp cho thấy chiếc quần jean Levi’s này đã được sản xuất trước năm 1900. Chiếc quần jean vẫn trong điều kiện tốt khi được mua lại, được cho là nhờ bảo quản trong rương qua nhiều thập niên.

Với gã khổng lồ may mặc Levi’s, những cuộc đấu giá quần jean cũ như thế này là cách tuyêt vời nhất để khẳng định chất lượng đáng tin cậy của sản phẩm. Bên cạnh đó, từ câu chuyện được lan truyền về những chiếc quần jean cũ, việc sử dụng vải tái chế là chìa khóa để cải thiện tính bền vững cho hệ sản phẩm mới của hãng. Đó là một vòng tuần hoàn đầy đủ: khi những chiếc quần mới này đã quá cũ, người ta lại có thể tái chế chúng thành loại chất liệu mới để dùng cho những chiếc quần jeans mới, với cùng quy trình xử lí.

Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 1
Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 2
 
Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 3
Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 4
 
Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 5
Quần Levi’s cũ: kỷ lục đấu giá và giấc mơ tái chế - Ảnh 6
 
Chiếc quần jeans hơn 140 năm tuổi khi mới tìm thấy và khi đã được làm sạch.
Chiếc quần jeans hơn 140 năm tuổi khi mới tìm thấy và khi đã được làm sạch.

Đây là kết quả có được sau hơn 2 năm hợp tác giữa Levi’s và Renewcell, một startup Thụy Điển. Trong một thống kê vòng đời các sản phẩm Levi’s, ông Paul Dillinger, phó chủ tịch chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm của Levi’s Strauss and Co. cho biết: “yếu tố gây ảnh hưởng áp đảo là khả năng tạo ra nguyên liệu thô”.

Theo cách truyền thống, trồng cây bông để sản xuất nguyên liệu, làm tốn đến 2.500 lít nước để có thể tạo ra một chiếc quần jeans Levi’s. Để hình dung thì, lượng nước này còn lớn hơn tổng lượng nước mà người dùng kỹ tính nhất sử dụng để giặt chiếc quần jeans trong suốt vòng đời của nó.

Bằng cách sử dụng loại vải làm từ bông tái chế, Levi’s có thể giảm lượng nước tiêu thụ, và cũng giảm lượng thải carbon và hóa chất ra môi trường. Trước đó, không phải là không có các công nghệ tái chế vải sợi. Nhưng hiệu quả của các công nghệ này không quá tốt, bởi việc “băm" vải bông thành những miếng nhỏ hơn sẽ làm giảm giá trị của chất liệu, trong khi sản phẩm vốn còn khá tốt sau nhiều năm.

Nhưng công nghê của Renewcell lại tái cấu trúc sợi bông theo một cách khác biệt, phân giải chúng, kết hợp với bột gỗ rồi đẩy hỗn hợp qua các vòi rất nhỏ để tạo thành những sợi bông dài hơn, chất lượng cao hơn. Kết quả đầu ra của quy trình này là một loại chất liệu được gọi là “Circulose", chúng được coi là tơ nhân tạo thay vì sợi bông.

Bởi chất liệu này có kết cấu khác, các nhà thiết kế chọn phương án làm những chiếc quần jeans mới sử dụng kết hợp chúng với sợi bông hữu cơ. Levi’s Strauss đang thử nghiệm nhiều cách để tăng tỉ lệ Circulose trong mỗi chiếc quần jeans của hãng. Hiện tại, tỉ lệ này đang ở mức 40%, và trong 40% này thì một nửa đến từ vải tái chế, một nửa là bột gỗ. Dillinger khẳng định: “Chúng tôi có thể ra mắt những sản phẩm làm từ 100% sợi bông tái chế. Sẽ có nhiều cách để làm chất liệu này tạo cảm giác giống sợi bông hơn, nhưng phải nghiên cứu thêm một chút nữa”.

Dự án hợp tác giữa Levi’s và Renewcell tạo ra một loại chất liệu được gọi là “Circulose" dùng để may quần jean mới.
Dự án hợp tác giữa Levi’s và Renewcell tạo ra một loại chất liệu được gọi là “Circulose" dùng để may quần jean mới.

Những chiếc quần jeans loại mới này cũng được thiết kế để có thể dễ dàng được tái chế hơn, ví dụ như những đường may hay nhãn hiệu, thay vì sử dụng chất liệu khác thì cũng sử dụng sợi bông. Dillinger nói: “Bạn không thể tống bất cứ thứ gì vào hệ thống này. Những chiếc quần jeans phải được thiết kế phục vụ cho một vòng tuần hoàn”. Để thử nghiệm khả năng đó, Levi’s đã gửi ngược những chiếc quần jeans loại mới này về Renewcell, và ở đây họ đã tái chế thành công hoàn toàn chiếc quần thành chất liệu mới.

Ông Dillinger nhấn mạnh: “Nếu chúng ta nhìn vào những quy định mới trong Liên minh châu Âu, có thể thấy việc vùi lấp đồ may mặc xuống đất sẽ dần trở thành bất hợp pháp. Xét về vi mô, việc tái sử dụng quần áo bị bỏ đi sẽ trở nên có lời hơn là chôn lấp chúng”.