08:00 05/10/2022

Tính thuyết phục của thời trang kỹ thuật số

Minh Nguyệt

Thời trang kỹ thuật số là những trang phục được tạo ra bằng công nghệ máy tính và phần mềm 3D. Không có sản phẩm vật lý, chúng tồn tại trong các tệp kỹ thuật số trực tuyến, dựa vào công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và các công nghệ khác để đạt hiệu ứng thị giác khi “mặc”...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một bài viết đăng trên trang Decanherald.com với tiêu đề “Xu hướng thời trang tương lai là những bộ quần áo không tồn tại”, nhóm tác giả bài viết cho rằng với nhiều người, việc bỏ tiền thật để mua một bộ quần áo ảo hiện nay là một điều gì đó hoang đường. Tuy nhiên, khi con người ngày càng dành thời gian nhiều hơn cho thế giới ảo, tiền ảo được nhiều quốc gia chấp nhận giao dịch, thì trang phục ảo cũng sẽ nhanh chóng mở rộng được thị trường.

GIA NHẬP “ĐƯỜNG ĐUA” MATAVERSE VÀ NFT

Cùng với sự phát triển của các loại hình mạng xã hội, sức ép bắt kịp với xu hướng thời trang giờ đây lớn hơn bao giờ hết. Khảo sát của trang đánh giá Hubbub tại Anh chỉ ra rằng cứ 6 người trong độ tuổi 18 - 25 thì có 1 người không muốn mặc lại bộ quần áo họ từng thấy trên mạng xã hội nữa. Trang phục ảo ra đời là để giải bài toán này, khi người mua không cần tốn chỗ trong tủ đồ mà vẫn có thể có những bộ cánh đẹp mắt, mới lạ để chia sẻ trên mạng.

Khác với thời trang truyền thống, tính thuyết phục của thời trang kỹ thuật số chính là sản xuất số hóa giúp rút ngắn thời gian đưa “sản phẩm” ra thị trường, kéo theo một loạt các hao phí trong nhiều quy trình được loại bỏ. Không đòi hỏi nguyên phụ liệu vật chất, không trải qua các công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường, và cuối cùng không bị vùi nén trong núi rác thải thời trang chờ được xử lý. Ngoài ra, với thời trang kỹ thuật số, nhà thiết kế có thể thử nghiệm với bất kỳ ý tưởng, cấu trúc và mọi chất liệu.

Với những lợi thế kể trên, khách hàng chính của thời trang kỹ thuật số hiện tại là các KOL (người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng), trendsetter (người tạo xu hướng), fashionista (tín đồ thời trang), nhóm khách hàng có tiếng nói và ảnh hưởng đến giới trẻ, đồng thời cũng là những người luôn phải tìm mọi cách để tạo sự bứt phá về mặt hình ảnh thương hiệu, giúp danh tiếng họ đứng vững trên thị trường.

Với thời trang kỹ thuật số, nhà thiết kế có thể thử nghiệm với bất kỳ ý tưởng, cấu trúc và mọi chất liệu.
Với thời trang kỹ thuật số, nhà thiết kế có thể thử nghiệm với bất kỳ ý tưởng, cấu trúc và mọi chất liệu.

Dù chỉ mới xuất hiện trong khoảng hai năm trở lại đây, thị trường thời trang kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 50 tỷ USD năm 2022. Cuộc khảo sát mới đây của Công ty dự báo xu hướng WGSN được thực hiện tại các thị trường Anh, Đức, Mexico, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Ai Cập và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho thấy: 82% số người được hỏi đã mua một số loại vật phẩm ảo và 1/3 trong số đó đã mua thời trang ảo. Trong số những người quan tâm đến thời trang kỹ thuật số, 47% không phải là người dùng tiền điện tử.

Caitlin Monahan - chiến lược gia công nghệ tiêu dùng của WGSN, nhận định: “Nó giống như một điểm khởi đầu, nơi mà bạn không phải chi hàng nghìn USD, nhưng bạn vẫn có thể là tín đồ của một thương hiệu xa xỉ”.

Trong khi một bộ phận cho rằng thời trang không phải lúc nào cũng bắt kịp công nghệ, thời gian gần đây, các nhà mốt đã thích ứng với xu hướng tài sản kỹ thuật số và tạo ra NFT cho riêng mình.

Đầu tiên phải kể đến Nike, với bộ sưu tập NFT mang tên RTFKT x Nike Dunk Genesis CryptoKicks. Tiếp theo là Burberry phối hợp với Mythical Games tạo ra NFT đầu tiên, Blankos Block Party. Louis Vuitton cũng phát hành trò chơi di động với 30 NFT không thể mua được mà chỉ có thể sử dụng làm đồ sưu tầm. Hay Gucci đang sử dụng NFT để tạo ra những thước phim thời trang đỉnh cao. Con số thương hiệu tham gia vào đường đua tạo ra các sản phẩm thời trang kỹ thuật số đang và sẽ không ngừng tăng.

 
Theo báo cáo của McKinsey, chi tiêu toàn cầu cho hàng hóa ảo đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015, với khoảng 30% doanh thu đến từ thời trang ảo.

Trong bối cảnh này, các công ty thời trang đua nhau tập trung vào đổi mới và thương mại hóa mô hình Metaverses, với dự đoán có thể tạo ra hơn 5% doanh thu trong vòng 2 đến 5 năm tới. Trong năm 2021, các công ty thời trang đầu tư từ 1,6 đến 1,8% doanh thu của họ vào công nghệ. Đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng lên từ 3,0 - 3,5%. Đằng sau sự gia tăng đầu tư cho thời trang số là niềm tin của các hãng thời trang rằng công nghệ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh so với hình thức mua hàng trực tiếp trước đây.

CUỘC CÁCH MẠNG VỀ VĂN HÓA TIÊU DÙNG

Nhiều năm nay, ngành công nghiệp thời trang đang gấp rút tái tạo lại chuỗi cung ứng. Nếu không thay đổi theo một cách nào đó, dự báo lợi nhuận của ngành trên toàn cầu sẽ bị cắt giảm 3% vào năm 2030 bởi áp lực đến từ mọi mặt. Đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái đất, nhưng tài nguyên nước sẽ đi từ khan hiếm đến mức cạn kiệt trong vòng một thập niên nữa. Kinh tế cho dù phát triển, nhưng các thương hiệu mới nổi và các công ty khởi nghiệp dễ dàng lóe sáng rồi sụp đổ, thay phiên nhau ký gửi các bộ sưu tập chưa bán được đến bãi rác chôn lấp…

Trong khi đó, theo thông cáo đăng trên DressX.com, tổng lượng khí thải carbon trung bình để tạo ra một mặt hàng kỹ thuật số ít hơn 97% so với quy trình sản xuất một loại quần áo vật lý, tiết kiệm khoảng 3.300 lít nước cho mỗi mặt hàng.

Do đó, theo các nhà phân tích, kỷ nguyên thời trang kỹ thuật số được dự đoán sẽ tạo ra cuộc cách mạng về văn hóa tiêu dùng trong thời trang một lần nữa, từ ý tưởng đến dự án, từ phòng thí nghiệm thời trang công nghệ đến thị trường bán lẻ truyền thống.  Như vậy, thời trang kỹ thuật số đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, giảm thiểu việc sản xuất thừa thãi hàng may mặc, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.

Tổng lượng khí thải carbon trung bình để tạo ra một mặt hàng kỹ thuật số ít hơn 97% so với quy trình sản xuất một loại quần áo vật lý.
Tổng lượng khí thải carbon trung bình để tạo ra một mặt hàng kỹ thuật số ít hơn 97% so với quy trình sản xuất một loại quần áo vật lý.

Theo báo cáo của McKinsey, chi tiêu toàn cầu cho hàng hóa ảo đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015, với khoảng 30% doanh thu đến từ thời trang ảo. Ngay cả những ứng dụng tương tác như Snapchat giờ đây cũng cho phép người dùng “mặc thử” quần áo kỹ thuật số thông qua AR và Instagram cũng vậy. Do đó, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi đưa ra tư duy bắt kịp thời đại, giúp người tiêu dùng làm quen với xu hướng mới.

Cuối năm ngoái, thương hiệu BOO thông báo ra mắt sản phẩm NFT đầu tiên, chính thức gia nhập thế giới ảo Metaverse. Là một startup thời trang chuyên sử dụng chất liệu bảo vệ môi trường, BOO nhanh chóng hợp tác cùng VerseHub, ra mắt thiết kế NFT trên nền tảng Blockchain và giúp khách hàng trải nghiệm mua sắm thực tế ảo trong “NextVerse”.

Việt Nam cũng đã xuất hiện người mẫu ảo đầu tiên – E.M ƠI. Cô người mẫu này là đứa con tinh thần của Ogilvy T&A và Colory – một studio chuyên về đồ họa 3D và animation. Trên trang cá nhân với hơn 7.000 người theo dõi của mình, E.M thường xuyên update cuộc sống thường nhật và cả việc cô hợp tác với thương hiệu Môi Điên trong bộ sưu tập “Back To The Future”.

Thậm chí, Việt Nam còn có một thương hiệu thời trang kỹ thuật số 100% là 143Dress của nhà thiết kế Trần Quỳnh Nhi. Hiện tại, những thiết kế của 143Dress đã được bày bán trên DressX và Special-items.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng để trở thành một danh tính số trong một thế giới còn bí ẩn như Metaverse. Việc thay đổi nhận thức khách hàng để khiến họ chi tiền cho một sản phẩm ảo là không dễ dàng, đòi hỏi các thương hiệu thời trang phải có một chiến lược dài hơi, cân bằng giữa sàn giao dịch ảo với cửa hàng thật, giúp người dùng không ngừng đổi mới, nhưng đủ khả năng thể hiện giá trị bản thân.