17:34 17/07/2023

Quản lý thị trường cần “chạm” được đến gốc rễ của vấn nạn hàng giả

Vũ Khuê

Lực lượng quản lý thị trường cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trong các lĩnh vực thương mại điện tử, ngành hàng thực phẩm chức năng, thuốc tân dược...

Thu giữ lô xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại chợ Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Thu giữ lô xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại chợ Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát do các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh (mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử), hàng hóa được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng.

Tính từ 15/12/2022-30/6/2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 39.384 vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 23.714 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 226 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022). Trị giá hàng hóa tịch thu gần 93 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 66,7 tỷ đồng.

Tình hình buôn lậu xăng dầu vẫn diễn ra phức tạp.
Tình hình buôn lậu xăng dầu vẫn diễn ra phức tạp.

Điển hình, xăng dầu là mặt hàng nóng nên những tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra trên 1.200 vụ, xử lý trên 300 vụ vi phạm.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; không áp dụng hoặc duy trì hệ thống quản lý chất lượng; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền; nhân viên không được tập huấn, đào tạo và cấp Giấy chứng nhận theo quy định...

Cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 981 vụ liên quan tới mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng LPG, xử lý 506 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 3,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 340 triệu đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là: kinh doanh LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hạn sử dụng; nạp LPG vào chai khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện; kinh doanh chai LPG mini không được phép nạp lại…

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nửa đầu năm, quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 328 vụ, xử lý 233 vụ, phạt tiền hơn 4,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa hơn 2,7 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước; không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử...

Tuy nhiên, tại hội nghị công tác chuyên môn, nghiệp vụ Quản lý thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thẳng thắn cho rằng dù có nhiều điểm sáng, song công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù chức năng, phạm vi tác nghiệp và quyền lực được giao của quản lý thị trường đủ rộng nhưng nhiều lĩnh vực, địa bàn vẫn chưa thể chạm đến.

Đơn cử như với thương mại điện tử, con số 328 vụ kiểm tra, xử lý 233 trong 6 tháng trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ… thì còn quá khiêm tốn.

Hay với các ngành hàng thực phẩm chức năng, thuốc tân dược... quản lý thị trường vẫn chưa “chạm” được đến gốc rễ vấn đề. Các vụ việc kiểm tra, phát hiện chỉ là bề nổi. 

Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng lực lượng quản lý thị trường cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trong các lĩnh vực, ngành hàng kể trên.

Dự báo về tình hình thị trường 6 tháng cuối năm, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vào những tháng cao điểm của dịp Lễ, Tết…do đó, Tổng cục sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng khác tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm.

Đặc biệt tập trung xử lý các đối tượng đầu nậu, các kho, bãi lớn tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm…

Trong đó, chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, như: thương mại điện tử, rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá, thực phẩm, phân bón…

Để giữ ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu, toàn lực lượng phải nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các địa bàn trọng tâm, nổi cộm, chú trọng các mặt hàng trọng điểm.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần giữ đúng đạo đức công vụ. Tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường…